Nhân chứng kể lại cuộc chiến khốc liệt bảo vệ biên giới năm 1979
Trên tay bác sĩ Nguyễn Thái Long, người đồng đội bị thương nặng chỉ kịp nói lên những lời cuối rồi ngất lịm đi. Trái tim ông như hẫng lại một nhịp vì thương xót.

Bác sĩ Nguyễn Thái Long cùng tác phẩm Tiếng vọng đèo Khau Chỉa. Ảnh: Đức Huy.
Hơn 46 năm trước, bác sĩ Nguyễn Thái Long cùng đồng đội tại Trung đoàn 567 tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới tại Tà Lùng, Khau Chỉa, Phục Hòa (Cao Bằng). Khi ấy, những người lính trẻ tuổi, chỉ mới 19, 20, từ khắp mọi miền đã lên đường với lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Mỗi người đều mang theo những hoài bão, câu chuyện còn dang dở, nhưng trên hết, họ có chung một hành trang: tình yêu quê hương và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất biên cương.
Những ký ức khốc liệt của chiến trường năm xưa đã được bác sĩ Nguyễn Thái Long ghi lại trong tác phẩm Tiếng vọng đèo Khau Chỉa. Ông chia sẻ về những khoảnh khắc không thể nào quên của trận chiến biến giới năm 1979.
Tiếng vọng bi tráng nơi biên thùy
- Trong những ngày chống trả quân địch tại chiến trường Khau Chỉa, ông và đồng đội đã phải trải qua khoảnh khắc sinh tử như thế nào?
- Chiến trường Khau Chỉa những ngày tháng ấy rất khốc liệt. Quân địch tràn sang bất ngờ với lực lượng áp đảo, có pháo và xe tăng. Hướng Tà Lùng, Phục Hòa có 2 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn xe tăng, 1 lữ đoàn pháo binh. Bên ta chỉ có lực lượng của Trung đoàn 567 của Tỉnh đội Cao Bằng. Tương quan chênh lệch cả về quân số và vũ khí.
Đạn địch cày xới mặt đất quanh mình, tiếng pháo rền vang suốt ngày đêm. Đồng đội ngã xuống ngay bên cạnh, có người gục trên tay tôi. Những thương binh mất chân, mất tay, ngực bị xé toạc bởi đạn pháo nhưng vẫn dũng cảm chiến đấu, giữ vững trận địa.

Trong ảnh, một tổ hỏa lực của Trung đoàn 567 (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng) phục kích tiêu diệt cánh quân địch tấn công TX Cao Bằng (nay là TP Cao Bằng) tháng 2/1979. Ảnh: Trần Mạnh Thường/TTXVN.
Một cậu ở Đại đội 1 bị mảnh pháo phạt đứt ngang đùi nát tướp thịt, trơ khúc xương gãy, mặt trắng bệch thều thào: "Cứu em, em chết mất". Tôi vừa ga rô, tiêm thuốc chống sốc vừa an ủi: "Cố lên ráng chịu đau để anh băng cho em, mở mắt ra đi". Lát sau cậu ấy lịm đi, người giật giật mấy cái rồi hy sinh trên tay tôi. Tôi vuốt mắt đồng đội, thương quá mà không thể làm gì hơn.
Sau khi rút lui, nhìn biên cương tan hoang dưới bàn tay của quân địch, chúng tôi càng hiểu rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Những ngôi làng bị thiêu rụi, những đồng đội bị giết hại dã man - tất cả điều đó là nỗi đau không thể nguôi ngoai.
Bác sĩ Nguyễn Thái Long
Bi thương nhất là thảm kịch diễn ra tại hang Keng Riềng. Quân địch dùng súng phun lửa, B40 sát hại 26 người, trong đó có 20 thương binh nặng của Trung đoàn 567, cùng y tá và học sinh cấp III. Không có cơ hội phản kháng, họ hy sinh trong ngọn lửa hung tàn.
Sau khi rút lui, nhìn biên cương tan hoang dưới bàn tay của quân địch, chúng tôi càng hiểu rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Những ngôi làng bị thiêu rụi, những đồng đội bị giết hại dã man - tất cả điều đó là nỗi đau không thể nguôi ngoai.
- Cuộc chiến tranh biên giới thứ hai tại Vị Xuyên (Hà Giang) có điểm gì khác so với chiến trường Khau Chỉa?
- Nếu Khau Chỉa là cuộc chiến diễn ra chóng vánh trong khoảng thời gian một tháng, Vị Xuyên lại kéo dài gần sáu năm. Vùng biên giới Hà Giang trở thành chiến trường ác liệt. Thế trận giằng co giữa hai bên căng thẳng. Quân địch đã chủ động chọn Vị Xuyên làm chiến trường trọng điểm, tập trung hàng chục sư đoàn, thay phiên liên tục tấn công. Chúng chiếm các điểm cao chiến lược làm chiến trường giao tranh nhằm tiêu hao, tiêu diệt các sư đoàn chủ lực.
Để giành lại những điểm cao đó, đồng đội tôi đã phải hy sinh tổn thất rất nhiều. Mặt trận Vị Xuyên là nơi đối đầu giữa lực lượng bộ binh và các cuộc pháo kích dữ dội. Địa hình bị băm nát, có ngọn núi bị đánh bạt đi mấy mét, nơi đây được gọi là lò vôi thế kỷ. Tháng 5/1985, Trung đoàn 567 (982) đã làm nên chiến thắng A6B. Đây là chiến thắng bản lề của Mặt trận Vị Xuyên ngày ấy.
- Đêm trắng 17/2 là một khoảnh khắc đã được ông nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa", làm thế nào để ông hay những người đồng đội vượt qua nỗi ám ảnh về nó?
- Đêm trắng 17/2 là một ký ức không thể xóa nhòa trong tâm trí tôi và đồng đội. Đó là ký ức về chiến tranh, tiếng súng nổ, lửa đạn vây quanh và là đêm của sự mất mát, tiếc thương những đồng đội hy sinh khắc sâu vào tâm trí. Những hình ảnh về đồng đội ngã xuống, những gương mặt thân quen mãi mãi tuổi thanh xuân, những âm thanh của đạn nổ, lửa cháy xen những tiếng gọi nhau trong bóng tối… Tất cả như một cuộn phim tua chậm, tái hiện rõ ràng trong từng giấc ngủ chập chờn.
Chấn thương hậu chiến tranh không chỉ là những vết sẹo trên cơ thể mà còn là những vết hằn trong tâm trí. Nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến, đêm trắng 17/2/1979 ký ức ấy lại trỗi dậy, quặn thắt. Viết lại ký ức để đồng đội không bị lãng quên - đó là cách tôi vượt qua nỗi ám ảnh.
“Tôi phải viết để đồng đội không bị lãng quên”
- Bước qua hai cuộc chiến, ông nghĩ mình đã thay đổi như thế sao?
- Tôi là một học sinh đã trúng tuyển vào đại học năm 1972, từ bỏ cơ hội đi học đại học để nhập ngũ và trở thành y sĩ quân y tiểu đoàn khi chiến tranh xảy ra.
Bước vào cuộc chiến đấu, tôi và những người đồng đội đều mang trong mình tâm thế của người lính cầm súng ở tuyến đầu biên cương của Tổ quốc. Chúng tôi biết nếu phải hy sinh, chúng tôi cũng sẽ làm tròn nhiệm vụ của người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa ra mắt năm 2023. Ảnh: Nhã Nam.
- Điều gì đã thôi thúc ông viết nên cuốn hồi ký về chiến tranh biên giới sau nhiều năm đã trôi qua?
- Năm 2012, khi trở lại chiến trường Tà Lùng, tôi xót xa nhận ra rằng những đồng đội đã hy sinh năm xưa gần như rơi vào lặng lẽ của thời gian. Những địa danh từng ghi dấu những trận đánh ác liệt năm xưa giờ đây hầu như chìm vào quên lãng. Tôi đứng giữa trận địa cũ, hình dung lại những trận chiến đấu, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Đơn vị tôi - Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 - đã chiến đấu kiên cường, được phong tặng danh hiệu anh hùng, nhưng sự hy sinh ấy lại chìm vào thinh lặng. Một câu hỏi cứ ám ảnh tôi: liệu những đồng đội đã ngã xuống có ai bị lãng quên?
Chúng tôi biết nếu phải hy sinh, chúng tôi cũng sẽ làm tròn nhiệm vụ của người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Bác sĩ Nguyễn Thái Long
Tôi nung nấu ý định viết lại những ký ức chiến tranh nơi biên cương phía Bắc. Nhưng mãi đến năm 2015, khi nghỉ hưu, tôi mới có thời gian thực hiện.
Suốt ba năm sau đó, tôi đi tìm gặp lại các đồng đội, lắng nghe những câu chuyện còn nguyên vẹn trong tâm trí họ. Ngày 17/02/2019, kỷ niệm 40 năm cuộc chiến, đứng trên mảnh đất Tà Lùng, Khau Chỉa, nhìn hoa gạo đỏ rụng đầy dưới chân đỏ như màu máu, tôi biết mình không thể chần chừ được nữa. Tôi phải viết ra để đồng đội tôi không bị lãng quên.
- Ông nghĩ rằng tác phẩm của mình có thể đem lại những giá trị gì đối với thế hệ trẻ?
- Tôi viết cuốn sách này để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, chủ quyền của đất nước ở biên cương phía Bắc. Tiếng vọng đèo Khau Chỉa có thể mang đến cho thế hệ trẻ một thông điệp của những người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc, giúp các bạn hiểu rằng có một giai đoạn lịch sử bi hùng.
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979-1989 là những trận chiến khốc liệt, minh chứng cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc ta trước mọi thế lực xâm lược. Cái giá của hòa bình hôm nay phải đổi bằng xương máu bao người. Thế hệ trẻ cần hiểu và trân quý hòa bình, trân trọng một trang lịch sử hào hùng của đất nước
Nếu không được nhắc đến, những trang sử ấy sẽ dần mờ đi theo thời gian năm tháng. Tôi mong rằng qua cuốn sách, các bạn trẻ sẽ biết đến những con người đã cầm súng bảo vệ từng tấc đất quê hương, biết đến những hy sinh thầm lặng nhưng oanh liệt hào hùng của thế hệ cha anh.
Cuốn sách này cũng là một nén tâm nhang tôi thắp lên tri ân đồng đội, những người đã chiến đấu và nằm lại nơi biên cương. Tôi hy vọng rằng những câu chuyện trong sách sẽ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc trong thế hệ trẻ hôm nay.