Nhận biết SGK giả, in lậu đối với nhiều phụ huynh là không hề dễ dàng

Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa trên mạng xã hội, nhưng khi nhận sách, lại phát hiện nhiều trang sách bị in mờ nhòe, thậm chí thiếu nội dung.

Thời gian qua, vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu vẫn đang khiến thị trường sách trở nên phức tạp, phụ huynh và học sinh dễ lựa chọn nhầm sản phẩm. Sách giả, sách lậu không chỉ được bày bán trên vỉa hè, mà còn len lỏi vào các sàn thương mại điện tử, khiến cho việc kiểm soát càng trở nên khó khăn hơn.

Phụ huynh mua nhầm sách giả trên mạng, trang bị đứt gãy, mực in mờ nhòe, chữ khó đọc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Mai Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn A (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, tính đến nay, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp nào mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu hoặc phản ánh tiêu cực về vấn đề này.

“Hằng năm, nhà trường hỗ trợ học sinh đăng ký mua sách giáo khoa, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm đảm bảo tài liệu học tập trong nhà trường đạt chuẩn chất lượng. Trong đó, nguồn sách của trường được cung cấp bởi Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Hà Tây, dựa trên danh mục sách do nhà trường đề xuất và được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai phê duyệt.

Tuy nhiên, việc đăng ký mua sách thông qua nhà trường là không bắt buộc, phụ huynh có thể mua sách ở các cửa hàng, đại lý bên ngoài. Vì vậy, việc phụ huynh mua phải sách giả, sách lậu bên ngoài thị trường là điều nhà trường rất khó để kiểm soát” - cô Mai Anh cho biết.

 Cô Nguyễn Thị Mai Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn A (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: website trường.

Cô Nguyễn Thị Mai Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn A (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: website trường.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn A, việc nhận biết sách giáo khoa giả, sách in lậu đối với phụ huynh hiện nay là một điều không hề dễ dàng: “Các phương thức làm giả sách ngày càng trở nên tinh vi, từ việc sao chép thiết kế bìa, tem nhãn cho đến chất lượng in ấn. Nhiều cuốn sách giả được sản xuất với hình thức gần giống hệt sách thật, khiến phụ huynh rất khó phân biệt nếu chỉ quan sát bằng mắt thường.

Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng có đủ thời gian và kinh nghiệm để kiểm tra kỹ lưỡng từng cuốn sách, đặc biệt là khi phụ huynh thường có xu hướng tìm mua sách từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả các kênh bán hàng trực tuyến hoặc qua trung gian. Việc này vô tình tạo ra cơ hội cho các đối tượng làm giả sách trục lợi, gây ra nhiều rủi ro cho phụ huynh, học sinh khi sử dụng những cuốn sách kém chất lượng trong quá trình học tập”.

Cô Mai Anh cũng nhấn mạnh, sách giả, sách lậu gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, giáo viên và cả các nhà trường. Những loại sách này thường có nhiều lỗi in ấn, hình ảnh mờ nhòe hoặc sai sót nội dung, làm giảm hiệu quả học tập của học sinh và gây khó khăn cho giáo viên trong giảng dạy.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh với tâm lý ham rẻ, thiếu thông tin và nhận thức về cách phân biệt sách thật - sách giả cũng là nguyên nhân khiến tình trạng trên còn xuất hiện trên thị trường.

Trên thực tế, không ít phụ huynh vì nhiều lý do khác nhau mà mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu. Trường hợp của anh Đỗ Mạnh Việt - một phụ huynh có con đang theo học tại một trường trung học phổ thông ở Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Theo anh Việt, do lỡ mất đợt đăng ký mua sách của nhà trường, nên anh phải tự mua sách cho con ở bên ngoài. Sau khi tìm hiểu, anh đến một hiệu sách trên phố Lò Đúc - nơi được nhiều người giới thiệu có đầy đủ các đầu sách giáo khoa cần thiết. Tuy nhiên, khi đến nơi, anh chỉ mua được khoảng 80% loại sách theo danh mục mà con anh cần sử dụng.

“Không muốn con bị chậm chương trình học, tôi quyết định tìm mua số sách còn lại trên một trang mạng xã hội với hy vọng nhanh chóng có đầy đủ bộ sách cho con. Vì muốn tiết kiệm thời gian, tôi không quá quan tâm đến giá cả hay nguồn gốc của sách, chỉ cần nhận hàng sớm nhất có thể.

Nhưng khi nhận được sách, tôi không khỏi thất vọng. Toàn bộ sách mua qua trang này đều không có tem chống hàng giả của nhà xuất bản. Khi kiểm tra kỹ hơn, tôi phát hiện nhiều trang sách bị đứt gãy, mực in mờ nhòe, chữ khó đọc, một số trang còn thiếu nội dung. Tôi lo ngại, con mình sẽ gặp khó khăn khi học tập với những cuốn sách kém chất lượng như vậy...

Không yên tâm, ngay hôm sau, tôi quyết định tìm đến một hiệu sách lớn khác tại Hà Nội và may mắn mua được toàn bộ những sách giáo khoa còn thiếu cho con. Dù tốn thêm thời gian và chi phí, nhưng tôi cho rằng, đây là việc cần thiết để đảm bảo con mình có đủ tài liệu học tập tốt nhất... Tôi mong, các trường có thể hỗ trợ phụ huynh nhiều hơn trong việc phân biệt sách thật - giả, để phụ huynh tránh mua phải sách giả trên thị trường” - anh Việt chia sẻ.

Cần sự chung tay từ cơ quan quản lý, nhà trường lẫn phụ huynh học sinh

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Lê Hữu Thành - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Hà Tĩnh) cho biết, để học sinh có tài liệu học tập chất lượng, tránh mua phải sách giả, phụ huynh chỉ nên đăng ký mua sách thông qua nhà trường hoặc mua sách từ các nhà sách uy tín theo danh mục sách giáo khoa đã được nhà trường cung cấp.

 Việc mua sách giáo khoa thông qua nhà trường sẽ giúp học sinh tránh mua phải sách giả. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.

Việc mua sách giáo khoa thông qua nhà trường sẽ giúp học sinh tránh mua phải sách giả. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.

Thầy Lê Hữu Thành cũng cho biết: “Nếu trường hợp sách giáo khoa giả xuất hiện trong trường, nhà trường sẽ tiến hành rà soát và thu hồi lại những loại sách không đạt chuẩn chất lượng. Việc rà soát sẽ tập trung vào việc xác minh nguồn gốc của những cuốn sách này, từ đó, nhà trường sẽ nắm bắt thông tin cụ thể để làm cơ sở báo cáo lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Quá trình này không chỉ nhằm nhắc nhở học sinh về việc sử dụng sách đúng chuẩn, mà còn nhằm ngăn chặn tình trạng phát tán sách giả trong môi trường giáo dục”.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, để ngăn chặn tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu trà trộn vào thị trường sách thật, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng: “Việc tiến hành tổng kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh sách là cần thiết nhằm đảm bảo rằng các đơn vị này hoạt động hợp pháp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế.

Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ rà soát nguồn gốc sách, đảm bảo sách được bày bán là sách chính thống và tuân thủ quy định về xuất bản. Đồng thời, nhà trường và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc đưa ra những phương án cụ thể để xử lý triệt để tình trạng sách giả, góp phần đảm bảo chất lượng tài liệu học tập cho học sinh và giữ gìn môi trường giáo dục lành mạnh”.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, ngoài việc lên kế hoạch xử lý khi sách giả vào trường học, các nhà trường cũng cần tuyên truyền và đưa ra khuyến cáo tới phụ huynh để đăng ký mua sách cho học sinh từ đầu năm học mới.

Bên cạnh đó, nữ hiệu trưởng cũng nhấn mạnh về việc các cơ quan quản lý cần có những chỉ đạo cụ thể tới các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức và xây dựng phương án tuyên truyền phù hợp, giúp phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng sách giáo khoa hợp pháp. Khi có sự hướng dẫn và quản lý chặt chẽ từ các cấp, nhà trường sẽ dễ dàng triển khai các chương trình đăng ký mua sách theo danh mục sách đúng quy định, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.

“Đối với những phụ huynh ở những khu vực vùng khó hoặc mua sách qua nhiều kênh khác nhau, việc kiểm soát nguồn gốc sách sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, cần có thêm những giải pháp cụ thể để hỗ trợ phụ huynh trong việc nhận biết và mua đúng sách giáo khoa từ nguồn chính thống, giảm thiểu tối đa tình trạng sách giả len lỏi vào môi trường giáo dục” - cô Nguyễn Thị Mai Anh bày tỏ.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhan-biet-sgk-gia-in-lau-doi-voi-nhieu-phu-huynh-la-khong-he-de-dang-post248515.gd
Zalo