Nhạc sĩ Giáng Son và giấc mơ mang tên mình

Lần đầu tiên sau 40 năm hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son mới có một concert của riêng mình mang tên 'Giấc mơ Sol' được lấy cảm hứng từ tựa đề ca khúc 'Giấc mơ trưa' mà chị sáng tác cách đây tròn 20 năm, đồng thời cũng là sự 'biến tấu' từ chính cái tên của chị - vốn mang ý nghĩa là nốt Sol trong âm nhạc. Đó chính là giấc mơ của Giáng Son, một giấc mơ về âm nhạc, được khám phá, được thử nghiệm, được sống trọn vẹn với tình yêu của mình, với cuộc đời, với âm nhạc...

1. “Giấc mơ Sol” cũng là một giấc mơ về một live concert mang tên mình mà Giáng Son đã ấp ủ từ lâu. “Đó là một live concert đúng nghĩa về âm nhạc của mình, được giới thiệu đến mọi người những đứa con tinh thần mình ấp ủ, tâm huyết, trăn trở và đam mê. Một đêm nhạc ngoài trời trong không gian rộng lớn khoảng 2.000 người - thực sự đó là một giấc mơ mà tôi mong muốn và trăn trở rất nhiều năm rồi”, Giáng Son chia sẻ.

Nhạc sĩ Giáng Son.

Nhạc sĩ Giáng Son.

Giấc mơ ấy có lẽ đã được nhen nhóm từ khi Giáng Son mới là một cô bé 10 tuổi, sáng tác ca khúc đầu tiên tặng người cha của mình Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều. Đến năm 2010, khi được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện liveshow “Con đường âm nhạc” tái hiện chân dung Giáng Son bằng âm nhạc, giấc mơ ấy lại càng được tiếp thêm lửa.

Nhưng, ngọn lửa đó chỉ âm thầm cháy suốt bao nhiêu năm qua, bởi việc thực hiện một live concert là việc không hề dễ dàng, trong đó không thể không nhắc đến yếu tố kinh phí. Mà với một nhạc sĩ sống lặng lẽ và lựa chọn con đường riêng biệt như Giáng Son thì đó cũng là giấc mơ xa vời. Nhưng, lần này, sau hơn 40 năm làm nghệ thuật, Giáng Son đã chạm tới giấc mơ của mình.

Trong “Giấc mơ Sol”, hành trình âm nhạc 40 năm của Giáng Son sẽ được tái hiện qua những sáng tác của chị. Ở đó có những tác phẩm mà chị viết từ thuở mới đôi mươi, lúc bắt đầu chập chững bước vào con đường sáng tác, khi mà - theo như Giáng Son tự nhận, “mình có thể vẫn còn ảnh hưởng của các nhạc sĩ đàn anh ở đâu đó, nhưng mà với một tâm hồn rất trong sáng, rất ngây thơ với âm nhạc” với những giai điệu mộc mạc, hồn nhiên. Khi mà, chị từng tin rằng, tình yêu là vĩnh cửu...

Là những ca khúc ra đời khi Giáng Son trưởng thành, bắt đầu kết hợp với âm nhạc dân tộc như “Giấc mơ trưa”, “Hà Nội 12 mùa hoa” hay bắt đầu khám phá và thể nghiệm qua những ca khúc viết theo phong cách Blues Jazz như “Cỏ và mưa”, “Thu cạn”... Rồi, không gian ấy được rộng mở hơn khi chị ra mắt album “Bóng tối jazz” với nhiều ca khúc hit đến tận bây giờ như “Thu cạn”, “Nắng muộn”, “Vệt buồn”...

Ngoài ra, không gian ấy không thể thiếu được mảng ca khúc thính phòng, pop classic, với dòng nhạc này, chị được trở về đúng chất cổ điển của mình trong suốt bao nhiêu năm học piano ở Nhạc viện. Có thể những ca khúc này chưa nổi tiếng bằng nhưng đó là một thế mạnh trong sáng tác và cũng là giấc mơ lớn nhất của người nghệ sĩ.

2. Nhạc sĩ Giáng Son là con gái út của Nhà giáo nhân dân - nhạc sĩ Hoàng Kiều và nghệ sĩ chèo Bích Ngọc, chị được tiếp xúc với âm nhạc từ lúc 6 tuổi. Giáng Son lớn lên giữa cái nôi của âm nhạc truyền thống khi xung quanh là những nghệ sĩ tuồng, chèo, cải lương... Những “Thị Mầu”, “Xúy Vân giả dại” chị nghe và thuộc từ những ngày còn nhỏ ấy.

Rồi đi loanh quanh, thử sức với nhiều thứ cho đến khi gặp thầy Đàm Linh của Khoa Sáng tác Nhạc viện, Giáng Son nhận ra, âm nhạc dân tộc đã thực sự ngấm trong mình. Cái chất dân gian bay bổng trong “Giấc mơ trưa” ấy là của mình và trong những khoảnh khắc thăng hoa, chị cất lên thành giai điệu.

Năm 1998, Giáng Son cùng ca sĩ Lan Hương thành lập ban nhạc Exotica và giành giải “Tác giả trẻ xuất sắc nhất” tại Liên hoan Ban nhạc sinh viên toàn quốc năm 1999. Cuối năm 1999, Giáng Son và Lan Hương thành lập nhóm nhạc Du Ca bao gồm 5 thành viên, sau đó đổi tên thành 5 Dòng Kẻ. Năm 2003, nhóm 5 Dòng Kẻ phát hành album “Em” với hầu hết là sáng tác của Giáng Son.

Năm 2005, Giáng Son ra mắt ấn phẩm “Cỏ và mưa - 30 tình khúc Giáng Son”, chị rời nhóm 5 Dòng Kẻ để tiếp tục công việc sáng tác, giảng dạy và học tập. Đó cũng là thời điểm chị hoang mang trước những lựa chọn, mình sẽ đi tiếp con đường sáng tác hay không. Và, “Giấc mơ trưa” ra đời, được công chúng đón nhận, trở thành một bản hit đến tận bây giờ, tạo dấu mốc cho hành trình sáng tạo của Giáng Son.

Tôi hỏi chị có cảm thấy lạc thời trong thế giới của âm nhạc điện tử, của những bản hit triệu view, của công nghệ lăng-xê... Giáng Son cười, chị chọn một khu vườn yên tĩnh cho hành trình của mình. Khu vườn ấy, có lúc bình yên, có khi dông bão, nhưng nó là khu vườn do chị vun trồng, những hàng cây, những bông hoa nở từ chính sự hoài thai của chị. Đứng ngoài mọi xu hướng nhưng ca khúc của Giáng Son lại được nhiều giọng ca nổi tiếng hát như Tùng Dương, Hà Trần, Hà Linh, Thùy Chi...

Tâm thế ấy, chị học được từ người bố của mình là Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều. Sự bền bỉ, tình yêu nghệ thuật và say mê lao động cho đến hơi thở cuối cùng của ông trở thành một nguồn sống để Giáng Son tiếp nối trên hành trình của chị.

Giáng Son chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình thuộc về showbiz nhưng cũng không hẳn thế. Tức là khi ra sản phẩm, làm show, tôi mới tổ chức họp báo. Còn lại, tôi sống một cuộc sống bình thường và lặng lẽ. Không phải cứ gì hot là phải chạy theo. Nếu vậy thì mệt quá. Nghệ sĩ vẫn nên hiểu bản thân mình muốn gì, làm gì, thì bao nhiêu biến động thị trường âm nhạc cũng không khiến mình "xi nhê" gì được”.

Nhạc sĩ Giáng Son rất yêu những vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội.

Nhạc sĩ Giáng Son rất yêu những vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội.

2 năm nay, Giáng Son về công tác ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Giáng Son đi con đường riêng biệt nhưng chị lại khá cởi mở với các bạn trẻ. Chị đánh giá cao tài năng của họ và đón nhận họ với tâm thế rộng mở, để đời sống âm nhạc Việt Nam đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, theo chị, nghệ sĩ muốn đi đường dài cần một nền tảng văn hóa vững chãi bởi con đường nghệ thuật rất khắc nghiệt.

Chị nói, thế giới của chị là những mảng màu đối lập, của trong sáng, dịu dàng và của những gai góc, xù xì. Và, âm nhạc của chị cũng vậy, vừa nhẹ nhàng, bay bổng, vừa dữ dội, sâu thẳm. Nhưng, dù có những “Vết xước”, những nỗi buồn, thì âm nhạc của Giáng Son vẫn rất đẹp. Cái đẹp đến từ ánh sáng, từ niềm tin yêu cuộc đời, từ trái tim thánh thiện của chị.

Với Giáng Son, đó là hành trình của những nỗ lực sáng tạo và quyết liệt đi con đường của mình, không bị những hào quang của danh lợi và tiền bạc che phủ. Nói như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, âm nhạc bây giờ, trong thời buổi của những gameshow, của những ồn ào đánh bóng cần những khoảng lặng và những giá trị cốt lõi của âm nhạc. Giáng Son đã chạm vào giấc mơ ấy khi chị độc hành con đường của mình, độc hành mà không cô đơn vì những bài hát của chị được khán giả đón nhận bền bỉ nhiều năm qua.

Tên tuổi của Giáng Son tạo sự bứt phá với vai trò nhạc sĩ khi ca khúc “Giấc mơ trưa” được bầu chọn là “Bài hát của tháng” và cá nhân chị giành được giải Nhạc sĩ ấn tượng tại “Bài hát Việt 2005”. Năm 2007, Giáng Son phát hành album phòng thu đầu tay “Giáng Son”, lọt vào đề cử giải Cống hiến. Năm 2010, Giáng Son là nữ nhạc sĩ duy nhất được vinh danh tại chương trình “Con đường âm nhạc” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

Năm 2015, Giáng Son tạo bước đột phá trong sự nghiệp khi cộng tác cùng ca sĩ Hà Trần, Tùng Dương phát hành album “Bóng tối jazz” - đĩa nhạc giúp chị giành giải Album của năm tại giải Cống hiến. Năm 2023, chị ra mắt album thứ ba “Sing My Sol” với những ca khúc do chị sáng tác và thể hiện. Hiện, Giáng Son là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội, thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên của Hội Các nhà soạn nhạc thế giới thế kỷ 21 (Composers 21) và công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Linh Nguyễn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhac-si-giang-son-va-giac-mo-mang-ten-minh-i759077/
Zalo