Nhà văn Việt Nam có sợ AI?
Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống, văn chương không ngoại lệ. AI có thể làm thơ, có thể viết truyện ngắn, tiểu thuyết… Liệu nó có chiếm thị phần độc giả của các nhà văn Việt Nam, trong khi văn hóa đọc ở ta vốn đã báo động?
Chẳng những thế, AI còn giúp việc viết văn trở nên dễ dàng hơn, nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có thể bùng nổ về số lượng trong tương lai gần… Sáng tạo văn chương thay đổi về bản chất và bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt.
Ngõ ngách tâm hồn rất khó lập trình?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang cho rằng, vấn đề hiện nay không phải là ngại hay không ngại sự xuất hiện của AI, mà buộc phải chấp nhận nó như một thực tế, không ai có thể ngăn cản được. Đây cũng là quan điểm của nhà văn Đào Bá Đoàn, Tổng biên tập, Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn. Anh nói: “Chúng ta không ghi nhận cũng không được, chống lại cũng không được, chỉ có cách tiếp tục sống chung với nó. Trí tuệ nhân tạo được tiếp nhận mạnh mẽ ở ta. Bởi người Việt rất giỏi trong sử dụng thành tựu công nghệ, thành tựu khoa học. Các lớp dạy AI đang mọc lên như nấm”.
Theo nhà văn Đào Bá Đoàn, AI đang thay đổi bản chất sáng tạo văn chương. Anh phân tích: “Ngày xưa, nhà văn và những nghệ sĩ của những ngành nghề khác có niềm an ủi rằng họ là những người được trời đất tạo ra mang năng lượng đặc biệt. Bây giờ không hão được như thế nữa. Ngày xưa, sáng tạo văn chương dựa hoàn toàn vào nhà văn, từ câu chuyện, ý tưởng, tư tưởng đến từng từ, từng câu, tuyệt đối thuộc về cá nhân anh ta.
Với AI, sáng tạo ấy không còn thuộc về cá nhân anh ta nữa, không còn là sáng tạo đơn nhất của nghệ sĩ, mà nó đã có cuộc hợp tác với AI. Có người sử dụng AI vụng về thì chỉ dùng để sửa câu chữ. Có người sử dụng AI khá hơn thì nhờ trí tuệ nhân tạo dựng cốt truyện, hoặc đưa ra những gợi ý rồi bồi đắp thành tác phẩm trọn vẹn.
Hiện nay, nhiều người viết trẻ đã vận dụng phương pháp này”. Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn cho rằng, ngay cả độc giả cũng bị phân hóa. Độc giả mê truyện ngôn tình có thể nhờ AI viết và đọc luôn tác phẩm ấy trên máy. Dần dần tác phẩm văn học do AI tạo dựng cũng có lượng fan riêng.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
Nhà văn Việt Nam có cách nhìn nhận khác nhau về chất lượng của thơ, văn do AI viết. Nhà thơ 8X Nguyễn Phong Việt từng nhờ AI làm thơ và nhận thấy nó có thể thay thế những người viết không có gì đặc biệt. Nhà thơ Đào Bá Đoàn xác nhận, trên thế giới đã có truyện ngắn do AI sáng tạo được đánh giá hoàn hảo như tác phẩm của một nhà văn chuyên nghiệp tài danh.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang nói: “Theo những gì tôi biết, ở vương quốc Anh, trong một cuộc thăm dò xã hội, một số bài thơ do AI viết đã được nhiều người thích hơn các bài thơ do các nhà thơ viết ra. Những người tham gia cuộc thăm dò xã hội này đã bày tỏ cảm xúc của mình trước một tập hợp các bài thơ không ghi tên tác giả.
Cá nhân tôi cũng nhận thấy trí tuệ nhân tạo có thể viết ra những bài thơ khá hơn không ít những tác giả thơ bình thường, hay những nhà thơ viết theo phong cách đánh đố độc giả hoặc văn xuôi bẻ cái xuống dòng. Tôi đồ rằng, ngay ở thời điểm hiện tại có thể đã có những tác giả chuyên nghiệp sử dụng những văn bản do trí tuệ nhân tạo viết ra để làm tư liệu tham khảo”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Dương Hướng không hề lo lắng trước sự xâm nhập của AI. “Tôi từng nhờ AI sáng tác cả bài hát nhưng tôi không thích. Tôi cũng không lo tiểu thuyết, truyện ngắn do AI tạo ra sẽ cạnh tranh với tác phẩm của các nhà văn. Vì độc giả tinh ý sẽ nhận ra hàng thật hay hàng nhân tạo.
Tác phẩm không phải do nhà văn viết ra tự dưng đã khiến độc giả thấy nhạt. Độc giả sẽ ngày càng tinh trong thưởng thức. AI có thể vượt nhà văn ở tốc độ sáng tác nhưng chất lượng thì chưa chắc. Sản phẩm văn chương của nhà văn sẽ khác sản phẩm của máy móc. Dù có hay đến đâu cũng là không thật”.

Nhà văn Dương Hướng
Tác giả Bến không chồng ví von: “Giống như so nhan sắc trời ban và nhan sắc can thiệp dao kéo. Phát hiện nhan sắc nhờ đến can thiệp thẩm mỹ tự dưng ta thấy nhạt, tình cảm của ta với vẻ đẹp ấy tự dưng giảm. Nhan sắc tự nhiên mang đến cho ta cảm xúc. Dù người sở hữu nhan sắc tự nhiên chưa chắc hoàn hảo như người sở hữu nhan sắc dao kéo song lại có hồn cốt, không như búp bê vô hồn. Độc giả tinh sẽ chọn hàng thật”.
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một nhà văn có nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao: Lạc giữa cõi người, Chuyện làng, Mùa rươi…. Tác giả Mùa rươi chia sẻ trải nghiệm AI: “Tôi không hiểu nhiều về AI nhưng tôi đang dùng nó. Tôi thử đặt cho nó vài chục câu hỏi về những vấn đề văn chương, lịch sử, thử nhờ nó làm thơ, câu đối…
Những vấn đề phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội thì AI trả lời nhanh, đạt được kiến thức cơ bản. Nhưng những vấn đề mà nó không có thông tin thì trả lời không ổn. Tôi bảo AI làm thơ, đưa cho nó những dữ liệu cụ thể, có bài nó làm tạm được, có bài không được. Tôi đưa nó làm câu đối, nó đề nghị tôi cho nó biết rõ hơn về niêm luật, thể thức. Tôi cảm ơn vì biết nó khó làm nổi”.

Nhà văn Phạm Quang Long
Ông đồng quan điểm với nhà văn Dương Hướng khi nhìn nhận về tác động của AI tới văn chương. “Từ góc nhìn của tôi, tôi thấy AI làm được một số việc, chẳng hạn, có thể làm kế toán tốt hơn con người, có thể dạy ngoại ngữ khá hơn một số thầy dạy ngoại ngữ ở mức bình thường.
Có thể tôi sai nhưng tôi nghĩ AI không thể thay thế được nhà văn. Vì văn chương là lĩnh vực hết sức tinh tế, phức tạp. AI tinh tế đến mấy thì cũng khó đạt được sự hoàn thiện. Những ngõ ngách của tâm hồn con người khó lập trình lắm”, ông nói.
“Đạo” AI và bị AI “đạo”
Theo nhà thơ Hồng Thanh Quang, trong tương lai sẽ phải có những quy định pháp lý để chống lại hiện tượng đạo văn AI. Nhưng nhà thơ Nguyễn Phong Việt lại cho rằng, nhà văn, nhà thơ có thể sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ. “AI giúp một số công đoạn của nhà văn đỡ mất thời gian.
Thí dụ, người viết nhờ AI tạo sườn một câu chuyện, rồi viết dựa trên sườn ấy. Một người viết tự tin, tự tôn và tự trọng có thể ghi đây là tác phẩm có sự cộng hưởng của AI”.

Nhà văn Đào Bá Đoàn
Nhà văn Đào Bá Đoàn phân tích, lực lượng viết văn sẽ phân hóa. Vẫn tồn tại những người viết văn kiểu cũ không dùng trí tuệ nhân tạo để sáng tạo. Nhưng những người viết trẻ không làm theo kiểu cũ cũng chẳng làm gì được họ. Có khi họ còn viết được nhiều hơn và hay hơn. Họ không hoàn toàn sử dụng AI để tạo nên một tác phẩm văn chương nhưng hợp tác với nó. Đó là sự tất yếu khi trí tuệ nhân tạo ra đời và phát triển.
Nhà văn Việt Nam có lo bị AI “đạo”? Tác giả Bến không chồng lạc quan, cho rằng chuyện ấy vẫn còn xa vời ở ta. “Tôi cũng không ngại bởi hàng thật giá thật”, Dương Hướng nói. Nhà văn Đào Bá Đoàn phân tích: “Ngay khi ChatGPT ra đời thì người ta đã nghĩ đến việc AI đạo văn của nhà văn, cũng đã nghiên cứu chế tài để tránh bị trí tuệ nhân tạo lạm dụng, trở thành mối nguy hiểm với con người. Nhưng thế nào là AI đạo văn? Rất khó bắt bẻ”, ông nói.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng cảm thấy khó bắt lỗi AI “đạo” văn. Bởi nhìn nhận đến cùng, khi con người sáng tạo ra các tác phẩm cũng sử dụng thông tin, tri thức từ tự nhiên, từ cuộc sống, từ học vấn… Ông nói: “Tôi nghĩ theo đà phát triển tự nhiên, AI sẽ ngày càng diệu nghệ hơn trong việc xóa dấu vết các văn bản gốc mà nó sử dụng để tạo ra các tác phẩm.
Và AI cũng biện minh rằng, các tác phẩm do con người tạo ra cũng chỉ là một dạng tài liệu gốc tương tự như thế… Chắc chắn sẽ rất phức tạp và khó khăn để có thể xây dựng được một cơ chế thực tế và hiệu quả đối phó với việc AI đạo văn của con người”.
Bám trụ nghề viết thời AI
Không ít người lo ngại AI tạo ra cảnh thất nghiệp trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn chương. Nhà văn Đào Bá Đoàn nhìn nhận: “Người ta cũng từng lo ngại cách mạng công nghiệp xuất hiện, thất nghiệp bùng nổ. Nhưng thời gian chứng minh, mọi thứ sẽ dần ổn, con người vẫn tìm cách thích ứng.
Người quen chạy xe ngựa thì tìm cách học lái xe hơi, phân xưởng thủ công chuyển sang vận hành bằng máy móc. Thời trí tuệ nhân tạo cũng vậy. Chẳng qua chúng ta sốc vì còn chưa thích ứng”.
Nguyễn Phong Việt lại thấy chính AI khiến các nhà văn thêm nỗ lực trên hành trình sáng tạo tác phẩm. “Có những người viết ngủ quên trên chiến thắng thì AI sẽ thay thế. Bởi AI càng lúc càng giỏi, nếu người viết dừng lại thì bị thay thế là tất yếu”, tác giả Đi qua thương nhớ nói. Anh xem AI như một con người, một tác giả và nỗ lực từng ngày để AI không chiến thắng, thay thế mình.
“Nếu nó thay thế tôi thì chỉ có một lý do duy nhất: Tôi đã dở, không còn giá trị. Khi tác phẩm của tôi không còn được tìm đọc, những bài thơ không còn sự đồng cảm thì những tác giả khác, trong đó có AI vượt lên, cũng là bình thường”, Nguyễn Phong Việt nói.