NSƯT Cao Minh tuổi 64 làm chủ 2 khu du lịch, ghét danh xưng 'ca sĩ đại gia'

Tuổi 64, NSƯT Cao Minh sở hữu tài sản đáng nể như: 5 hòn đảo, 2 khu du lịch sinh thái, có nhà hát riêng… Ông ghét bị gọi là 'ca sĩ đại gia' hay 'NSƯT giàu nhất Việt Nam'.

Mua đảo, xây 2 khu du lịch, nhà hát vì "buồn" nghề hát

- "Địa đạo" ra rạp, đón nhận nhiều ý kiến. Ở vị trí diễn viên, ông có nhìn nhận gì?

Với tôi, mọi thứ ở phim Địa đạo đều thật, từ kịch bản, bối cảnh đến diễn xuất của dàn diễn viên. Tôi muốn dành lời khen cho đạo diễn và biên kịch. Họ còn trẻ nhưng đúc kết nhiều cái hay, đúng thực tế trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Hàng trăm con người, từ đạo diễn, diễn viên đến ê-kíp hậu cần đều lăn xả một cách vô tư, không nghĩ ngợi. Tôi nhớ mãi hình ảnh Thái Hòa quay phim gặp sự cố khiến móng chân rớt ra. Bạn say nghề đến độ móng chân tự lành lúc nào không hay.

Nhiều người xem phim xong đặt câu hỏi vì sao chỉ có sự hy sinh, không có nhiều tình tiết kịch tính hào hùng… Với tôi, sự lạc quan hay chiến thắng là chúng ta đang ngồi đây giây phút này, trân trọng và tận hưởng hòa bình.

Có thể đạo diễn muốn phim không theo hướng bi lụy, lấy nước mắt. Mỗi người xem sẽ tự cảm nhận, có chính kiến của riêng mình.

NSƯT Cao Minh (giữa) cùng các diễn viên trong "Địa đạo".

NSƯT Cao Minh (giữa) cùng các diễn viên trong "Địa đạo".

- Khán giả ấn tượng với phân cảnh chú Sáu có màn đối đáp với quân thù hay lựa chọn kết thúc số phận nhân vật, còn ông tâm đắc điều gì với vai diễn?

Nhân vật chú Sáu có sự gan dạ, điềm tĩnh và cả chút ngông trong đó. Tâm lý của nhân vật nặng, khiến tôi sợ không làm được.

Phân đoạn cuối của nhân vật đắt giá song khiến tôi lo lắng. Ngoài hiện trường, tôi như đánh vật với cái nắng khắc nghiệt tháng 4, vừa ngộp vì quay ở hầm kín. Chỉ 1 bước lỡ nhịp của xe cẩu, có thể người tôi bị kéo lên cùng đất đá.

Có lúc tôi muốn bỏ cuộc, sau đó lại nghĩ tới ông cha. Tôi tự đặt câu hỏi tại sao họ sống dưới lòng đất chiến đấu suốt nhiều tháng còn chịu được, còn mình chỉ vài giờ ngắn ngủi thì không?

Chú Sáu trên phim không rớt giọt nước mắt nào nhưng tôi đã khóc trong lòng vì cảm thương nhân vật, cho chính người chiến sĩ cách mạng ngày ấy.

- Ngoài phim ảnh, ca hát có ý nghĩa với ông thế nào giai đoạn này?

Tôi còn biểu diễn thường xuyên và tự xây nhà hát để thỏa mãn đam mê âm nhạc.

Tôi xem nhà hát là khoảng trời riêng để đón người yêu thương đến với mình. Mỗi tuần tôi đều đặn diễn 2-3 suất, cảm giác được thăng hoa, kết nối với người nghe rất sướng.

Âm thanh trong nhà hát mộc mạc, chỉ có đàn piano và một số nhạc cụ truyền thống. Tôi không dùng nhạc điện tử vì cảm thấy như thế khiến âm nhạc mất linh hồn, người nghe không được tận hưởng trọn vẹn.

- Vì sao đang là ca sĩ nổi tiếng, ông lại bỏ đi làm khu du lịch, mua đảo, mở nhà hát, lựa chọn cuộc sống nông dân?

- Vì sao đang là ca sĩ nổi tiếng, ông lại bỏ đi làm khu du lịch, mua đảo, mở nhà hát, lựa chọn cuộc sống nông dân?

Đơn giản vì tôi buồn nghề hát. Tôi đến âm nhạc bởi sự đam mê, vô tư nhưng có giai đoạn bị mất lửa từ một số người, việc xung quanh.

Thời mới mở cửa, lứa ca sĩ chúng tôi được đào tạo bài bản, bắt buộc phải tốt nghiệp mới được đứng trên sân khấu. Vậy mà nhiều gương mặt xuất hiện, không biết nốt nhạc nào vẫn tự xưng là siêu sao.

Tôi chọn rời nghệ thuật, rẽ sang con đường khác. Tôi hiện có 5 hòn đảo ở Hồ Trị An (Đồng Nai), 2 khu du lịch sinh thái, nhà hát và chợ đồ cổ... là tài sản tích góp nhiều năm.

Ghét danh xưng "Ca sĩ đại gia"

- Danh xưng “Ca sĩ đại gia”, hay “NSƯT giàu nhất Việt Nam” gắn liền với Cao Minh phải chăng vì khối tài sản ông đang sở hữu?

Nhiều người hay bảo Cao Minh là đại gia, tôi nghe rợn lắm vì không thích từ đó. Tôi không giàu có về của cải vật chất, có chăng chỉ giàu về tâm hồn thôi.

Tất cả tài sản tôi có được đều từ tiền cá nhân, không vay mượn ai. Tôi không phải doanh nghiệp, không dám lập công ty vì như thế phải mượn nợ.

Tương tự trong âm nhạc, tôi làm nghề không lo nghĩ. Ca hát với tôi là “đạo”, để người ca sĩ gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước. Đó là lý do tôi thường xuyên biểu diễn không lấy cát-sê, từ sân khấu lớn trong các dịp lễ kỷ niệm đến các buổi giao lưu nhỏ tại vùng sâu vùng xa.

NSƯT Cao Minh phong độ, sống giản dị dù sở hữu cơ ngơi "khủng".

NSƯT Cao Minh phong độ, sống giản dị dù sở hữu cơ ngơi "khủng".

- Khi vật chất đủ đầy, ông tìm kiếm điều gì lúc này?

Vật chất với tôi không bao giờ đủ. Tôi tham lắm, muốn làm ra sản phẩm để phục vụ mọi người. Tôi không dùng tiền hay tài sản tiêu khiển cho bản thân mà muốn hướng đến cộng đồng, làm được điều ý nghĩa.

Tôi như 1 con chim tha mồi, ngày qua ngày đầy tổ. Tài sản tôi không quý để sống chết vì nó, bởi hiểu rõ tất cả đều không qua khỏi 1 kiếp người. Khi chúng ta mất đi, mọi thứ hóa hư vô.

- Ông tận hưởng cuộc sống thế nào?

Người ta chỉ hạnh phúc lúc còn thiếu thốn. Khi đủ đầy, dư dả quá, họ nghĩ ngay đến việc hưởng thụ thú vui mà nếu không khéo rất dễ bị tác động xấu.

Tôi tìm niềm vui trong công việc, những điều giản dị trong cuộc sống hàng ngày. Với tôi lao động là vinh quang, trong cái vất vả lại cảm nhận được sự sảng khoái tinh thần.

Ở tuổi này, tôi vẫn làm việc từ sáng đến trời tối. Tôi muốn vận động, không ù lì ngồi một chỗ. Đó cũng là một sự tận hưởng cuộc sống theo cách riêng.

NSƯT Cao Minh chọn lao động, thay vì thụ hưởng, nghỉ ngơi ở tuổi hưu.

NSƯT Cao Minh chọn lao động, thay vì thụ hưởng, nghỉ ngơi ở tuổi hưu.

- Tuổi hưu nhiều người chọn lắng lại, còn ông làm nhiều thế?

Ai tuổi này đều muốn đi chậm, chọn sự thảnh thơi, riêng tôi thấy mình vẫn trẻ. Đang giai đoạn sung sức, bắt ngưng lại tôi không chịu đâu. (cười)

Từ lớp 6 tôi đã biết chăn trâu, cày ruộng nên giờ tôi vẫn sẽ “cày” đến lúc không làm được nữa mới thôi. Một ngày tôi già đi, hơi thở cuối cùng chắc chắn là 1 câu hát như số phận của một “người nông dân đi hát”.

NSƯT Cao Minh vai chú Sáu trong phim "Địa đạo":

NSƯT Cao Minh sinh năm 1961 ở Long An. Năm 1978, ông đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình tỉnh Tây Ninh. Năm 1979, ông xin vào phụ việc ở đoàn văn công tỉnh, sau đó vào học ở khoa Thanh nhạc (Nhạc viện TPHCM). NSƯT Cao Minh đoạt giải nhất Concour quốc gia lần thứ nhất, đoạt Giải "Người hát hay nhất về đề tài Bác Hồ", đồng thời đoạt luôn Giải "Người hát dân ca hay nhất" năm 1988 khi đang là sinh viên Nhạc viện TPHCM.

Ảnh, clip: NVCC

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dien-vien-cao-minh-tuoi-64-lam-chu-2-khu-du-lich-ghet-danh-xung-ca-si-dai-gia-2388301.html
Zalo