Nhà văn triệu bản Anh Khang bước qua nước mắt để trưởng thành
Được giới trẻ hâm mộ và luôn chào đón nồng nhiệt mỗi khi giao lưu và ký tặng sách, nhà văn Anh Khang đã góp phần cổ vũ văn hóa đọc tới thế hệ Gen Z với các tác phẩm đậm chất tự sự thanh xuân.
Cuốn sách mới nhất của Anh Khang, "Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành" vừa được chào sân văn học trong nước, đánh dấu cột mốc tròn 10 tác phẩm của nhà văn. Anh Khang được truyền thông ưu ái gọi là cây bút "triệu bản" vì các tác phẩm đều được giới trẻ đón chờ và ủng hộ nồng nhiệt.
Anh Khang đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam trước khi qua Mỹ nghỉ lễ cuối năm, đoàn tụ gia đình.
PV: Chào Anh Khang, "Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành" đậm chất thơ ngay từ tựa đề. Nhưng vẫn là rất Anh Khang, một trạng thái xuyên suốt các tác phẩm đã được trình làng ...
Nhà văn Anh Khang: "Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành" không chỉ là một tựa sách, mà còn là lời tự nhắc nhở thường xuyên của chính tôi mỗi lần thấy mình yếu lòng như trẻ nhỏ, chỉ muốn… nhõng nhẽo, khóc nhè và bỏ cuộc. Khi đó, tôi tự nhủ, thôi, muốn gì thì khóc một trận đã đời rồi ngày mai lại tiếp tục cố gắng. Dù gì thì mỗi người chúng ta cũng đều là một "đứa trẻ tập lớn" đang đi một ngày đàng học một sàng khôn, nên cứ từng bước học cách trưởng thành.
Vì làm gì có một ngưỡng tuổi tâm hồn nào cho sự trưởng thành, dù là 18 tuổi hay 81 tuổi, bạn còn thấy mình hăm hở đón nhận nhiều điều mới mẻ, hào hứng học thêm nhiều điều hay ho, là khi đó, bạn vẫn còn trẻ. Chỉ cần nhớ, đừng bao giờ để những nỗi buồn của ngày hôm qua cản đường mình gặp niềm vui ngày mai được.
Đặc biệt là sau giai đoạn COVID-19 với những thay đổi về nhân sinh quan của rất nhiều người. Bản thân tôi cũng tạm dừng 4 năm rồi mới lại phát hành một cuốn sách mới (so với việc mỗi năm đều đặn ra mắt một cuốn sách xuyên suốt giai đoạn 2012 - 2020).
Tôi tin cuốn sách này, tựa đề này, câu chuyện này, cần được kể vào thời điểm này. Vì đôi khi, những giọt nước mắt không chỉ là biểu hiện của nỗi buồn, mà còn là chỉ dấu cho chúng ta về cách hành xử chín chắn hơn, đúng đắn hơn sau những vấp ngã.
Bìa sách được họa sĩ Tamypu và "t.hờ" (t.hờ là nghệ danh của họa sỹ Thái Hiển) thực hiện dựa trên gửi gắm của tôi là "dù đường đời buồn vui khó đoán, mong bạn sẽ luôn nhận được những vòng tay ôm, dịu dàng trấn an". Tôi mong bìa sách không chỉ là một lớp áo, mà là chiếc cầu nối đầu tiên đưa độc giả bước vào thế giới của những người vừa "bước qua nước mắt" để từng bước trưởng thành. Tôi chọn màu tím làm tông màu chủ đạo cho toàn bộ cuốn sách, vì như câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Đoàn Phú Tứ trong bài thơ Màu Thời Gian: "Duyên trăm năm dứt đoạn. Tình một thuở còn hương. Hương thời gian thanh thanh. Màu thời gian tím ngát". Vì màu thời gian tím ngát, bàng bạc, len lỏi và lan tỏa như thế, nên dần dà, chúng ta rồi cũng sẽ trưởng thành, và mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi.
PV:Khang đã bước qua tuổi teen nhưng vẫn duy trì được cảm xúc trong trẻo để viết cho lứa tuổi mới lần đầu chạm ngõ yêu thương bằng cách nào, đặc biệt là khi tới tận 10 cuốn rồi vẫn một tâm hồn "trẻ dại trên trang sách" như thế?
Nhà văn Anh Khang: Tôi luôn tin rằng tuổi trẻ là suối nguồn cảm hứng bất tận, không chỉ của nghệ thuật, mà còn là tiêu ngữ (motto) của đời sống thường nhật. Bởi lẽ, cả trong tâm lý học còn chứng minh được rằng mỗi người đều có một "đứa trẻ bên trong" không bao giờ già đi. Tôi viết cho các bạn trẻ không phải từ cái nhìn của một người đã trưởng thành, mà từ cảm giác đồng hành để san sẻ và lắng nghe - như Doraemon luôn bên cạnh Nobita dẫu cậu bạn của mình có hậu đậu, vụng về như thế nào. Mỗi khi bắt đầu viết, tôi đều tự hỏi: "Nếu mình 18 tuổi, mình sẽ thấy gì, nghĩ gì, buồn gì, vui gì?" Chính sự đồng điệu ấy giúp tôi giữ được cảm xúc trong trẻo và tâm hồn thiếu niên qua từng trang viết.
Hơn nữa, viết đến cuốn thứ 10, nghĩa là tôi đã già đi hơn 10 tuổi so với lần đầu tiên chạm ngõ văn chương, nhưng tôi chưa bao giờ ngừng… yêu cả. Trong sâu thẳm bên trong, tôi vẫn là một "cậu bé 14 tuổi" lúc mới bắt đầu viết bài thơ tình đầu tiên, hoặc là chàng trai 19 tuổi lần đầu biết đến cảm giác "người dưng khác họ đem lòng nhớ thương". Tôi vẫn luôn trong trạng thái thích thú, mê mẩn và khao khát yêu lẫn được yêu. Mà một trái tim luôn rộng lượng bao dung với tình yêu, theo tôi, là một trái tim chưa bao giờ thôi hết son trẻ.
PV: Anh Khang đã tìm cảm hứng và chọn tựa sách thế nào với phong cách viết luôn lãng mạn ấy. Có thấy bị "quá yêu" hay không?
Nhà văn Anh Khang: Tựa sách, đối với tôi, luôn phải là một tứ thơ chạm được trái tim trước khi chạm tới mắt nhìn, vì tựa đề không chỉ là tên gọi, mà chính là lời mời để độc giả bước vào thế giới nội tâm của mình. Tôi thường bắt đầu từ một câu cảm thán bất chợt trong đầu, rồi nghĩ cách làm sao để nó gói gọn tinh thần của cuốn sách.
Cảm hứng, thật ra, đến từ những điều rất đời thường: Một mẩu chuyện tán gẫu với bạn bè, một khoảnh khắc ngắm hoàng hôn từ cửa sổ phòng, hay đôi khi là những giờ phút tản bộ cuối tuần giữa phố phường đông đúc… Cảm hứng chính của "Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành" là một "cuốn sách làm lành", thay vì "chữa lành" như cách gọi thông thường mà chúng ta đang thấy tràn lan trong đời sống đương đại. Tôi nghĩ, trước khi cần đến "chạy chữa, cứu chữa" với "chữa lành" thì mình đi "làm lành" với những bất an, bất ổn trong chính lòng mình trước, kiểu như "phòng bệnh hơn chữa bệnh" mà, đúng không?
Vì lẽ đó, gần 300 trang sách được bố cục thành hai phần theo nội dung tịnh tiến, gồm Độc thoại với những dòng tự sự trấn an "đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành" và Đối thoại là những lời tâm can dành cho thế hệ Gen Z và Gen Z(à) để trấn an lẫn nhau, vì dù trẻ hay già thì chúng ta đều đang trên hành trình trưởng thành của riêng mình với "vận tốc lớn khôn" khác nhau. Từ "Độc thoại" chuyển sang "Đối thoại" như một quy luật tất yếu của cuộc đời, rằng chúng ta luôn cần một (hoặc nhiều) ai đó lắng nghe, san sẻ, để hiểu ra rằng không một ai buồn mãi hay cô độc trên đời.
PV: Anh Khang có gia đình lớn tại nước ngoài, nhưng lại thường xuyên sống ở TPHCM, gắn bó với Sài thành. Gắn bó sâu đậm như thế, hẳn có ai đó ở Việt Nam chờ chăng?
Nhà văn Anh Khang: Trong cuốn "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và Em" xuất bản năm 2015, tôi từng gửi gắm rất nhiều tâm tư tình cảm dành cho thành phố này và "người ấy" của mình. Sau gần 10 năm, tình yêu ấy chỉ tăng dần đều chứ chưa hề giảm sút, dù "người ấy" và tôi đã xa nhau từ lâu lắm rồi. Nhưng như tôi đã chia sẻ khi viết cuốn "Bước qua nước mắt tự khắc trưởng thành", quan niệm về tình yêu của tôi bây giờ có lẽ đã khác thời xưa, không có quá nhiều nhu cầu chiếm hữu hay bám chấp cưỡng cầu.
Tôi trân trọng mọi nhân duyên đến và đi trong đời, nên cũng trân trọng cả những thời khắc yêu lẫn hết yêu. Người ta có chờ mình hay không, thiết nghĩ, không nên là lý do để mình gắn bó với một người hoặc một nơi nào đó, có phải không? Vì suy cho cùng, sự gắn bó là do từ phía mình cam tâm tình nguyện, còn chuyện ai đó có muốn chờ hay không lại là quyết định từ phía riêng họ.
Thế nên, nếu hỏi bây giờ có ai đó chờ tôi ở Việt Nam không ư? Chắc là khu vườn mà tôi trồng ngoài ban công phòng ngủ! Mỗi lần đi xa Sài Gòn lâu ngày, điều tôi lo nhất là khu vườn liệu có đủ nước tưới, nắng gió hay không. Nguồn cơn của chuyện này bắt nguồn từ một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, tôi lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công. Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.
Đó là lúc tôi nhận ra, bản thân mỗi người chúng ta, cũng nên sống giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt. Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn. Vậy nên, việc của chúng ta, là cứ bình an, là cứ hạnh phúc. Thế thôi, đừng "overthinking" (nghĩ) quá nhiều.
PV: Cảm ơn Anh Khang và chúc nhà văn triệu bản tiếp tục giữ vững phong độ ở các tác phẩm tiếp theo!