Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các bệnh viện tại Gia Lai triển khai thường niên. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn mang lại kết quả cao trong công tác khám-chữa bệnh (KCB).

Nhiều đề tài chất lượng, hiệu quả

Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có từ 30 đến 40 đề tài nghiên cứu khoa học do các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên thực hiện. Riêng năm 2024, đơn vị có 37 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến trong công tác KCB, trong đó, 25 đề tài xếp loại A, 12 đề tài xếp loại B.

 Năm 2024, Bệnh viện Nhi tỉnh triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục và đã có 3 bệnh nhi qua cơn nguy kịch, ổn định sức khỏe nhờ thực hiện kỹ thuật này. Ảnh: N.N

Năm 2024, Bệnh viện Nhi tỉnh triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục và đã có 3 bệnh nhi qua cơn nguy kịch, ổn định sức khỏe nhờ thực hiện kỹ thuật này. Ảnh: N.N

Nhiều đề tài nghiên cứu được các tác giả, nhóm tác giả thực hiện công phu, chất lượng và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Trong đó, một số đề tài đáng chú ý như: Nghiên cứu các yếu tố tiên lượng tử vong ở bệnh nhân xuất huyết não; Kết quả bước đầu phẫu thuật cắt gan điều trị ung thư biểu mô tế bào gan theo phương pháp Henry Bismuth; Điều trị phẫu thuật bệnh nhân viêm cột sống dính khớp…

Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Chủ nhiệm đề tài “Hiệu quả của điều trị nội tiết trên bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn di căn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai” cho biết: Thực tiễn tại Gia Lai cho thấy, việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn di căn đạt được những tiến bộ đáng kể và điều trị nội tiết cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn di căn đã trở nên thường quy.

Đề tài nghiên cứu tiến hành trên 34 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn di căn được điều trị tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân trong thời gian từ tháng 1-2020 đến tháng 10-2024. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân từ 50 đến 90; trong đó, nhóm tuổi 61-79 chiếm 50%.

Kết quả cho thấy các triệu chứng của bệnh nhân hầu hết đã giảm, mức giảm nhiều nhất là sau điều trị 3 tháng; tỷ lệ sống sót ở thời điểm 6 tháng là 100%, 12 tháng là 91,17%. Nghiên cứu này cho thấy hiệu quả của điều trị nội tiết rất khả quan trên bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.

Theo Tiến sĩ-bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Bảo-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Hàng năm, Bệnh viện đều tổ chức hội nghị khoa học cấp cơ sở để đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh công bố công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến trong công tác KCB.

Hội nghị còn là diễn đàn để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, bổ sung, cập nhật kiến thức về chẩn đoán điều trị, áp dụng những kỹ thuật mới vào thực hành lâm sàng nhằm nâng cao chất lượng KCB và xây dựng môi trường bệnh viện thân thiện.

Nâng cao chất lượng điều trị

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Hữu Chiến-Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-cho biết: Mỗi năm, Bệnh viện có trên 10 đề tài nghiên cứu khoa học. Hầu hết các đề tài đều được nghiên cứu công phu và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

 Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Phụ sản (Bệnh viện Quân y 15). Ảnh: Như Nguyện

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Phụ sản (Bệnh viện Quân y 15). Ảnh: Như Nguyện

Năm 2024, Bệnh viện Nhi tỉnh triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục hay còn gọi là trị liệu thay thế thận liên tục (continuous renal replacement therapy-CRRT). Đây là kỹ thuật cao, cho phép đào thải độc tố và các chất viêm (cytokines) ra khỏi máu bệnh nhân một cách liên tục (24/24 giờ).

Kỹ thuật này được chỉ định khi bệnh nhân mắc một số bệnh lý như: nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan, sốc nhiễm khuẩn, suy tim, viêm tụy cấp mức độ nặng, suy gan cấp, ngộ độc cấp, nhiễm toan chuyển hóa, các trường hợp bỏng nặng...

Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) chia sẻ: Năm 2024, đơn vị triển khai thực hiện đề tài lọc máu liên tục trong nhiễm trùng huyết nhân 1 trường hợp. “Bước đầu triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục, chúng tôi có sự hỗ trợ từ tuyến trên. Đến nay, Khoa đã thực hiện tốt kỹ thuật này.

Từ đầu năm đến nay, Khoa đã triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục điều trị cho 3 bệnh nhi, mang lại hiệu quả điều trị tích cực. Trong năm, Khoa còn thực hiện đề tài đánh giá bước đầu hiệu quả lọc máu cũng mang lại kết quả rất khả quan”-bác sĩ Trang cho hay.

Còn Thượng tá-bác sĩ chuyên khoa II Phạm Xuân An-Giám đốc Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15) thì thông tin: Bệnh viện coi công tác nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hàng năm, đơn vị tổ chức nghiên cứu từ 3 đến 5 đề tài và ứng dụng trong công tác KCB.

Thiếu tá-bác sĩ Phạm Hoài Nam-Trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Quân y 15) cho biết: Năm 2024, Khoa triển khai đề tài “Nghiên cứu, đánh giá kết quả sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai ở Bệnh viện Quân y 15” nhằm đánh giá việc áp dụng kháng sinh dự phòng, rút ngắn thời gian điều trị và giảm chi phí cho người bệnh.

Sắp tới, Khoa sẽ thực hiện đề tài “Triển khai và đánh giá kết quả phẫu thuật crossen trong phẫu thuật sa tạng chậu tại Bệnh viện Quân y 15”. Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị, chăm sóc cho người bệnh là nhiệm vụ được y-bác sĩ chú trọng, góp phần chăm sóc, điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-gop-phan-nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-post305581.html
Zalo