Nhà văn tìm cách đưa tác phẩm gần hơn với bạn đọc

Nhận diện các vấn đề liên quan và cách tiếp cận, con đường gần nhất để đưa tác phẩm văn học đến gần hơn với bạn đọc cùng nhiều thách thức trong dòng chảy văn hóa đọc hiện nay, là những nội dung được thảo luận tại Hội thảo văn học với chủ đề Nhà văn và con đường đưa tác phẩm đến với bạn đọc do Hội nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức, sáng ngày 3/8.

Quang cảnh hội thảo sáng ngày 2/8. (Ảnh ANH ĐÀO)

Quang cảnh hội thảo sáng ngày 2/8. (Ảnh ANH ĐÀO)

Đây cũng là hội thảo đầu tiên bàn cụ thể về một vấn đề được rất nhiều nhà văn, người viết quan tâm khi lựa chọn và gắn bó với con đường văn học-nghệ thuật. Và điều cần nhất đối với người viết là quảng bá được tác phẩm đến với đời sống, tiếp cận bạn đọc ở mọi lứa tuổi bằng giá trị tác phẩm mang lại.

Giữa rất nhiều khó khăn hiện nay khi xuất bản sách, phát hành sách, đặc biệt sách văn học còn gặp nhiều khó khăn, còn tâm lý e ngại và cả những tư duy cũ đã không còn theo kịp dòng chảy văn học, văn hóa đọc với quá nhiều hình thức tiếp cận trên không gian số như hiện nay.

Theo nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng (Liên Hiệp Văn học-nghệ thuật thành phố Đà Nẵng), Hội thảo nằm trong Chương trình hoạt động năm 2024 của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng nhằm góp phần gợi mở cũng như làm rõ những thách thức hiện nay để các nhà văn, nhà nghiên cứu cùng bàn bạc, thảo luận trao đổi những vấn đề rất thực tế của đời sống văn học hiện nay để lựa chọn một phương thức/một con đường nhằm đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc.

Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo với chuyên đề cụ thể liên quan đến vấn đề được nhiều nhà văn, nghệ sĩ quan tâm. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo với chuyên đề cụ thể liên quan đến vấn đề được nhiều nhà văn, nghệ sĩ quan tâm. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Hội thảo với các tham luận xoay quanh các vấn đề gợi mở như: Từ Tác phẩm đến bạn đọc hôm nay của nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng; Hành trình đưa tác phẩm đến tay bạn đọc của nhà thơ Mai Hữu Phước, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng; Khi bạn đọc của thơ là các nhà nghiên cứu phê bình của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy; Chúng ta phải hòa mình vào cuộc sống của người khác của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ.

Nhà văn và con đường đưa tác phẩm đến bạn đọc nhìn từ góc độ Nhà xuất bản của bà Nguyễn Quỳnh Linh, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng; Vai trò của Trường đại học trong việc lan tỏa những giá trị văn học của Tiến sĩ Hoàng Thị Hường, Đọc sách và sách cho các em của Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa, Tiếp cận các Nhà xuất bản và các Nhà phát hành để bán một tác phẩm của nhà văn Lệ Hằng, Vai trò của cơ quan xuất bản trong việc đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc của nhà thơ Hồ Sĩ Bình;...

Phân tích những điều kiện tiên quyết để người viết có thể tìm chọn được con đường phù hợp nhất để lan tỏa tác phẩm của mình, theo nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, điều đầu tiên là người viết phải không ngừng sáng tạo ra tác phẩm hay, hấp dẫn và trước hết là ngưng xuất bản những tác phẩm mà mình có - thể - biết - rằng không hay, không mới, không ích gì cho bạn đọc.

Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Nhà văn phải tiếp cận, sử dụng công nghệ và nền tảng trực tuyến để có thể tham gia xuất bản điện tử như Kindle, Wattpad hoặc các trang web cung cấp sách điện tử để tiếp cận với độc giả trực tuyến. Tận dụng các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter để quảng bá tác phẩm, chia sẻ các trích đoạn thú vị và tương tác với độc giả... và một điều không kém phần quan trọng là tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà xuất bản, đơn vị truyền thông để tài trợ, mua bản quyền…; chọn nhà xuất bản uy tín, kinh nghiệm trong việc quảng bá và phân phối sách để đảm bảo tác phẩm được tiếp cận rộng rãi và có thu nhập tốt.

Trong khi đó, tác giả trẻ Lệ Hằng cho rằng, tiếp cận các nhà xuất bản và các nhà phát hành sách để bán bản quyền tác phẩm là một trong những cách thông thường nhất và đòi hỏi nhiều nhất bởi quá trình duyệt bản thảo thường kéo dài, kỳ công, bản thảo phải cạnh tranh với nhiều bản thảo khác, nhiều tác giả khác và phải có sức thuyết phục đối với nhà đầu tư. Và tác giả/người viết “phải luôn gửi đi bản thảo tốt nhất của mình”.

Theo Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng Nguyễn Quỳnh Linh, các nội dung cốt lõi của hội thảo này đã phần nào khẳng định được vai trò, vị thế của nhà văn trong việc đưa tác phẩm đến với bạn đọc.

Bà Nguyễn Quỳnh Linh, Phó Giám đốc -Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Bà Nguyễn Quỳnh Linh, Phó Giám đốc -Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Để hoạt động xuất bản tiếp tục có nhiều đóng góp trong phát triển văn hóa đọc, trong đó thúc đẩy sự phát triển đa dạng, sinh động và hấp dẫn của các tác phẩm văn học, ngày càng tiếp cận và phục vụ tốt hơn cho độc giả, bà Linh đề xuất một số giải pháp như: tận dụng và bám sát tinh thần, chỉ đạo của các Chỉ thị, Luật, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách thỏa đáng, phù hợp với tình hình thực tế cho xuất bản phát triển;

Bên cạnh đó tiếp tục phát huy giá trị và tăng hiệu ứng truyền thông, lan tỏa cho các tác phẩm đạt Giải Sách quốc gia; tăng cường chương trình phối hợp chặt chẽ với ngành thư viện thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh văn hóa học, bồi dưỡng hình thành tình yêu đọc sách...

Tại hội thảo, các nhà thơ, nhà văn còn chia sẻ những khó khăn cụ thể khi sáng tác và chuẩn bị các hồ sơ để in ấn tác phẩm, trong đó, vấn đề đặt ra là dần từ bỏ một thói quen như "in sách chỉ để tặng" và phải dần đặt ra mục tiêu tiếp cận các kênh phát hành, các nhà xuất bản, các hình thức phát hành sách trực tiếp/trực tuyến cũng như tìm nguồn bạn đọc để có thể hướng tới, phát hành tác phẩm.

ANH ĐÀO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nha-van-tim-cach-dua-tac-pham-gan-hon-voi-ban-doc-post822499.html
Zalo