Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Sống để viết và viết để sống'

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cuộc đời tốt xấu lẫn lộn, trong mỗi một người luôn có cái tốt lẫn cái chưa tốt, do đó vai trò của nhà văn, nhất là người viết cho thanh thiếu niên, là khơi gợi những điều tốt đẹp trong tâm hồn người.

Và đó có lẽ cũng là lý do mà nhiều tác phẩm của ông được độc giả trong nước yêu thích đặc biệt, đạt được số lượng xuất bản vô cùng ấn tượng. Trong đó có những cuốn như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ tái bản đến 80 lần, Bàn có năm chỗ ngồi gần 70 lần…

Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh tác giả, NXB Trẻ đã tổ chức buổi giao lưu Lớn lên cùng sách Nguyễn Nhật Ánh tại Đường sách TP.HCM. Sự kiện có sự tham gia của đông đảo độc giả, bạn văn cũng như nhiều đời Giám đốc – Tổng Biên tập gắn liền với Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm của ông.

Những ký ức đẹp

Chia sẻ với khán giả, bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nhớ lại lần đi thăm các chiến sĩ hải quân thì một quân nhân đã xin chụp ảnh cùng bà khi biết bà là đại diện của NXB Trẻ, nơi cho ra mắt các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà anh rất thích. Điều này làm bà rất cảm động, qua đó cho thấy sự thành công của tác giả khi bằng ký ức ấu thơ đã đến gần được với đông đảo độc giả.

Bà Quách Thu Nguyệt nhớ lại kỷ niệm gặp một chiến sĩ hải quân yêu thích sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cũng chia sẻ trong quá trình làm việc, bản thân không chỉ ấn tượng với các tác phẩm mà còn là con người cá nhân của nhà văn với tính kỷ luật và tài năng đặc biệt.

Từ góc nhìn chuyên môn, ông Nhựt cho biết qua những tác phẩm được độc giả yêu thích, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đồng thời giúp NXB tự nâng cao chuyên môn để xứng đáng với giá trị tác phẩm lẫn yêu cầu của độc giả.

Ông nhớ lại khi cho ra mắt tác phẩm Cây chuối non đi giày màu xanh, việc tìm tờ gạt, sợi dây đánh dấu trang… sao cho đúng màu “chuối non” rất lao tâm khổ tứ, nhưng qua đó cũng để lại những bài học kinh nghiệm quý giá.

Ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đồng thời giúp NXB tự nâng cao chuyên môn để xứng đáng với giá trị tác phẩm lẫn yêu cầu của độc giả.

Ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đồng thời giúp NXB tự nâng cao chuyên môn để xứng đáng với giá trị tác phẩm lẫn yêu cầu của độc giả.

Ông Nhựt ngoài ra cũng là người đồng hành cùng nhà văn trong các chuyến công tác nước ngoài để nhận giải thưởng cũng như giao dịch bản quyền. Tại buổi giao lưu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã kể lại nhiều kỷ niệm đặc biệt mà bản thân có trong những lần này.

Chẳng hạn khi đến Thái Lan để nhận giải thưởng Văn học ASEAN vào năm 2010, do người phiên dịch thân quen bị ốm, dẫn đến Montira Rato - Tiến sĩ dạy Khoa tiếng Việt và Văn học Việt Nam tại Đại học Chulalongkorn, đã đảm nhận nhiệm vụ này. Để cảm ơn, ông đã tặng cô một bản sách tiếng Việt. Điều bất ngờ là sáng hôm sau vị tiến sĩ cho biết mình đã đọc xuyên đêm và xin phép nhà văn được chuyển ngữ sang tiếng Thái.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ nhiều kỷ niệm trong quá trình sách của mình được chuyển ngữ.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ nhiều kỷ niệm trong quá trình sách của mình được chuyển ngữ.

Ông kể thêm, 2 năm sau sách ra mắt, trong buổi ký tặng cũng tại Đại học Chulalongkorn thì có nhiều học sinh, sinh viên Thái Lan đến xin chữ ký và muốn được đề tặng. Nhưng vì chữ cái của họ khác xa ký tự Latinh của ta, nên ông đã “toát mồ hôi” không biết phải ký làm sao. May mắn là người phiên dịch đã chuyển các tên đó thành ký tự quen thuộc, vì vậy mà ông mới có thể “vượt qua”.

Đến khi trên đường về nhà, ở ngay sân bay Bangkok, ông thấy có một độc giả ngoại quốc cầm phiên bản đó lên săm soi, tuy không biết có mua hay không, nhưng điều đó làm ông “xúc động và tự hào như các vận động viên nghe Quốc ca vang lên vậy”.

Ngoài Thái Lan, Nhật Bản cũng đã dịch nhiều tác phẩm của ông như Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Đi qua hoa cúcCho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Ông kể giám đốc một tập đoàn xuất bản lớn ở Nhật Bản vì quá thích Mắt biếc nên đã hỏi ông liên tu bất tận rất nhiều câu hỏi, từ những những chi tiết có thể trả lời cho đến những câu cảm thán và không biết giải thích thế nào. Đó quả là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ.

Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ thêm gần đây các nhà xuất bản, dịch giả Thụy Điển, Nga, Ba Lan cũng đang “đánh tiếng” muốn mua bản quyền chuyển ngữ.

Nói thêm về việc đưa sách “xuất ngoại”, tác giả Tôi là Bêtô cho biết ban đầu sách của mình được dịch là do cơ duyên, khi dịch giả hoặc nhà xuất bản tự tìm đến. Nhưng càng về sau thì NXB Trẻ đã chủ động chuyển ngữ. Ông đánh giá đây là bước tiến đáng ghi nhận, từ đó qua những hội sách quốc tế, nhiều tác phẩm trong nước sẽ được giới thiệu thêm nữa, đưa văn học Việt Nam bớt phần xa lạ với độc giả ngoài nước.

Đông đảo độc giả tham buổi giao lưu Lớn lên cùng sách Nguyễn Nhật Ánh tại Đường sách TP.HCM sáng 11.5.

Đông đảo độc giả tham buổi giao lưu Lớn lên cùng sách Nguyễn Nhật Ánh tại Đường sách TP.HCM sáng 11.5.

Sống để viết và viết để sống

Tại buổi giao lưu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề với độc giả ở mọi lứa tuổi. Khi hỏi về năng suất làm việc đáng nể khi cứ mỗi năm lại cho ra mắt ít nhất một tác phẩm, nhà văn cho biết mình chưa bao giờ bị mất cảm hứng hay động lực cả.

Nói thêm, ông cho biết mình không có bí quyết gì đặc biệt, chỉ là để cảm xúc không chai lì hay bị bão hòa thì ta phải thật sự yêu nghề và có đam mê, bởi chỉ có vậy thì mới có hứng thú. Ông chia sẻ mình hạnh phúc nhất là khi được ngồi dưới mái nhà và viết những gì bản thân yêu thích.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông có thói quen viết hàng ngày, không viết nhiều thì viết ít, nhưng nếu không viết thì ngay lập tức sẽ thấy khó chịu.

Ngoài ra, nhà văn cũng tiết lộ bản thân có thói quen viết hàng ngày, không viết nhiều thì viết ít, nhưng nếu không viết thì ngay lập tức sẽ cảm thấy khó chịu. Có thể nói là “sống để viết và viết để sống”. Điều này cũng không quá khó, vì viết sách cho trẻ thơ nên mỗi ngày ông được đắm mình cùng các nhân vật trẻ trung, trong sáng, thuần khiết, thánh thiện… nên trái tim cũng được thanh lọc qua những nhân vật này.

Xoay quanh việc sáng tạo, tác giả của Kính vạn hoa cho biết cảm hứng của ông đến từ 3 nguồn: kỷ niệm – ký ức, quan sát xã hội xung quanh và óc tưởng tượng. Thông thường chúng hòa trộn vào nhau, nhưng do viết cho thiếu nhi và thanh thiếu niên, nên ký ức hay kỷ niệm sẽ chiếm phần lớn.

Tuy không phải tất cả nhưng cũng có những ký ức từng được tái hiện chân thực, như tình tiết cậu bé vô tình vẩy mực lên áo của cô bạn mình thầm thích trong Cô gái đến từ hôm qua. Trước vòng chung kết cũng tương tự thế, đến từ lần ông bất đắc dĩ được chọn làm trọng tài cho một trận đấu lúc đang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiếu nhi của Quận Đoàn quận 6, từ đó khởi nguồn cho nghiệp viết văn…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ mình đang viết tác phẩm mới có hơi hướng của Kính vạn hoa.

Nói về sách vở, nhà văn chia sẻ bản thân không chỉ là người viết mà cũng rất coi trọng việc đọc. Ông tiết lộ mình rất yêu thích Những cuộc phiêu lưu của Tom SawyerHuckleberry Finn của Mark Twain. Bên cạnh nguồn này, ông cũng thu nạp “tư liệu” từ rất nhiều trải nghiệm, như đọc sách, nghe nhạc, xem phim. Thậm chí chuyện của bà hàng xóm hay chú lái taxi cũng hoàn toàn có thể trở thành chất liệu để sáng tạo…

Bàn về sự đọc, ông bộc bạch có nhiều loại sách: loại để đọc, để tra cứu, để phục vụ cho công việc… Không đọc ngày này thì đọc ngày khác. Do đó không nhất thiết phải mua là đọc. Mà quan trọng hơn là nếu có một tủ sách trong nhà sẽ giúp trẻ em thích đọc. Ông nói: “Tình yêu sách vở cũng như người với người yêu nhau vậy. Có tiếp xúc, có gặp gỡ thường xuyên thì mới nảy nở được. Sau đó mới đến trường học, xã hội”.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, ông cho biết mình đang viết một tác phẩm mang phong cách của Kính vạn hoa, đến nay đã viết được 10 chương và hy vọng sẽ kịp để cuối năm nay ra mắt bạn đọc.

Bài: Minh Anh - Ảnh: NXB Trẻ

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nha-van-nguyen-nhat-anh-song-de-viet-va-viet-de-song-48190.html
Zalo