Dấu ấn Di sản Phật giáo qua các kỳ Vesak ở Việt Nam

Thông qua các di vật, cổ vật, pháp khí và sắc phong được trưng bày, không gian trưng bày góp phần thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo với dân tộc và văn hóa miền Bắc Việt Nam.

Tác giả: Thủy Nguyễn
Văn phòng Bảo tồn di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc - ngày kỷ niệm Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là một trong những sự kiện tôn giáo quan trọng của cộng đồng Phật giáo toàn cầu; chính thức được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận từ năm 1999.

Trong hành trình hoằng dương chính pháp trên trường quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vinh dự được đăng cai bốn Kỳ Đại lễ Vesak vào các năm 2008, 2014 và 2019 và 2025.

Mỗi kỳ đại lễ là một dấu ấn đặc biệt, đánh dấu sự trưởng thành, năng lực tổ chức và tâm huyết nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Năm 2025, Văn phòng Bảo tồn Di sản văn hóa Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự giới thiệu đến Chư tôn đức, quý thiện tri thức và đại chúng không gian trưng bày chuyên đề: “Di sản Phật giáo miền Bắc Việt Nam”.

Từ khóa: Vesak 2025, Đại lễ Phật đản, trưng bày, di sản, Phật giáo, miền Bắc

Vesak 2008 tại Hà Nội: Khai mở cơ duyên hội nhập

Diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại lễ Vesak LHQ 2008 là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò quốc gia đăng cai. Đại lễ quy tụ gần 900 đại biểu quốc tế đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hàng vạn tăng ni, phật tử trong nước tham dự.

Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản LHQ 2008 có 7 Hội thảo nhóm với các chủ đề: “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.” Đại lễ Vesak 2008 nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như xung đột, khủng hoảng đạo đức, biến đổi khí hậu; thể hiện nguyện vọng chung của cộng đồng Phật giáo quốc tế về một thế giới hòa hợp, dựa trên nền tảng từ bi và trí tuệ.

Vesak 2014 tại chùa Bái Đính (Ninh Bình): Lan tỏa đạo Phật nhập thế

Tổ chức tại chùa Bái Đính, ngôi đại tự có quy mô lớn ở Đông Nam Á - Vesak 2014 tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ Phật giáo thế giới. Gần 1.500 đại biểu quốc tế từ 97 quốc gia đã cùng hội tụ về Bái Đính để tham dự các diễn đàn học thuật, nghi lễ tâm linh và hoạt động giao lưu văn hóa. Chủ đề chính của Đại lễ Vesak 2014 là: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”, qua đó góp phần tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại.

Vesak 2019 tại Tam Chúc (Hà Nam): Hội tụ tinh thần Phật giáo toàn cầu

Vesak 2019 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, Hà Nam, một quần thể tâm linh lớn của Phật giáo Việt Nam. Với hơn 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia, Vesak 2019 là kỳ đại lễ có quy mô lớn nhất trong ba lần tổ chức tại Việt Nam. Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Vesak 2019 đã nhấn mạnh giá trị ứng dụng của giáo lý đạo Phật trong xây dựng nền đạo đức toàn cầu, thăng hoa tâm linh, và phát triển cộng đồng.

Đại lễ cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam hiền hòa, hiếu khách, có truyền thống văn hóa và tín ngưỡng sâu sắc, gắn bó với Phật pháp qua nhiều thời đại.

Ba kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức thành công tại Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng chư tăng, ni, phật tử trong và ngoài nước. Đó không chỉ là biểu hiện của sự phát triển vững mạnh của Phật giáo Việt Nam, mà còn là minh chứng cho tinh thần phụng sự đạo pháp, đồng hành cùng dân tộc và nhân loại trên con đường kiến lập hòa bình, hướng tới chân - thiện - mỹ.

Năm 2025, Việt Nam tiếp tục vinh dự là quốc gia đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 được tổ chức từ ngày 5/5 - 9/5/2025 tại TP.HCM, với sự chủ trì của GHPGVN, các ban ngành Trung ương cùng sự tham dự của chư tăng, ni, học giả và phật tử đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các nghi lễ còn có nhiều hoạt động đặc sắc như: Cung thỉnh xá lợi đức Phật, chiêm bái xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức, hội thảo quốc tế, triển lãm nghệ thuật Phật giáo, và chương trình nghệ thuật truyền thống.

Không gian trưng bày “Di sản Phật giáo miền Bắc Việt Nam” của Văn phòng Bảo tồn di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự tại Đại lễ Vesak 2025

Bắc Bộ từng là trung tâm tu học, hoằng pháp và kiến lập Tăng đoàn Phật giáo quan trọng từ xuyên suốt các triều Lý - Trần - Hậu Lê - Nguyễn; không chỉ để lại dấu ấn đậm nét trong tư tưởng, tín ngưỡng dân gian mà còn bảo tồn một kho tàng di sản vật thể vô giá. Những cổ vật ấy là biểu hiện sống động của chính pháp thường trụ, phản ánh niềm tin, trí tuệ và công hạnh hộ trì Tam Bảo của nhiều thế hệ cư sĩ và Tăng lữ Việt Nam.

Trên tinh thần phụng sự Tam Bảo và hoằng dương chính pháp, nhân dịp đại lễ Vesak 2025, Văn phòng Bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự đã tổ chức không gian trưng bày “Di sản Phật giáo miền Bắc Việt Nam”. Chủ đề Tam Bảo: Phật - Pháp - Tăng được chọn làm trục dẫn dắt chính của không gian trưng bày. Đưa người xem bước vào hành trình khám phá di sản Phật giáo miền Bắc qua những hiện vật đặc trưng như tượng Phật cổ, tháp đất nung, y bát, kinh sách, mộc bản, pháp khí, sắc phong,... Những hiện vật này được lưu giữ tại các danh lam tự viện như Bút Tháp, Quán Sứ, Bà Đá, Long Động,… và các trung tâm Phật giáo lớn của vùng Bắc Bộ.

Sự trân quý của hiện vật không chỉ bởi sự biểu trưng mạch nguồn phát triển của Phật giáo miền Bắc Việt Nam mà còn bởi công hạnh gìn giữ, truyền trao đầy tôn kính của chư tăng, ni và cộng đồng phật tử xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Không gian trưng bày của Văn phòng Bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự

Không gian trưng bày của Văn phòng Bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự

Không gian “Phật”

Không gian “Phật”

Không gian “Phật”

Tượng Phật

Không gian trưng bày giới thiệu 5 Tòa Cửu Long (thời Lê trung hưng, thế kỷ XVIII) và 2 pho tượng Phật đản sinh có niên đại Lê trung hưng và Nguyễn. Các pho tượng thể hiện kỹ thuật điêu khắc, mỹ cảm Phật giáo và biểu tượng Thân Phật trong nghệ thuật thờ phụng truyền thống.

Các pho tượng cổ

Các pho tượng cổ

Tháp đất nung

Gồm 4 tháp đất nung có niên đại triều Lý (thế kỷ XI - XII). Tháp đất nung được xây theo kiểu giật cấp, thu nhỏ dần theo chiều cao, với mái lợp ngói ống truyền thống, mang màu gạch đỏ đặc trưng. Mỗi tầng đều có hình người tọa thiền trên đài sen, mang đậm dấu ấn mỹ thuật Phật giáo thời Lý. Đặc biệt, có một tháp phần chân đế khắc nổi dòng chữ Hán “Tháp chủ Khai Thiên Thống Vận Hoàng Đế”, là cách viết tắt tôn hiệu vua Lý Thái Tông từ năm 1028, được chế tác dưới sự chỉ đạo của nhà vua, phản ánh vai trò của triều đình trong hoạt động Phật giáo thời Lý. Đại biểu cho sự hưng thịnh của Mật tông thời Lý, biểu tượng Pháp giới và trí tuệ Phật đà trong văn hóa Phật giáo Việt.

Tháp đất nung cổ

Tháp đất nung cổ

Lư hương gốm men ngọc có niên đại thời Mạc (thế kỷ XVI)

Hiện vật được lưu giữ tại chùa Hói, thôn Cao Dương, xã Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Lư hương có chiều cao 16,5cm, đường kính miệng 18cm, đường kính đáy 13,5cm, dáng hình trụ, thân giữa phình rộng, thu nhỏ dần về hai phía miệng và đáy. Miệng lư loe cao ra ngoài, được trang trí bằng họa tiết hoa chấm tròn đều đặn. Phần thân phình rộng cũng được trang trí các chấm tròn gợi hình bông hoa, bốn dải quai được bố trí đối xứng theo cặp, tạo nên sự cân đối trong hình khối tổng thể.

Lư hương gốm men ngọc

Lư hương gốm men ngọc

Chim Anh Vũ gỗ

Đôi chim Anh Vũ được làm bằng gỗ mít, cao 54cm, có dáng hình thanh thoát, đầu vươn cao thể hiện thần thái kiêu hãnh. Thân chim trang trí hoa văn mây lửa, chân chạm khắc vảy rồng tinh xảo. Mặc dù mỏ chim đã gãy, các lớp sơn son thếp vàng đã phai nhưng tượng vẫn giữ giá trị thẩm mỹ cao nhờ kỹ thuật tạo tác khéo léo của người thợ lành nghề. Trong Phật giáo, chim Anh Vũ (hay Vẹt Anh Vũ) là hóa thân tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca. Theo Kinh Tạp Bảo Tạng, chim Anh Vũ Hoan Hỷ Thủ đã dập lửa cứu rừng bằng lông của mình, khiến Thích Đề Hoàn Nhân cảm động và cho mưa lớn dập tắt hỏa hoạn. Tượng là minh chứng cho tay nghề điêu luyện và tư tưởng từ bi trong mỹ thuật Phật giáo.

Chim Anh Vũ gỗ

Chim Anh Vũ gỗ

Không gian “Pháp”

Không gian “Pháp”

Không gian “Pháp”

Gồm các bản kinh in, chép tay và mộc bản Hán - Nôm của các thiền phái Phật giáo miền Bắc đã truyền thừa qua nhiều thế hệ, hướng theo Ngũ thời giáo pháp của Đức Phật[1]. Gồm các bộ kinh: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Pháp Hội, Đại Bát Nhã tâm kinh, kinh Hoa Nghiêm, Đại Thừa Phương Đẳng Đại Tập kinh, Đại Bát Niết Bàn kinh,... cùng vô số các bộ kinh khác. Những sách kinh và mộc bản này có niên đại khoảng thế kỷ XIX - XX.

Mộc bản và kinh sách Hán - Nôm cổ

Mộc bản và kinh sách Hán - Nôm cổ

Không gian “Tăng”

Không gian “Tăng”

Không gian “Tăng”

Pháp phục của các vị Tổ sư: Gồm áo cà sa của Hòa thượng Thích Tố Liên (chùa Quán Sứ, Hà Nội); Hòa thượng Thích Tâm Đạo (chùa Cốc Thành, Nam Định); Hòa thượng Thích Trung Thứ (chùa Phúc Khánh, Hà Nội), Hòa thượng Thích Mật Ứng; áo tràng vàng của Hòa thượng Thích Mật Ứng.

Pháp phục cổ

Pháp phục cổ

Âu gốm men ngọc có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), với hoa văn dây lá khắc vào xương gốm, nằm dưới lớp men. Phần gần mép miệng, xung quanh có các chấm nổi tròn. Tương truyền, đây là ứng lượng khí của Thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1726). Hiện vật được lưu giữ tại chùa Long Động, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Ứng lượng khí gốm men ngọc

Ứng lượng khí gốm men ngọc

Thác bản và sắc phong ghi lại công đức và hành trạng của các vị danh Tăng

4 sắc phong trên giấy Long Đằng có niên đại triều Nguyễn, trong đó có 2 đạo sắc phong là:

Sắc phong ngày 15 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846): Ban cho Xung Tuệ Chiêu Huy Hiển Trứ Đại Thánh Pháp Điện Phật, có kích thước dài 128 cm × rộng 50,5 cm.
Sắc phong ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880): Ban cho miếu thờ Hoàng đế Trần Nhân Tông, tại xã Đức La, huyện Phượng Nhãn, tỉnh Bắc Ninh; kích thước dài 132 cm × rộng 51 cm.

Sắc phong cổ

Sắc phong cổ

Thác bản văn bia Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi ký 敕建寧福禪寺碑記, sưu tầm tại chùa Ninh Phúc, xã Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là một tư liệu quý có giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt. Bia có kích thước cao 128cm, rộng 110cm, gồm 18 dòng chữ Hán với khoảng 600 chữ. Văn bia được khắc vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Phúc Thái thứ 5 (1647), dưới triều vua Lê Chân Tông. Tác giả soạn văn bia là Thiền sư Minh Hành Tại Tại. Nội dung văn bia ca ngợi vẻ đẹp của chùa Ninh Phúc, một cổ tự nổi tiếng không chỉ bởi cảnh quan thanh tịnh mà còn là trung tâm truyền bá Phật giáo đương thời.

Bên cạnh không gian trưng bày chính, Văn phòng Bảo tồn di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự trân trọng giới thiệu hai ấn phẩm: Tịnh Độ yếu nghĩa và Tịnh Độ thần chung, do Văn phòng dịch thuật và biên tập. Tịnh Độ yếu nghĩa là cuốn sách do Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647 - 1726) biên soạn vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, giữa tình cảnh kho tàng luận giải Phật học quá ít ỏi và khó hiểu. Cho đến nay cuốn sách vẫn là ngọn đèn soi sáng hành giả trên con đường niệm Phật, phát nguyện vãng sinh. Tịnh Độ thần chung là cuốn sách do cư sĩ Chu Khắc Phục biên soạn năm 1659, được ví như tiếng chuông sớm giúp đánh thức những người đang mê đắm trong niệm tục, góp thêm hành trang cho quá trình tìm con đường giác ngộ của đại chúng.

Tổng kết

Thông qua các di vật, cổ vật, pháp khí và sắc phong được trưng bày, không gian trưng bày góp phần thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo với dân tộc và văn hóa miền Bắc Việt Nam. Từ nghệ thuật tạo hình, kiến trúc pháp khí cho đến thư tịch cổ, tất cả đều minh chứng cho sức sống bền bỉ và năng lực chuyển hóa của Phật pháp khi được bản địa hóa. Không gian trưng bày không chỉ là điểm dừng của nhãn thức chiêm bái, mà còn là đạo tràng tâm linh tĩnh lặng, nơi mà từng hiện vật như đang thuyết pháp bằng hình tướng, để đại chúng chiêm nghiệm, phát khởi tín tâm và hồi hướng công đức.

Văn phòng Bảo tồn di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự kính lễ Tam Bảo, tri ân chư vị tiền nhân đã hộ trì Phật pháp và phát nguyện tiếp nối dòng chảy ấy bằng tâm nguyện hoằng dương giáo pháp qua từng không gian văn hóa, từng hơi thở phụng sự. Không gian trưng bày “Di sản Phật giáo miền Bắc Việt Nam” chính là một phần trong hành trình đó.

Tác giả: Thủy Nguyễn
Văn phòng Bảo tồn di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự

***

[1] Ngũ thời giáo pháp là hệ thống phân kỳ tư tưởng trong Phật giáo Đại thừa, phản ánh tiến trình thuyết pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong suốt 49 năm hành đạo. Mỗi thời kỳ tương ứng với một phương pháp giáo hóa đặc thù, phù hợp với căn cơ của chúng sinh, từ giáo lý thâm sâu đến phổ quát, từ quyền giáo đến thật giáo. Trình tự thời gian được tóm lược qua bài kệ: Hoa Nghiêm đầu tiên hăm mốt ngày/ A Hàm mười hai; Phương Đẳng tám/ Hăm hai năm luận đàm Bát Nhã/ Pháp Hoa, Niết Bàn cộng tám năm.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dau-an-di-san-phat-giao-qua-cac-ky-vesak-o-viet-nam.html
Zalo