Nhà văn Mỹ Lady Borton: Chồng sách cao ngang vai và đầy ắp những câu trả lời của Hữu Ngọc

Nhà văn hóa Hữu Ngọc - 'Cây cầu nối văn hóa Đông - Tây' của Việt Nam đã ra đi hôm 2/5. Để tưởng nhớ cây đại thụ của văn hóa Việt Nam, Nhà văn Mỹ Lady Borton, một người bạn lâu năm của ông đã gửi cho Báo Thế giới và Việt Nam bài viết này.

Các cuốn sách do Nhà văn hóa Hữu Ngọc viết là đầy ắp những câu trả lời về văn hóa Việt Nam và thế giới. (Ảnh: TGCC)

Các cuốn sách do Nhà văn hóa Hữu Ngọc viết là đầy ắp những câu trả lời về văn hóa Việt Nam và thế giới. (Ảnh: TGCC)

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (1918–2025) đã từ trần ngày 2 tháng 5. Ông sống tại nhà con trai, nơi ông thường tiếp bạn bè, đồng nghiệp trong căn phòng thoáng đãng, đầy ắp sách và kỷ vật. Nếu ai hỏi điều gì, ông sẽ dẫn ngay ra cuốn sách nào, ở ngăn nào, giá sách nào và có câu trả lời thuyết phục.

Vài năm gần đây, dù đã gần như không còn nhìn và nghe được gì, Hữu Ngọc vẫn giữ trí nhớ phi thường cho đến gần cuối đời. Mỗi lần tôi đến thăm những năm gần đây, con trai ông - anh Tiến - đều làm “phiên dịch thính giác”, bất kể ngôn ngữ nào, bởi người kém thính lực thường chỉ nghe được người thân rất gần, như bạn đời hay con cái trưởng thành. Tiến ngày nào cũng đến nhà anh trai để chăm cha, giúp ông giao tiếp và nhớ lại bạn bè, dự án xưa và duy trì trí nhớ cho cha mình.

Tôi gặp Hữu Ngọc lần đầu hơn 50 năm trước tại Hà Nội khi miền Nam sắp đến ngày giải phóng hoàn toàn và là người dẫn đoàn giáo chức Mỹ đầu tiên (và duy nhất) thăm miền Bắc Việt Nam. Về sau, chúng tôi cùng làm nhiều dự án khi ông là Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới, và kể cả sau khi ông nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc toàn thời gian. Ông âm thầm nhưng bền bỉ mở rộng giới hạn tư duy, góp phần giúp người đọc Việt Nam vượt qua những khẩu hiệu hình thức bằng việc nâng cao hiểu biết và trân trọng lịch sử, văn hóa dân tộc mình.

Tác phẩm Việt Nam: Truyền thống và Đổi thay (Việt Nam: Tradition and Change) của Hữu Ngọc do tôi và Elizabeth Collins biên tập, được Nhà xuất bản Đại học Ohio và Nhà xuất bản Thế Giới đồng ấn hành, đã được CHOICE (Hiệp hội các Nhà xuất bản Mỹ) giới thiệu. Hội Xuất bản Việt Nam trao cho cuốn sách này giải thưởng hiếm hoi “kép” cho nội dung và hình thức. Elizabeth Collins là người chọn lọc các tiểu luận từ bộ sách Lãng du trong văn hóa Việt Nam dày 1.400 trang của Hữu Ngọc. Chính ông là người chỉnh sửa bản thảo. Biên tập viên Phạm Trần Long - nay là Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới - là người đề xuất minh họa bằng các tranh sinh hoạt truyền thống Việt Nam từ bộ sưu tập Oger (1909).

 Nhà văn Lady Borton tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”, do Bộ Ngoại giao tổ chức, ngày 23/4/2025 tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Khải)

Nhà văn Lady Borton tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”, do Bộ Ngoại giao tổ chức, ngày 23/4/2025 tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Khải)

Bảy năm trước, một buổi chiều, Mary Pecaut và tôi đến thăm Hữu Ngọc. Với sự đồng thuận của ông, chúng tôi xếp chồng các cuốn sách mà ông viết về văn hóa nước ngoài (Mỹ, Pháp, Nhật, Thụy Điển, xếp theo thứ tự ABC) và văn hóa Việt Nam (các phiên bản Lãng du trong văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh, Pháp, Việt; từ điển; sách về Hà Nội, các dân tộc thiểu số; và các nhân vật trong và ngoài nước ông ngưỡng mộ). Chúng tôi không tính các sách ông biên tập và các ấn bản Vietnamese Studies xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp – mà ông làm chủ biên trong nhiều năm.

Chồng sách do chính tay ông viết ấy, cao gần ngang vai ông.

Có thời gian, tôi và ông sống cách nhau một dãy phố. Tôi đạp xe 20 phút là đến Nhà xuất bản Thế Giới. Còn ông, mỗi ngày đi bộ suốt đoạn đường kẹt xe Kim Mã, vai đeo túi sách cũ kỹ. Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn có văn phòng làm việc cho các Quỹ Văn hóa Thụy Điển và Đan Mạch tại Nhà xuất bản Thế Giới trên phố Trần Hưng Đạo.

Có lần, tôi hỏi ông:

“Khi đi bộ bên cạnh dòng xe ồn ào ấy, ông có nghĩ trong đầu bài viết tiếp theo cho báo Vietnam News không?”

“Không,” ông đáp. “Tôi ngâm thơ.”

Gần hai năm trước, tôi về Hà Nội thăm ông khi anh Tiến đang đi nước ngoài. Cô giúp việc chăm sóc tận tình nhờ ông ký một số tiểu sử nghề nghiệp để tôi mang về cho bạn bè bên Mỹ. Cô ấy phải nói to (vì bắt buộc), giục ông ký tên là “Nhà văn Hữu Ngọc”.

“Không! Tôi không phải là nhà văn!” ông nói lớn, trong khi tôi đang tìm cây bút dạ nào còn mực. “Tôi KHÔNG phải là nhà văn!”

Đúng thế. Hữu Ngọc không phải là “nhà văn”.

Người nói tiếng Anh hay dịch “nhà văn” thành “writer”, nhưng trong tiếng Việt, “nhà văn” chỉ người viết văn hư cấu - truyện ngắn, tiểu thuyết... Những ai viết thơ, hồi ký, tiểu sử, lịch sử, tùy bút, nghiên cứu, từ điển, dịch thuật… đều có cách gọi riêng.

Từ mà Hữu Ngọc dùng cho chính mình là “nhà văn hóa”.

Vài tháng trước, khi tôi lại về Hà Nội thăm ông, ông đã ít nói hơn nhưng vẫn rất kiên định. Khi ấy, ông 106 tuổi. Vì không nghe được nên ông cũng chẳng thể điều tiết giọng mình - mỗi lần nói là một lần hét.

“Tôi không muốn làm việc nữa!” ông hét lên.

Và tôi đến cũng không phải để làm việc, mà chỉ để ngồi bên giường, cạnh một người bạn thân lâu năm của mình. Tôi ngồi sát tai bên còn nghe được đôi chút của ông, vòng tay phải ôm lấy ông để đỡ cho ông ngồi vững, trong khi Tiến làm 'phiên dịch thính giác'. Tôi đặt bản thảo vào tay ông. Ông không nhìn thấy, cũng không nghe được, nhưng vẫn có thể lật giở từng trang."

“Bao nhiêu trang?” – ông nói lớn, bản năng của người biên tập, chủ bút nhà xuất bản lập tức trỗi dậy.

Tôi không rõ. Khi ông cứ hỏi mãi, Tiến lấy vài cuốn sách của cha, chúng tôi đếm số trang và… “sáng tác” một con số cho bản thảo còn đang làm dở.

Nhà văn Lady Borton cùng bạn bè tại lễ viếng Nhà văn hóa Hữu Ngọc. (Ảnh: Đức Khải)

Nhà văn Lady Borton cùng bạn bè tại lễ viếng Nhà văn hóa Hữu Ngọc. (Ảnh: Đức Khải)

Giờ đây, những ngày không còn ông, tôi lại đang ở Hà Nội, hoàn thiện phần mục lục cho bản thảo về cuốn sách Chiến tranh nhân dân – dự án mà Hữu Ngọc từng nhiều năm góp ý.

Mỗi khi gắn số trang cho từng mục, tôi lại nhớ ông và một cuộc trò chuyện cách đây hơn 25 năm, khi chúng tôi cùng làm tạp chí Vietnam Cultural Window - một tờ báo đột phá thời đó, nhẹ nhàng vượt khỏi lối viết khẩu hiệu, mở đường cho phong cách cởi mở ngày nay.

Hôm đó, nhóm làm báo cùng đi ăn trưa tại nhà hàng Huế quen thuộc (mà hồi ấy là duy nhất). Các đồng nghiệp Việt Nam đi trước. Tôi và Hữu Ngọc sóng bước bên nhau trên phố Lý Thường Kiệt. Tôi không biết rằng có người trong nhóm đã nói với ông là tôi sắp rời Việt Nam (nghĩa là về hẳn, chứ không phải đi công tác), nên ông tưởng có thể đây là lần cuối chúng tôi gặp nhau.

“Chị có biết vì sao tôi viết không?” ông hỏi. Giọng ông trầm lại - cái tông chỉ có giữa những người bạn lâu năm, khi một trong hai biết mình sắp xa cách chưa biết ngày nào gặp lại.

“Không,” tôi đáp và hỏi lại ông “Vì sao?”

“Vì mỗi khi có câu hỏi, tôi biết câu trả lời nằm ở đâu trong các cuốn sách của mình.”

Thật vậy. Hữu Ngọc không chỉ biết tra cứu trong chính những cuốn sách của mình mà còn biết tra cứu cả trong kho tri thức mênh mông của Việt Nam và thế giới. Và ông còn biết cách dẫn đường.

Với vai trò Tổng Biên tập nhà xuất bản, biên tập và tác giả, ông đã để lại thật nhiều câu chuyện từ bạn bè, đồng nghiệp trong những cuốn sách chất cao ngang vai với đầy ắp những câu trả lời.

(Lady Borton, tháng 5 năm 2025)

Lady Borton

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-my-lady-borton-chong-sach-cao-ngang-vai-va-day-ap-nhung-cau-tra-loi-cua-huu-ngoc-313710.html
Zalo