Nhà văn Minh Chuyên - Anh hùng Lao động và câu chuyện về 'Người không cô đơn'
Đối với giới nhà văn, việc nhà văn Minh Chuyên vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 9/10/2024 là một tin vui rất đặc biệt. Điều đó cho thấy sự trân trọng và đánh giá, ghi nhận khách quan về những đóng góp thầm lặng của các nhà văn trên từng trang bản thảo.
Người cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa
Cách đó ít hôm, khi tham dự buổi ra mắt sách của Minh Chuyên và bạn văn, anh đã mời tôi trò chuyện riêng. Say sưa và tình cảm. Ăm ắp dự định. Ăm ắp việc cần phải làm và luôn lắng nghe ý kiến của mọi người chính là một trong những vẻ đẹp của Minh Chuyên. Anh được phong danh hiệu Anh hùng Lao động là rất xứng đáng. Nhất là với giới nhà văn vốn giàu cá tính, luôn “văn mình vợ người”, ít chịu đọc nhau thì Minh Chuyên luôn là cái tên nổi trội về đầu sách và chất lượng mỗi tập sách. Chính Minh Chuyên chứ không phải ai khác không chỉ miệt mài năm này tháng khác cày trên trang giấy mà anh còn rất biết đưa nhân vật trong tác phẩm của mình ra với đời sống, trưởng thành trong đời sống, là một phần quan trọng trong công cuộc chuyển mình của đất nước chúng ta.
Bản thân Minh Chuyên luôn ý thức sâu sắc điều đó. Anh luôn tâm niệm, chúng ta một mặt vừa không được quên những nỗi đau, những đóng góp máu xương, những di họa chiến tranh về thể xác và tinh thần, một mặt khác phải tìm ra hướng đi căn cơ lâu dài, thấu tình đạt lý, phải xây dựng cơ chế chính sách trên tinh thần luật pháp để người có công, những người bị thiệt thòi trong chiến tranh được hưởng những chính sách chính đáng và công bằng. Đó là chiều sâu của vẻ đẹp nhân văn con người Việt Nam ta.
Văn chương tác động trực tiếp tới đời sống
Câu chuyện về nhà văn Minh Chuyên cũng không kém phần ly kỳ, chìm nổi, bôn ba, sóng gió.
Nhà văn Minh Chuyên sinh ngày 10/12/1948 tại làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông nhập ngũ năm 1967 vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 526, Trung đoàn 7, Sư đoàn 350. Tiếp đó, ông vào chiến trường Đông Nam Bộ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Tây Ninh, Bình Long, Phước Long. Sau ông ra miền Bắc về trại viết của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1976, Minh Chuyên chuyển ngành về làm phóng viên Báo Thái Bình. Từ năm 1985 đến năm 1995, ông là Ủy viên Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Từ tháng 6 năm 1998, Minh Chuyên làm biên kịch phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam.
Văn học luôn góp phần quan trọng trong chữa lành các vết thương, cả về thể xác và tinh thần. Chính những trang văn tươi xanh sẽ làm ấm nóng những trái tim nguội lạnh. Những trang văn tươi xanh thơm mát luôn bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta, dẫn dắt chúng ta. Minh Chuyên là một trong những nhà văn viết những trang văn như thế.
Trong mảng văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, có những nhà văn khi xuất hiện đã lập tức có chỗ đứng vững chắc và luôn được nhắc tới, được trích dẫn tác phẩm ở khu vực đó. Đó là nhà văn Minh Chuyên với "Người không cô đơn". "Người không cô đơn" đã làm nên tên tuổi Minh Chuyên và nhất là tác động của nó với chính sách đúng đắn hơn, ấm áp hơn, hữu ích hơn với những người phải nhận những hậu quả không mong muốn từ các cuộc chiến tranh.
Đó cũng đúng như lời Minh Chuyên trong Tự bạch về nghề: “Dẫu viết tiểu thuyết, bút ký hay truyện ngắn mà có ích cho con người thì khó cũng nên viết. Nó đòi hỏi nhà văn không chỉ tài hoa mà phải có cả tấm lòng và cái tâm nhiệt huyết. Các yếu tố ấy kết lại mới hy vọng chắt ra được những trang văn giàu chất nhân văn. Với tôi, viết được một tác phẩm “dù to, dù nhỏ” mà hữu ích cho đời thì đấy là một niềm vui. Một số tập truyện và ký viết về thời hậu chiến tranh của tôi ít nhiều đã tác động trực tiếp tới xã hội, giúp các cơ quan chức năng và Chính phủ ban hành được một số chính sách và xây dựng một số quỹ từ thiện. Làm được những điều hữu ích từ văn chương, tôi nghĩ mình đã làm được những việc nghĩa với đồng đội. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút”.
Chia sẻ của Minh Chuyên cũng chính là hướng đi, đích đến của ngòi bút ông. Đây là hành trang suốt đời của một cây bút có trách nhiệm với đời sống xã hội, với từng nhân chứng cụ thể và cao hơn chính là Minh Chuyên đã nêu gương của người cầm bút với nhân dân mình, Tổ quốc mình.
Minh Chuyên với tác phẩm "Người không cô đơn" chính là một cuộc kiếm tìm, khơi dậy và thể hiện trách nhiệm với những người chịu thiệt thòi trong chiến tranh. "Người không cô đơn" là câu chuyện có thật về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc ở số nhà 376, tổ dân phố 2, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình. Mặc dù anh đã có giấy báo tử về gia đình nhưng sự thật là anh vẫn còn sống. Bà Phạm Thị Học, sinh năm 1949 ở thôn Đông Hải, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình là người yêu của anh Thúc và cũng là nhân vật được nhắc tới trong bài bút ký.
Ngòi bút của Minh Chuyên trong "Người không cô đơn" vừa trung thực vừa hết sức linh hoạt. Câu chuyện người thực việc thực mà vô cùng lấp lánh và thậm chí là nhói buốt. Ở đây, văn học đã đạt đến một đỉnh cao, đó là nói về con người, đánh thức con người, để phục vụ tốt hơn con người trong mọi hoàn cảnh. Ngòi bút của Minh Chuyên chính là trái tim tha thiết của ông, của giới văn bút, của người Việt Nam với đồng bào ruột thịt của mình. Trách nhiệm công dân và trách nhiệm nhà văn trong "Người không cô đơn" đã hòa vào làm một, đã khiến chúng ta phải xem lại chính mình, kể cả sự máy móc của nó cũng như bản chất của sự việc trước những khó khăn trùng trùng của một thời đã khiến chúng ta bị vây bọc với những điều tắc trách.
Mấy năm gần đây, nhà văn Minh Chuyên đã cho xây dựng và tạo điểm nhấn tham quan về chiến tranh với Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh tại thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là bảo tàng tư nhân của nhà văn Minh Chuyên được UBND tỉnh Thái Bình cấp kinh phí xây dựng. Bảo tàng có giá trị không nhỏ đối với công chúng muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, phục vụ tích cực việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho Bảo tàng cũng chính là sự tri ân với đồng chí đồng đội, nhất là những thân phận chịu nhiều thua thiệt sau chiến tranh. Không chỉ tỉnh Thái Bình tự hào về một nhà văn đã có những đóng góp đích đáng cho văn học chiến tranh cách mạng mà giới văn bút thế hệ Minh Chuyên, thế hệ sau ông đều rất tự hào. Trong các câu chuyện của chúng tôi về những đóng góp hữu ích của nhà văn với xã hội, cái tên Minh Chuyên luôn được nhắc đến nhiều nhất.
Nhà văn Minh Chuyên, không chỉ trong "Người không cô đơn" mà toàn bộ cuộc sống và cuộc viết của ông tới hôm nay đều là hướng tới sự thiện lành của mỗi con người.
Dũng khí nhà văn
Chúng tôi có thể dẫn ra hàng loạt các tác phẩm của Minh Chuyên trên nhiều khu vực để thấy rằng danh hiệu Anh hùng Lao động đối với Minh Chuyên không chỉ rất xứng đáng mà chính là một trong những dấu mốc với giới văn nghệ sĩ về sự ghi nhận, đánh giá đúng tầm của Đảng ta, Nhà nước ta với văn nghệ sĩ.
Về mảng phim tài liệu, với vai trò biên kịch, đạo diễn, nhiều lúc Minh Chuyên còn trực tiếp dẫn dắt hình ảnh trong phim rất sinh động và sáng tạo đã cho thấy tâm huyết và tài hoa của ông. Cá nhân tôi đã thực hiện nhiều phim tài liệu, nhất là phim về các văn nghệ sĩ trong quân đội được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật nên rất hiểu những khó khăn trong thực hiện các bộ phim tài liệu. Nhắc đến Minh Chuyên là nhắc đến một biên kịch, một đạo diễn tên tuổi của Truyền hình Việt Nam những năm 2000 càng cho thấy sự cống hiến và nhất là sự sáng tạo của các nhà văn với thể tài này. Chắc chắn, từ những năm trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường đã cho Minh Chuyên kinh nghiệm, kiến thức và cả dũng khí để ông thực hiện những tác phẩm theo chúng tôi là xuất sắc.
Anh em văn nghệ sĩ tỉnh Thái Bình và cả nước luôn rất quý trọng Minh Chuyên. Ở ông có điều gì rất lạ. Đó là sự dấn thân và luôn trăn trở trước những điều không đáng có vẫn còn diễn ra trong cuộc sống. Nếu ai đó bị thua thiệt, thậm chí bị oan khuất, Minh Chuyên luôn sẵn sàng xông vào vùng đất khó ấy để lên tiếng, để giúp đỡ, để sự thiện lành phải được đến với mỗi con người. Ở Minh Chuyên không có sự nửa vời. Các tác phẩm bút ký, truyện ký của ông đều bắt nguồn từ cuộc sống với những con người cụ thể, nỗi đau cụ thể trong nỗi đau, mất mát chung của một dân tộc đã phải chịu nhiều cuộc chiến tranh liên tiếp mới tới được ngày hòa bình. Ở đây, Minh Chuyên rất khác với các nhà văn khác, ông đớn đau nhưng không bi lụy mà mau chóng bắt tay vào tìm mọi cách giải quyết để những nỗi đau chóng lành lặn hơn, bớt đi những cảnh huống éo le, khuất lấp trong đời. Ở quãng này, dũng khí Minh Chuyên đã hiện ra lồ lộ. Mềm dẻo nhưng cương quyết. Cứng rắn nhưng linh hoạt. Tất cả vì cái chung, vì nghĩa lớn, vì tiến tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà nhà văn phải là thành phần đi tiên phong, dẫn đầu trong mỗi chặng đường gian khó.
Nhà văn Minh Chuyên là một trong những nhà văn trụ cột sau dấu mốc Đổi mới 1986 của vùng đất Thái Bình. Chính Minh Chuyên chứ không phải ai khác đã luôn tiên phong ở tuyến đầu, thực hiện những tác phẩm về văn học nghệ thuật để góp phần cho công cuộc Đổi mới của Đảng ta, nhân dân ta mau chóng có kết quả tốt hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, được nâng cao chính là công rất lớn của nhà văn Minh Chuyên. Chúng ta hãy đánh giá đúng mức những đóng góp lớn ấy để hiểu được vẻ đẹp của nhà văn, nhất là những nhà văn bộ đội, từng trưởng thành từ quân đội với văn chương nghệ thuật và với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi thực hiện tập bản thảo 80 gương mặt văn nghệ sĩ quân đội, một trong những người tôi nghĩ đến đầu tiên chính là nhà văn Minh Chuyên. Phẩm chất lính. Hành động kiên cường như một người chiến sĩ ở tuyến đầu, không né tránh, không sợ hãi và nhất là luôn có kế sách, kế hoạch cho riêng ngòi bút của mình ở từng chặng và ở toàn cục một cách khoa học và nhân văn nhất. Tôi luôn học được ở Minh Chuyên sự cần cù, chịu thương chịu khó và nhất là sự kiên định đi đến cùng, dám xông thẳng vào các vùng đất khó để tìm ra những mạch sống nhân văn nhất với con người, vì con người, nhất là các nạn nhân từ di họa chiến tranh.
Tập sách trên cũng là tâm tư, sự tri ân của cá nhân tôi với thế hệ các văn nghệ sĩ đi trước. Có người đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến như Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Đăng,… và nhất là nhà văn - liệt sĩ Nguyễn Thi, người cùng cơ quan với tôi. Tác phẩm của các nhà văn, nhất là các nhà văn liệt sĩ đã cho thế hệ văn bút chúng tôi sau này, trong đó có Minh Chuyên, trách nhiệm và sự trưởng thành trong mỗi chặng đường sáng tác.
Nhà văn Minh Chuyên - Câu chuyện về "Người không cô đơn" và trên hết toàn bộ cuộc đời ông chính là những bài học lớn, là thành tựu đáng ghi nhận về công sức và vai trò của văn học nghệ thuật, vai trò của báo chí phát thanh truyền hình đã tác động tích cực, trực tiếp tới sự phát triển của xã hội, của đất nước. Nhà văn Minh Chuyên đã tạo ra những động lực để thế hệ văn bút lứa sau ông có thêm sức mạnh và cả dũng khí, thực hiện những tác phẩm hữu ích như chính anh đã từng thực hiện. Với cá nhân tôi, nhà văn Minh Chuyên luôn là một tấm gương lớn để mình nhìn vào đó, phấn đấu trên từng trang viết.
Chúng ta đang bước sang một kỷ nguyên mới. Tầm vóc của dân tộc Việt Nam, vẻ đẹp của mỗi người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã là một niềm tự hào lớn mà trong đó có sự đóng góp thầm lặng của các văn nghệ sĩ - chiến sĩ, trong đó có nhà văn - Anh hùng Lao động Minh Chuyên.
Nhà văn Minh Chuyên đã xuất bản những tác phẩm tiêu biểu: Miền quê anh đến (tập truyện ngắn, NXB Quân đội nhân dân, 1985); Làm tiếp công trình Su-ren-cô (tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 1986); Thủ tục làm người còn sống (tập truyện ký, NXB Hội Nhà văn, 1989); Người gặp trong mơ (tập truyện ngắn, NXB Thanh niên, 1990); Người lang thang không cô đơn (tập ký, NXB Hội Nhà văn, 1992); Người không cô đơn (tập truyện ký, NXB Hội Nhà văn, tái bản 1995); Người lạc về đâu (tiểu thuyết, NXB Thanh niên, 1995); Quãng đời huyền thoại (tập truyện, NXB Công an nhân dân, 1997); Di họa chiến tranh (tập bút ký, NXB Văn học, 1998); Những linh hồn da cam (tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2009); Hậu chiến Việt Nam (tập bút ký, NXB Văn học, 2005); Cha con người lính (tập kịch bản, NXB Văn học, 2006); Sau tiếng súng (tập truyện ký, NXB Hội nhà văn, 2016); Vết thương trận mạc (tập truyện, NXB Hội nhà văn, 2015); Ở hai phía chân trời (tập truyện và ký, NXB Văn học, 2018); Nước mắt thời bình (tập bút ký, NXB Hội nhà văn, 2019); Ký ức chiến trường (Tập bút ký, NXB Quân đội nhân dân, 2020); Chuyện người tử tế (Bút ký 3 tập 2020-2022); Vào chùa gặp lại (tập truyện ký, NXB Hội nhà văn, 2023); Trở lại kiếp người (tập truyện ký, NXB Hội nhà văn, 2023); viết và chủ biên 35 tập văn thơ “Nỗi đau sau chiến tranh” 2018-2024.
Khi ông làm biên kịch và đạo diễn phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam, các phim do ông cùng cộng sự thực hiện đã để lại tiếng vang rất lớn, tiêu biểu phải kể đến phim tài liệu Đi qua một thế kỷ với (10 tập); Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía (25 tập); Bất khuất Côn Đảo (15 tập); Nước mắt da cam (5 tập); Bức thông điệp lịch sử (52 tập)… phát trên sóng Đài Truyền hình Quốc gia.
Năm 2022, ông được tổ chức kỷ lục châu Á cấp bằng xác lập là nhà văn, đạo diễn sáng tác các tác phẩm Văn học, Điện ảnh, Truyền hình về Hậu chiến tranh nhiều nhất, có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Năm 2017, nhà văn Minh Chuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Trước đó, tác phẩm phim tài liệu “Cha con người lính” của ông đạt Giải cúp Vàng Quốc tế tại LHP Quốc tế lần thứ 10 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên năm 2006. Hiện tác giả Minh Chuyên có 3 tác phẩm được tuyển chọn vào sách giáo khoa PTTH và tiểu học (bộ Cánh Diều). Truyện ký “Vào chùa gặp lại” vào sách Ngữ văn lớp 11, tập 2. Truyện ký “Chuyện ông Hoàng Cầm” vào sách Văn bản đọc hiểu Ngữ văn lớp 11 và truyện ký “Nhà bác học của ruộng đồng” vào sách tiếng Việt lớp 4 tập 1.