Nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý - một lý tưởng sống cao đẹp

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có đóng góp quan trọng của các nhà văn, nhà báo-một đội ngũ đặc biệt vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu, cho ra đời những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật góp phần kịp thời cổ vũ, động viên quân, dân ta ra sức thi đua phục vụ kháng chiến và chiến đấu ngoan cường, dũng cảm.

Trong đội ngũ nhà văn, nhà báo trực tiếp ra chiến trường tác nghiệp và cống hiến hết mình có nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. Chị sinh ngày 19-4-1941, tại thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Toàn quốc kháng chiến năm 1946, gia đình chị lên Thái Nguyên tham gia kháng chiến đến khi giải phóng Thủ đô (năm 1954) thì trở về Hà Nội. Dương Thị Xuân Quý học tại trường Trưng Vương (Hà Nội), rồi trung cấp mỏ tại Quảng Ninh. Sau đó, chị học ngành báo chí và được phân công về làm phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam.

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại chiến trường.

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại chiến trường.

Năm 1965, trước những tin tức từ chiến trường miền Nam sục sôi đánh Mỹ, trước tội ác của kẻ thù, với phẩm chất của một nhà báo, nhà văn giàu lòng yêu nước, Dương Thị Xuân Quý đã viết đơn tình nguyện vào miền Nam tham gia chiến đấu. Lá đơn sau này trở thành tư liệu quý về chị, có đoạn: “Tôi là Dương Thị Xuân Quý, đoàn viên Thanh niên Lao động, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, tình nguyện gửi đơn này xin các đồng chí xét cho tôi được vào Nam chiến đấu... Nếu được vào Nam chiến đấu, tôi có thể dạy học, làm công tác Đoàn, làm báo, phụ trách thiếu nhi... Nhưng nếu miền Nam cần đến tôi ở bất cứ một việc nào, bất cứ một nơi nào, tôi xin sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm những nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nếu Đảng gọi tôi “vào Nam chiến đấu”, tôi xin có mặt ngay”...

Tháng 4-1968, Dương Thị Xuân Quý gửi con mới 16 tháng tuổi cho thân mẫu nuôi dưỡng để lên đường vào chiến trường Khu 5. Trước đó, nhiều nhà văn, nhà báo Quân đội đã viết đơn xung phong vào thẳng các chiến trường ác liệt nhất. Sau gần 3 tháng cùng đồng đội hành quân vượt rừng Trường Sơn với bao gian nan, vất vả và bom đạn địch, Dương Thị Xuân Quý vào đến cơ quan văn nghệ Trung Trung Bộ vào giữa tháng 7-1968, được phân công làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ. Đến ngày 31-7-1968, chị đã hoàn thành truyện ngắn "Hoa rừng"-tác phẩm khá đặc sắc về cuộc chiến đấu tại chiến trường ác liệt Khu 5.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nơi chiến trường Khu 5, Dương Thị Xuân Quý mau chóng hòa nhập với đồng chí, đồng đội, với các nhà văn, nhà báo ở đây. Chị đã để lại dấu ấn riêng, luôn xung phong tới các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng nhân dân và bộ đội đang chiến đấu ác liệt với quân thù. Việc trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu, trực tiếp cầm súng và cầm bút tại chiến trường, dùng vũ khí là trí tuệ và ngòi bút sắc bén đóng góp cho cuộc kháng chiến chính là vẻ đẹp nhất, trách nhiệm cao nhất của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đó cũng là lý tưởng và nhân cách cao đẹp của Dương Thị Xuân Quý. Những dòng viết cuối cùng của chị là hai bức thư đề ngày 2-3 và 3-3-1969 gửi Chu Cẩm Phong về chuyến đi Xuyên Hòa, Xuyên Phú. Chị dự định viết bút ký "Về Xuyên Hòa". Những dự định luôn ấp ủ trong đầu chị, chỉ mong ùa ra mặt giấy.

Đêm 8-3-1969, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, Dương Thị Xuân Quý hy sinh khi mới 28 tuổi. Chị bị giặc sát hại khi đang làm nhiệm vụ tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý để lại 14 bút ký, truyện ngắn viết ở miền Bắc; 2 truyện ngắn, 2 bút ký, 3 bài thơ viết từ khi vào chiến trường Khu 5; 1 tập Nhật ký chiến trường dày 127 trang. Các tác phẩm tiêu biểu của chị đã xuất bản là: Chỗ đứng (truyện, 1968); Gương mặt thách thức (bút ký, 1969); Hoa rừng (tập truyện ký, 1970); Dương Thị Xuân Quý-Nhật ký, tác phẩm (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007)... Năm 2007, Dương Thị Xuân Quý được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Tại TP Đà Nẵng hiện nay có một con đường mang tên Dương Thị Xuân Quý ở quận Ngũ Hành Sơn.

Đọc lại những trang viết, nhất là những dòng Nhật ký chiến trường của chị, chúng ta không chỉ khâm phục mà còn vô cùng thương tiếc một tài hoa văn chương đã cống hiến trí tuệ và cả sinh mạng của mình cho Tổ quốc. Chị như đóa hoa rừng thơm mát, cao thượng lạ lùng, luôn tận tâm, tận hiến cho Tổ quốc. Những dòng văn, thơ, nhật ký của Dương Thị Xuân Quý để lại đã góp phần ngân rung, tạo nên bản hùng ca của quân dân ta, nhất là của phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho đến tận hôm nay.

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh đêm 8-3-1969 và mãi đến đêm 3-8-2006 (sau hơn 37 năm), đồng đội mới tìm thấy hài cốt của chị cùng với chiếc kẹp tóc đã han gỉ có chữ "X.Quý", hai chiếc khuy áo màu xanh lá cây. Lúc ấy, tất cả mọi người có mặt đều lặng đi, nhiều người khóc không thành tiếng...

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nha-van-liet-si-duong-thi-xuan-quy-mot-ly-tuong-song-cao-dep-5045905.html
Zalo