Nhà Trắng sẽ sớm công bố thuế quan mới cho các quốc gia trong vài tuần tới
Hôm thứ Sáu (16/5), Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ công bố mức thuế quan cho các đối tác thương mại trong vài tuần tới vì không thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia cùng một lúc.

"Cùng lúc chúng tôi có 150 quốc gia muốn đạt được thỏa thuận, nhưng không thể gặp được nhiều quốc gia như vậy", Tổng thống Trump cho biết.
Theo đó, Tổng thống Trump cho biết, các lá thư sẽ được gửi bởi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. "Mức thuế sẽ rất công bằng, nhưng chúng tôi sẽ cho mọi người biết họ sẽ phải trả bao nhiêu để kinh doanh tại Mỹ".
Phát ngôn viên của Nhà Trắng, Kush Desai cho biết: "Tổng thống Trump tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại lịch sử của chúng ta và cân bằng sân chơi cho các ngành công nghiệp và người lao động Mỹ… Hành động nhanh chóng theo chương trình nghị sự của Tổng thống là rất quan trọng để khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ".
Một người quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết, lý do đơn giản là "có quá nhiều quốc gia để đàm phán cùng một lúc". Chính quyền có kế hoạch áp dụng mức thuế quan cụ thể sau tháng 7, trong khi các thỏa thuận khác sẽ được đàm phán "vào thời điểm thích hợp".
Chính quyền Trump đã đàm phán với Anh, Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn khác trong những tuần gần đây về mức thuế quan đối ứng được công bố ngày 2/4, mức thuế này đã thiết lập mức thuế cao kỷ lục đối với hàng hóa nhập khẩu đối với hầu hết mọi quốc gia trên toàn cầu.
"Chúng tôi dự kiến mức thuế quan thực tế của Mỹ sẽ tăng khoảng 13% trong năm nay lên mức cao nhất kể từ những năm 1930… Mặc dù mức thuế quan cuối cùng và thành phần của thuế quan vẫn chưa chắc chắn, nhưng chúng có thể sẽ vẫn ở mức cao trong tương lai gần", các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đã ca ngợi thỏa thuận đạt được với Anh vào đầu tháng này là một "thỏa thuận thương mại tuyệt vời". Anh sẽ chỉ đối mặt với mức thuế quan cơ sở 10% cũng như các mức thuế quan cụ thể khác đối với ô tô, thép và nhôm. Nhưng thỏa thuận này đã cho các quốc gia khác thấy rằng, chính quyền Tổng thống Trump có ý định duy trì mức thuế cơ sở 10% ngay cả đối với các quốc gia mà họ có thặng dư thương mại. Điều đó đã khiến các đối tác thương mại lớn như Liên minh châu Âu, trở nên hoài nghi hơn về những gì họ có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Tổng thống Trump cho biết, ông đang triển khai thuế quan vì nhiều lý do, bao gồm cả việc thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước chuyển nhà máy sản xuất của họ sang Mỹ và khôi phục việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ.
"Chúng ta có thể thu hút đầu tư vào khoảng 12.000 - 13.000 tỷ USD… Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đang hướng tới con số 12.000 - 13.000 tỷ USD giữa các dự án đã được công bố, chủ yếu là đã được công bố, nhưng một số sẽ được công bố rất sớm và theo nghĩa đen, rất sớm", Tổng thống Trump cho biết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thương mại vẫn hoài nghi rằng, mối đe dọa về mức thuế quan cao hơn và áp lực chính trị từ Nhà Trắng có thể là chưa đủ để thúc đẩy sự hồi sinh mạnh mẽ trong ngành sản xuất của Mỹ. Các doanh nghiệp thường quyết định xây dựng nhà máy mới dựa trên một số yếu tố khác ngoài thuế quan, bao gồm chi phí lao động, năng lượng và vận tải, thuế suất và môi trường pháp lý.