Thuế quan Mỹ - Trung hạ nhiệt: Doanh nghiệp Việt sẵn sàng đón sóng
Vừa qua, hai cường quốc kinh tế là Mỹ và Trung Quốc thống nhất tạm hoãn một phần thuế đối ứng trong 90 ngày, đồng thời giảm đáng kể tổng thuế nhập khẩu, liệu đây có phải cơ hội cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam?
Trong tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố, thuế nhập khẩu 24% với Trung Quốc trong sắc lệnh thuế đối ứng mà ông Trump ký ngày 2/4 sẽ được hoãn áp dụng 90 ngày. Mức thuế cơ bản 10% vẫn giữ nguyên. Thuế 20% áp lên Trung Quốc do liên quan đến cáo buộc buôn bán fentanyl vào Mỹ, áp dụng trước đó, cũng được giữ lại.
Do đó, tổng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc sẽ tạm thời giảm từ 145% về 30%. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ bỏ một số mức thuế trả đũa thuế đối ứng của Mỹ, nên thuế áp với hàng hóa nước này sẽ tạm thời giảm từ 125% về 10%.

Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia nhận định cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam đang có chuyển biến mới, khi “cú bắt tay” của 2 gã khổng lồ này sẽ có nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế, hiện tại Mỹ áp thuế 46% cho tất cả các hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Nếu tương lai Mỹ không thay đổi kịch bản này thì hàng hóa của Việt Nam gặp khó khăn để tiếp cận thị trường Mỹ. Tại vì tất cả hàng hóa của Việt Nam trở nên rất đắt đỏ ở Mỹ. Từ đó, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, nguy cơ các công ty, doanh nghiệp FDI sẽ rời khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên nhìn một cách khả quan, giữa Mỹ và Trung quốc đã có những thỏa thuận mỗi bên sẽ giảm thuế 125%. Điều này chứng tỏ là Mỹ có thể sẽ có những thỏa thuận với những quốc gia khác trong đó có Việt Nam, có nghĩa là mức thuế áp cho Việt Nam có thể được rút từ 46% xuống mức thấp hơn.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ mới chỉ thỏa thuận với Trung quốc, ngoài ra chưa giảm thuế cho bất cứ quốc gia nào cả. Hy vọng vào kịch bản Mỹ sẽ giảm thuế cho Việt Nam là có thể, nhưng sẽ khó được như kỳ vọng. Dự kiến một giải pháp trung hòa khi Mỹ sẽ giảm nhưng không nhiều đối với Việt Nam. Bởi sự lo ngại của Nhà Trắng là hàng hóa của Trung Quốc sẽ chuyển vào Việt Nam, từ Việt Nam chuyển sang Mỹ để hưởng thuế quan của Mỹ áp cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định việc giảm thuế giữa Mỹ - Trung sẽ tạo tín hiệu giảm thuế đối ứng với Việt Nam
Cũng theo ông Hiếu, nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc mà trở nên căng thẳng thì sẽ tốt hơn, vì Hoa Kỳ cũng cần nguồn hàng hóa của các nước khác. Có thể Tổng thống Donald Trump sẽ nhân nhượng hơn để Việt Nam tạm thời thay thế một phần cho Trung Quốc. Vậy trong kịch bản Mỹ đối đầu với Trung Quốc, càng mạnh mẽ thì vị trí của Việt Nam càng tỏ ra tốt hơn.
“Chính quyền của ông Donald Trump thay đổi hàng ngày, những chương trình giảm thuế cụ thể cho các loại hàng hóa hay cho đến thời điểm nào cũng chưa rõ ràng, mới chỉ là một thỏa thuận trên nguyên tắc mà thôi. Chính vì thế, tình hình thuế quan Mỹ Trung vẫn rất bất ổn, là một ẩn số rất lớn có thể ảnh hưởng ngoại thương giữa Mỹ và Việt Nam".
"Chính vì thể chúng ta vẫn chưa có thể lạc quan giữa thuế Mỹ và Việt Nam. Tại thời điểm này này những bất ổn trên ngoại thương giữa Mỹ và các nước trên thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên có những kế hoạch đa dạng hóa thị trường tại các quốc gia khác’., Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Cơ hội cho Doanh nghiệp Việt?
Chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu – ông Nguyễn Tuấn Việt Tổng Giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu Vietgo nhận định, việc bình thường hóa giữa Mỹ - Trung chỉ là tạm thời, bởi đối tượng mà Mỹ muốn nhắm vào nhất là Trung Quốc, dẫn đến việc Tổng thống Trump đưa ra rất nhiều chính sách về thuế. Nguyên nhân khiến hạ nhiệt do: một là đôi bên dễ đưa ra đàm phán nhau, thứ hai là Mỹ nhận ra là không thể nào mà thiếu hàng hóa Trung Quốc trong thời gian ngắn hạn. Vậy nên là trước mắt thuế quan Mỹ - Trung sẽ điều chỉnh một chút, tuy nhiên tương lai lâu dài mục tiêu của Mỹ có thể vẫn tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Tuấn Việt dự đoán việc hạ nhiệt giữa Mỹ - Trung chỉ là tạm thời
Cũng theo ông Việt, có thể coi đây là xung đột cảm xúc “dọa áp thuế”, nhưng làm cho những nhà nhập khẩu của hai nước đều lo lắng. Nhiều nhà nhập khẩu đang có xu hướng chạy đi tìm ngay một thị trường khác để back up an toàn, trong trường hợp thuế quan Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng. Vậy nên xu hướng chuyển dịch bây giờ là phù hợp và quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, rõ ràng nhất và chuyển dịch sang tốt nhất chính là Việt Nam. Lợi thế của Việt Nam ở cạnh Trung Quốc, bên cạnh đó có nhiều FTA (Hiệp định thương mại tự do), chế độ chính trị ổn định một Đảng, lợi thế mặt đường hàng hải quốc tế dài. Một điều quan trọng, Việt Nam đang có ưu thế xu hướng bền vững vì giữa Việt Nam và Mỹ có hợp tác chiến lược toàn diện.
“Đây là xu hướng mà tôi cho là tạm thời, tại vì đối tượng mà Mỹ hướng đến chắc chắn là Trung Quốc nên sớm muộn gì cũng sẽ tăng tiếp hoặc xuất hiện chiến tranh thương mại. Thế nên về lâu dài Việt Nam chắc chắn được hưởng lợi. Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ bị áp thuế cao nhất trong khu vực, với tình hình áp thuế đã hạ nhiệt thì Việt Nam sắp tới dự đoán sẽ đàm phán được mức thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn bao nhiêu thì chúng ta cùng đợi thêm trong thời gian”. Ông Việt nhấn mạnh.
Ông Việt cho biết, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ cho biết đã có những lo ngại từ các đời Tổng thống Mỹ trước khi mối quan hệ Mỹ - Trung đã có sự hằm hè. Thời điểm này chỉ là giọt nước làm tràn ly và lượng chuyển dịch dù ít hay nhiều cũng quá lớn với thị trường Việt Nam. Nghĩa là Việt Nam sẽ hưởng lợi một làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc sang và cái làn sóng đấy là có nhỏ đi chăng nữa thì nó cũng rất hấp dẫn, rất lớn với thị trường Việt Nam.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần phải tạo ra một cái hành lang cả về pháp lý, dịch vụ mọi mặt, thậm chí cần phải chọn lọc những đối tượng nào ưu tiên và đối tượng nào không ưu tiên. Lo ngại lớn nhất là sự chênh lệch giao thương giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc. Nên khi lượng chuyển dịch sang sẽ vô cùng lớn và thị trường Việt Nam có hấp thụ hay đón nhận không là do nhận định chủ quan Việt Nam. Cần phải có một cái tâm lý sẵn sàng và kế hoạch hành động để chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển có thể xuất hiện trong thời gian tới.