Nhà tập thể: Biểu tượng di sản hay suy thoái đô thị?
Nhà tập thể là một khái niệm đặc thù trong lịch sử phát triển đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ bao cấp (1950 - 1980), khi nhà ở được xây dựng để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho công nhân viên chức và người dân đô thị trong bối cảnh kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Sau Đổi mới (1986), cho dù dần mất đi tính phổ biến và được thay thế bởi các chung cư hiện đại và khu đô thị mới, nhưng nhiều khu nhà tập thể vẫn tồn tại và trở thành biểu tượng của một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong quá trình phát triển đô thị Việt Nam, đồng thời đặt ra một câu hỏi rất bản thể: tồn tại hay không tồn tại?
Nhà tập thể với tư cách di sản đô thị…
Nếu xem xét các giá trị lịch sử, tinh thần, văn hóa, định cư của nhà tập thể, liệu rằng công trình này có thể nhìn nhận như là một biểu tượng của Hà Nội, và do đó, có khả năng di sản hóa (heritagization – một quá trình lựa chọn một di sản của quá khứ để sử dụng trong hiện tại và quyết định xem cái gì được lưu giữ trong tương lai – Tunbridge & Ashworth, 1996)?
Trong bối cảnh hiện đại hóa và đô thị hóa, việc giữ lại hay thay thế nhà tập thể đặt ra nhiều câu hỏi về giá trị di sản. Có nên giữ lại những tàn tích của một thời kỳ đã qua, hay chấp nhận rằng chúng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và cần phải thay thế bởi những mô hình sống hiện đại hơn? Đây là một cuộc tranh luận giữa việc bảo tồn hay tái thiết, và vai trò của cộng đồng trong việc định hình bộ mặt tương lai của thành phố.
Tại Hà Nội, tính đến năm 2020, toàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng vào giai đoạn 1960 đến 1992 (Nguyễn Việt Ninh, 2024). Một số khu công nghiệp theo kiểu Xô Viết cũ và những khu dân cư lân cận được xây dựng ở vùng ven đô Hà Nội vào những năm 1970 và 1980. Năm 1985, chín khu công nghiệp được hoàn thành, mỗi khu chứa khoảng 150 nhà máy của Nhà nước.
Khu nhà ở cho công nhân được chuẩn hóa là chung cư 4 - 5 tầng. Mỗi căn được thiết kế cho gia đình một thế hệ chứ không dành cho gia đình nhiều thế hệ, kết quả là không gian của mỗi căn hộ rất hạn chế. Loại nhà này khá phổ biến ở Hà Nội. Nhiều tòa nhà tập thể hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, những vấn đề về bảo trì không được quan tâm đúng mức (van Horen, 2005).
Không chỉ dựa trên một cảm quan hoài niệm thịnh hành trong đại chúng, mà nhà tập thể cũng hội tụ các yếu tố để nhìn nhận như là một di sản. Những khu nhà này trở thành một phần ký ức tập thể, gắn liền với lịch sử phát triển của Hà Nội sau chiến tranh và những năm đầu của quá trình công nghiệp hóa. Hơn nữa, chúng đại diện cho mô hình sinh hoạt cộng đồng, với không gian chung cho các gia đình, nơi giao lưu giữa các thế hệ, và sự gắn kết giữa hàng xóm láng giềng.
Nhiều người dân vẫn còn nhớ về thời kỳ này với sự hoài niệm về một Hà Nội yên bình, với các giá trị tình làng nghĩa xóm và sự sẻ chia trong điều kiện sống khó khăn. Điều này tạo ra một giá trị văn hóa đáng được bảo tồn trong bối cảnh thay đổi đô thị hóa nhanh chóng.
Mặc dù đơn giản và mang tính công năng, kiến trúc của nhà tập thể cũng có những giá trị riêng, phản ánh tinh thần và tư duy của một thời kỳ lịch sử. Những công trình này thường được thiết kế theo các nguyên tắc của kiến trúc hiện đại xã hội chủ nghĩa, với những đặc điểm như sự tối giản, tiết kiệm không gian và phục vụ chức năng tập thể. Việc bảo tồn những khu nhà này, do đó, cũng là cách duy trì một phần di sản kiến trúc đô thị độc đáo của Hà Nội.
Căn cứ nào để nhà tập thể có thể được công nhận như một di sản kiến trúc? Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi năm 2009), cụ thể tại khoản 1, điều 28 đã đưa ra 5 nội dung về khái niệm “di tích lịch sử - văn hóa”, trong đó có bốn nội dung liên quan đến công trình xây dựng và kiến trúc nhưng chưa xác định rõ các loại hình cụ thể.
Bên cạnh đó, trong khi theo khoản 6, điều 4 Luật quy định “tuổi đời” của cổ vật phải từ 100 năm trở lên, lại thiếu tiêu chí về niên hạn cho các công trình kiến trúc. Mặt khác, thông thường, các công trình chỉ có tuổi thọ khoảng 50 năm trước khi cần tu bổ, chưa kể không nhiều nhà tập thể có tuổi đời đạt đến 50 năm chứ chưa nói là 100 năm, nên phải cần đưa vào trường hợp công nhận di sản đặc biệt đề xuất áp dụng mốc thời gian ngắn hơn.
Một tham chiếu khác là tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17.7.2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, cung cấp bảng tính điểm đánh giá công trình kiến trúc có giá trị. Nhưng như vậy là đã đủ?
… hay là suy thoái đô thị?
Dựa trên hiện trạng của tập thể ngày nay và những tác động của nó đến đời sống lẫn bộ mặt đô thị, phải chăng đây cũng là một biểu hiện của sự suy thoái đô thị (urban decay), để từ đó phải có những giải pháp cụ thể?
Có nhiều ý kiến cho rằng, trải qua hơn nửa thế kỷ, nhà tập thể cũ đã hoàn thành sứ mệnh đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân đô thị. Hoặc, nhà tập thể đã trở nên lỗi thời, gây mất mỹ quan đô thị và hàm chứa nhiều yếu tố pha tạp lối sống cũ mới, sự đứt gẫy của một cộng đồng cư trú. de Loddis (2005) đặt ra câu hỏi tại sao kể từ khoảng giữa thập niên 1990 các khu nhà tập thể lại trở nên mờ nhạt và bị loại dần ra khỏi tâm trí người dân Hà Nội, có phải vì đó là bởi đặc điểm thường thấy của con người ngày hôm nay muốn thiêu hủy cái mà ngày hôm qua còn được ca tụng, để làm lu mờ đi những kinh nghiệm có thể học hỏi.
Rất nhiều khu nhà tập thể đang ở trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan, một số do quá xuống cấp nên đã phải nhận "lệnh an tử". Có tới 6 tòa nhà nguy hiểm cấp D gồm Nhà C8 Giảng Võ; G6A Thành Công; nhà A Ngọc Khánh; Khu tập thể Bộ Tư pháp (hai đơn nguyên đầu hồi); nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng, hiện đều nằm trong diện cải tạo, xây dựng lại do đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn.
Mặc dù đã có văn bản yêu cầu di dời nhưng một số hộ gia đình vẫn bám trụ bất chấp khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc có biểu hiện nghiêng, sụt lún. Một lý do bởi nơi ở tái định cư cũng như phương án đền bù khó nhận được sự đồng thuận của 100% hộ dân. Nhà tập thể, dưới mắt nhìn của nhà chuyên môn và quản lý, đang là một thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi đô thị tại Hà Nội, cụ thể là tái cấu trúc và quy hoạch đô thị.
Đầu tiên, theo thời gian, các khu nhà tập thể đang dần xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã lỗi thời, không còn đáp ứng được nhu cầu sống hiện đại. Nhiều tòa nhà bị hư hỏng, thấm dột, và có nguy cơ mất an toàn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân mà còn làm mất đi giá trị thẩm mỹ và cảnh quan đô thị.
Sự phát triển nhanh chóng của đô thị Hà Nội đòi hỏi sự chuyển đổi, nhưng việc cải tạo hoặc tái thiết các khu nhà tập thể gặp nhiều khó khăn do các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đất đai, lợi ích của các bên liên quan, và chi phí tái thiết. Nhiều khu nhà tập thể đang đối mặt với sự biến mất hoàn toàn khi bị thay thế bởi các dự án chung cư cao cấp, làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt đô thị và hệ sinh thái xã hội.
Các khu nhà tập thể ở Hà Nội, đặc biệt những khu được xây dựng từ thời kỳ bao cấp như Kim Liên, Trung Tự, và Giảng Võ, là những ví dụ điển hình cho hiện tượng suy thoái đô thị ở Việt Nam. Ban đầu, những khu nhà này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở, nhưng qua thời gian, chúng đã dần xuống cấp và mất đi chức năng ban đầu.
Suy thoái đô thị (Urban decay) là quá trình mà một phần của thành phố dần trở nên xuống cấp, kém phát triển và mất đi sức sống, thường đi kèm với sự giảm sút về điều kiện sống, hạ tầng, và giá trị kinh tế. Hiện tượng này thường xuất hiện ở các khu vực đô thị có lịch sử phát triển lâu dài, nhưng do những yếu tố như sự thiếu đầu tư, sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế, và quản lý không hiệu quả, các khu vực này không thể duy trì được chất lượng cuộc sống ban đầu.
Điều này dẫn đến những hậu quả tiêu cực như dân số giảm, tội phạm gia tăng, và sự suy giảm về giá trị bất động sản. Sự xuống cấp và hoang hóa nhà ở thường được giải thích là hậu quả của một quá trình “tự nhiên”: khi nhà ở cũ đi, chất lượng của chúng giảm đi, bị xuống cấp đến mức không thể chấp nhận được. Sau đó, các tòa nhà bị bỏ trống và cuối cùng bị phá hủy để nhường chỗ cho các tòa nhà mới.
Tuy nhiên, nghiên cứu tài liệu đưa ra hai lời giải thích khác nhau về hiện tượng suy thoái đô thị này. Một giải thích cho rằng vì lý do kỹ thuật hoặc kinh tế, nhà ở không thể được duy trì vô thời hạn. Một giải thích khác giải thích sự xuống cấp là hậu quả của các quá trình thị trường; nhà ở cũ trở nên lỗi thời và được chuyển cho những người có thu nhập thấp hơn, những người không đủ khả năng chi trả cho việc bảo trì tốt (Anderson, 1995).
Từ đó, có thể ngoại suy một số lý do chủ yếu dẫn đến sự suy thoái của nhà tập thể Hà Nội.
Trước hết là sự xuống cấp hạ tầng và thiếu đầu tư. Nhà tập thể Hà Nội được xây dựng từ những năm 1950-1980, với nguồn lực hạn chế và kỹ thuật không tiên tiến. Mặc dù đã phục vụ tốt trong giai đoạn bao cấp, các khu nhà này hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, nước, thoát nước, và không gian công cộng. Nhiều khu nhà tập thể đã không được bảo dưỡng hoặc cải tạo trong nhiều thập kỷ, dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng.
Sự quá tải và thay đổi về mật độ dân cư cũng là một tác nhân không nhỏ. Ban đầu, các căn hộ tập thể được thiết kế cho một số lượng dân cư nhất định, nhưng theo thời gian, việc chuyển nhượng và chia sẻ không gian sống đã khiến các khu nhà này trở nên quá tải. Hệ thống hạ tầng không thể đáp ứng được nhu cầu của số lượng cư dân tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng mất an toàn và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống.
Và không thể không nhắc đến việc thiếu quy hoạch và quản lý đô thị hiện đại. Sự phát triển của Hà Nội sau Đổi mới đã đưa thành phố vào quá trình đô thị hóa nhanh chóng, với sự xuất hiện của nhiều khu chung cư cao tầng và các khu đô thị mới. Tuy nhiên, các khu nhà tập thể cũ lại không được tích hợp vào chiến lược quy hoạch mới, dẫn đến sự mất cân đối về không gian và hạ tầng đô thị. Nhiều khu nhà tập thể cũ bị bỏ quên trong quá trình phát triển, tạo ra các “điểm đen” trong không gian đô thị.
Thay đổi về lối sống và nhu cầu, hay những biến đổi về mặt văn hóa là một lý do khác. Trong thời kỳ bao cấp, nhà tập thể là mô hình nhà ở tiêu biểu, phù hợp với lối sống giản dị và tập trung vào cộng đồng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu về nhà ở hiện đại, tiện nghi đã tăng lên. Điều này khiến những khu nhà tập thể với không gian hạn chế, thiếu tiện ích không còn phù hợp với lối sống hiện đại, và bị coi là không hấp dẫn đối với các cư dân mới.
Nhà tập thể Hà Nội, bởi vậy, chính là minh chứng rõ rệt cho những biểu hiện của suy thoái đô thị. Các khu nhà này từng là biểu tượng của một thời kỳ phát triển xã hội chủ nghĩa, nhưng giờ đây lại trở thành “những di sản đang chết mòn,” với nhiều đặc điểm phản ánh sự suy thoái của không gian đô thị. Từ chỗ là giải pháp nhà ở tiên phong, nhà tập thể dần trở thành những khu vực “bị lãng quên” trong mắt cư dân và các nhà đầu tư.
Muôn dạng tập thể đương đại
Một hậu quả nhẵn tiền khác là sự mất cân bằng về quy hoạch đô thị. Suy thoái đô thị có thể tạo ra sự phân biệt đối xử và khu vực bần hàn (Anderson, 2002). Các khu nhà tập thể thường nằm ở các vị trí trung tâm thành phố, nhưng lại không được tích hợp vào chiến lược phát triển đô thị hiện đại. Điều này tạo ra sự phân chia rõ rệt giữa các khu vực phát triển mới và các khu vực suy thoái, làm tăng thêm sự mất cân đối trong cấu trúc đô thị của Hà Nội.
Nhà tập thể, một mặt tiền đô thị và kế thừa mô hình thành phố theo chủ nghĩa tập thể của Liên Xô, trong sự tương quan và tác động với những mô hình định cư sẵn có ở Hà Nội, đòi hỏi một sự nhượng bộ và thỏa hiệp. Có sự khác biệt giữa lý tưởng và thực tế: Các kế hoạch của giai đoạn dự án nhà tập thể, dù là của thành phố hay các khu phố mới, đều không đề cập đến yếu tố được thừa hưởng; chúng không chỉ ra các khu phố lịch sử mặc dù vẫn có những đường nét đặc trưng, cũng không chỉ ra các công trình hiện hữu lân cận như các ngôi làng.
Tuy nhiên, trường hợp Trung Tự, mặc dù được quy hoạch trên đất nông nghiệp của chính một ngôi làng bị phá hủy để nhường chỗ cho các khối nhà chung cư mới, một lựa chọn không có sự nhượng bộ, nhưng trên thực tế, khu tập thể này đã có một cấu trúc hợp lý nằm trên ngoại biên của những ngôi làng chưa bị ảnh hưởng (Fanchette, 2018).
Nỗ lực trong việc tạo ra những thị dân lý tưởng, có đời sống riêng tư trong một căn hộ chung cư khép kín kiểu phương Tây, đã thất bại và thay vào đó là sự “trở về nông dân,” tạo ra những nông dân đô thị mới, và những làng đô thị mới (“làng trong phố”).
PGS-TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, chủ nhiệm đề tài KC - 11 - 05 “Duy trì và nâng cao tuổi thọ các công trình kiến trúc dân dụng cũ (Kết cấu BTCT và gạch xây) phục vụ cải tạo và phát triển đô thị” năm 1995 sau kết quả khảo sát tình trạng xuống cấp các chung cư lắp ghép ở Hà Nội, đã có nhận định rằng các ngôi nhà lắp ghép tấm lớn có căn hộ độc lập là một trực quan để thay đổi người nông dân thành thị dân. Nhưng tiếc thay, cách quản lý của ta, các công trình đô thị này đã nhanh chóng biến thành những vùng nông thôn mới, hoặc khi đánh giá về công tác bảo trì đã đồng nhất tuổi thọ công trình với tuổi thọ nhiệm kỳ.
Trong bài giảng Sự chuyển hóa của mô hình định cư tại các Khu tập thể Việt Nam tại Workshop quốc tế giữa Đại học Phương Đông, Hà Nội và Đại học Kassel, CHLB Đức năm 2014, PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục đã lấy ví dụ về sự biến đổi mô hình định cư tại các khu tập thể ở Hà Nội. Theo quan điểm này, lối sống gắn liền với phố chợ là bản chất của người dân Việt Nam, vì nó đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày và tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa.
Tuy nhiên, khi lối sống này được áp dụng vào các khu tập thể được xây dựng theo mô hình định cư do Liên Xô hỗ trợ Việt Nam xây dựng từ những năm 1960, đã dẫn đến sự chuyển đổi dần dần của các khu tập thể thành các không gian phố chợ. Những biến đổi này được thể hiện qua sự cơi nới không gian, xuất hiện các khu vực bán hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu của cư dân. Quan trọng hơn cả, sự chuyển hóa của mô hình định cư trong các khu tập thể của Hà Nội cho thấy sức mạnh của văn hóa sống hoàn toàn có thể thay đổi các hình thái kiến trúc.
Hình ảnh tối tăm của một nhà tập thể cũ ở phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Báo Lao Động
Một căn tính nông thôn khác thể hiện qua nhà tập thể, đó chính là tính tùy tiện. Nhất là sau 1986, khi những quy định về chỗ ở và sử dụng đất được nới lỏng, thì việc xây dựng dày đặc và lấn chiếm không gian công cộng là một quán tính. Dân cư đông đúc, người dân cơi nới chỗ ở theo ý mình, cụ thể hóa thành những “chuồng cọp,” trở thành đặc trưng của nhà tập thể. Có đủ mọi biện pháp để tăng mật độ nhà, nào là xây thêm một phòng áp sát vào mặt tiền nhà, xây lấn ra ở những căn hộ tầng 1, làm gác lửng, quây kín một ban công để mở rộng phòng, hay xây chồng lên các gian cơi nới… (Cerise, 2005).
Việc bắt gặp những căn hộ tập thể có diện tích cơi nới từ 70 – 120 m2, nhưng diện tích thực tế trên sổ là chỉ khoảng 15 – 30 m2 là không hề hiếm. Thậm chí, hiện đang có một trào lưu kinh doanh bất động sản là mua lại những căn hộ tập thể cũ, giá rẻ, chưa cải tạo để cơi nới, chỉnh trang và “mông má” lại bán với giá cao hơn. Những căn hộ tập thể Giảng Võ, Thành Công, Láng Hạ, nhờ vị trí thuận lợi… vẫn nhộn nhịp luân chuyển trên các sàn bất động sản với giá thành ngày một phi mã. Các không gian tầng trệt được cải tạo và mở rộng các loại hình dịch vụ thành các cửa hàng, quán ăn, tiệm café. Tính thích đáng của quá trình “chắp vá” được thể hiện rõ, thực chất là giải quyết nhu cầu cấp bách từ quá trình đô thị hóa đang diễn ra và tổ chức lại không gian (Shim, 2005).
Nhà tập thể, với tư cách là một không gian sống từng được mơ ước và hoài niệm, đã trở thành biểu tượng cho một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của xã hội Việt Nam lẫn trong tâm thức của rất nhiều con người Hà Nội. Tuy nhiên, sự xuống cấp và những thay đổi về mặt kiến trúc và chức năng đã phản ánh hiện thực khắc nghiệt của sự phát triển đô thị. Những lựa chọn giữa bảo tồn, cải tạo hay xây dựng mới không chỉ là các quyết định kỹ thuật, mà còn là sự định hình lại mối quan hệ giữa con người với di sản, giữa cái cũ và cái mới.
Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
______________________
Tài liệu tham khảo:
Andersen, H. S. (1995). Explanations of decay and renewal in the housing market: What can Europe learn from American research?.
Netherlands journal of housing and the built environment
,
10
(1), 65-85.
Andersen, H. S. (2002). Excluded places: the interaction between segregation, urban decay and deprived neighbourhoods.
Housing, Theory and Society
, 19(3-4), 153-169.
Cerise, Emmanuel (2005). Quá trình tăng mật độ nhà trong nhà tập thể. In trong Pierre Clement và Nathalie Lancret (chủ biên).
Hà Nội chu kỳ của những đổi thay – Hình thái kiến trúc và đô thị
. Hà Nội: Nxb Khoa học và Kỹ thuật. 309-319.
de Loddis, Christian Pédelahore (2005). Nhà tập thể ở Hà Nội – phả hệ lịch sử và các loại hình trong quá trình biến đổi. In trong Pierre Clement và Nathalie Lancret (chủ biên).
Hà Nội chu kỳ của những đổi thay – Hình thái kiến trúc và đô thị
. Hà Nội: Nxb Khoa học và Kỹ thuật. 295-307.
Fanchette, S. (Ed.). (2018).
Hà Nội, a Metropolis in the Making: The Breakdown in Urban Integration of Villages
. IRD Éditions.
Nguyễn Việt Ninh (2024). Tái thiết các khu tập thể cũ (1954 – 1990) khu vực nội thành Hà Nội.
Tạp chí Kiến trúc
số 1 - 2024. 49-52.
Shim Yong-Hak (2005). Các khu tập thể ở Hà Nội – Hệ thống đô thị pha trộn và tiền đề cho quá trình hiện đại hóa của thủ đô. In trong Pierre Clement và Nathalie Lancret (chủ biên).
Hà Nội chu kỳ của những đổi thay – Hình thái kiến trúc và đô thị
. Hà Nội: Nxb Khoa học và Kỹ thuật. 321-330.
Trần Chủng (1995). Tóm tắt Báo cáo tổng kết đề tài KC - 11 - 05 “Duy trì và nâng cao tuổi thọ các công trình kiến trúc dân dụng cũ (Kết cấu BTCT và gạch xây) phục vụ cải tạo và phát triển đô thị”. Hà Nội: Viện KHKT Xây dựng – Bộ Xây dựng.
Tunbridge, J. E., & Ashworth, G. J. (1996). Dissonant heritage.
The Management of the Past as a Resource in Conflict
,
40
(2), 547-560.
Van Horen, B. (2005). Hanoi.
Cities
,
22
(2), 161-173.