Muốn nâng cao hiệu quả bộ máy phải phân cấp, phân quyền
Chiều 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tái khởi động dự án điện hạt nhân
Trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống.
Đồng thời, Thủ tướng cũng cho biết đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đã ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối. Hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình-Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII.
Thời gian tới, theo Thủ tướng dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. Cùng với đó, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao. Tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng.
Thủ tướng nêu rõ, về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi. “Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện. Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý”- Thủ tướng nói.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đặt câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho biết, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp. Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: việc rà soát sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về chuyên ngành còn chậm. “Đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ ngành, với các địa phương trong thời gian tới”-bà Hoa nói.
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là vấn đề lớn. Đến nay Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 Luật có liên quan, 9 Nghị quyết, bổ sung thay thế 27 Nghị định nhưng vẫn vướng về phân cấp, phân quyền tập trung chủ yếu ở Trung ương và đây là nút thắt lớn.
Về giải pháp, theo Thủ tướng, cần rà soát các quy định pháp luật. Thể chế các quy định của Đảng, rà soát chức năng nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, xem xét lại các Luật: Tổ chức Chính phủ; Tổ chức Quốc hội; Chính quyền dịa phương để tính toán lại phân cấp, phân quyền. Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, tăng cường giám sát kiểm tra.
“Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ quyền lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp để đảm bảo phân cấp, phân quyền có nguồn lực và năng lực thực thi”-Thủ tướng nói.
ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị, Thủ tướng cho biết về điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì? Bên cạnh đó, nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là hết sức cấp bách. “Xin Thủ tướng cho biết rõ giải pháp đề hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025?”-bà Yến.
Trả lời việc cải cách thể chế nếu được chọn, Thủ tướng cho biết sẽ chọn “phân cấp, phân quyền”, ưu tiên cho tăng trưởng. Ưu tiên tăng trưởng thì phải có nguồn lực, vì tăng trưởng “bình bình” như hiện nay 6-7% khó đạt mục tiêu 100 năm. Cho nên ưu tiên tăng trưởng, tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội, hợp tác công tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Về xóa nhà tạm nhà dột, Thủ tướng khẳng định, “đây là chủ trương lớn”. "Sang năm chúng ta thành lập nước được 80 năm, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng nhưng rà soát lại còn hơn 300 nghìn hộ có nhà dột nát, bao gồm hộ có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo. Quyết tâm từ nay đến năm 2025 chúng ta xóa hết nhà tạm, nhà dột nát”-Thủ tướng nói.