Nhất trí bổ sung một đường băng ở sân bay Long Thành, giãn thời gian đến năm 2026
Cơ quan thẩm tra nhất trí với các đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm bổ sung thêm một đường băng và nới thời gian giai đoạn 1 sang cuối năm 2026.
Tán thành bổ sung đường băng, kéo dài thời gian thực hiện giai đoạn 1 sân bay Long Thành sang năm 2026
Chiều nay (12/11), Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2019 như sau: “Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất cuối năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”.
Như vậy, so với hiện tại, Chính phủ đề nghị “nới” tiến độ hoàn thành sang cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025 như hiện nay. Đồng thời, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cũng bổ sung thêm 1 đường cất hạ cánh.
Theo tờ trình của Chính phủ, tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết định Giai đoạn 1 của Dự án chỉ đầu tư “Đường cất hạ cánh số 1” ở khu vực phía Bắc; trường hợp Cảng Hàng không quốc tế Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên “Đường cất hạ cánh số 1”, thì Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Long Thành.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Giai đoạn 1, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng ngay “Đường cất hạ cánh số 3" cách “Đường cất hạ cánh số 1” đang đầu tư 400 m về phía Bắc ngay trong Giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích. Hơn nữa, việc đầu tư ngay “Đường cất hạ cánh số 3" cũng có nhiều thuận lợi như: Phù hợp với Quy hoạch được duyệt; Mặt bằng đã được giải phóng; Nền đường đã được san gạt đến cao độ thiết kế; Tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng; Nguồn vốn 2 đã được chủ đầu tư thu xếp.
Cụ thể, theo quy hoạch, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phục vụ 50 triệu hành khách/năm. Hiện nay đã khai thác trên 41 triệu hành khách/năm. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vận tải hàng không khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận khoảng 71 triệu hành khách/năm. Trường hợp “Đường cất hạ cánh số 1” của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành gặp sự cố thì sẽ phải chuyển các chuyến bay sang Tân Sơn Nhất, khi đó Cảng Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, tàu bay sẽ phải bay chờ trên không, làm phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng tới môi trường.
Vì vậy, việc xây dựng ngay “Đường cất hạ cánh số 3" sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác Giai đoạn 1 của Cảng Long Thành khi “Đường cất hạ cánh số 1" xảy ra sự cố, không phải chuyển sang Cảng Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, việc xây dựng ngay “Đường cất hạ cánh số 3" sẽ không làm gián đoạn khai thác của Cảng Long Thành do đấu nối hạ tầng và ảnh hưởng của bụi đất trong thi công.
Hiện nay, “Đường cất hạ cánh số 3" đã được san gạt đến cao độ thiết kế, chi phí đầu tư hoàn thiện thấp, chỉ khoảng 3.304 tỷ đồng và không vượt tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 3 là 99.019 tỷ đồng nhưng vẫn góp phần tăng năng lực và hiệu quả khai thác của Cảng.
Việc triển khai ngay không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhất trí với các đề nghị điều chỉnh trên của Chính phủ.
Thứ nhất, điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ Giai đoạn 3 sang Giai đoạn 1, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với Giai đoạn 1, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác liên tục của Cảng hàng không khi một đường cất hạ cánh gặp sự cố, nâng cao hiệu quả đầu tư Dự án…
Thứ hai, điều chỉnh thời gian thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án đến hết ngày 31/12/2026 là cần thiết để hoàn thành toàn bộ Giai đoạn 1 của Dự án, bao gồm cả Đường cất hạ cánh số 3 do thời gian dự kiến hoàn thành đường băng này là 24 tháng. Đồng thời, kéo dài thời gian sẽ tạo điều kiện đồng bộ hạ tầng phụ trợ, các tuyến đường kết nối, nhà ga và các công trình hỗ trợ khác một cách hợp lý hơn, đặc biệt là đồng bộ với thời hạn hoàn thành việc đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3, giúp tối ưu hóa hiệu quả vận hành trong dài hạn.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ Dự án; làm rõ trách nhiệm và bài học kinh nghiệm đối với việc tổ chức thực hiện Dự án nói riêng và các dự án quan trọng quốc gia khác nói chung, bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước.
Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người dân bị thu hồi đất
Ngoài điều chỉnh quy mô đầu tư và thời gian thực hiện dự án, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội Cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đến nay, Dự án được triển khai đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu do Quốc hội đặt ra và quy trình triển khai thực hiện Dự án đã được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, được luật hóa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật Đầu tư công. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án thì đề xuất của Chính phủ là phù hợp.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm để có giải pháp ổn định đời sống, chỗ ở, sinh kế, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, người dân trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án, tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung khác theo các Nghị quyết của Quốc hội về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có giải pháp chỉ đạo giải quyết, xử lý những bất cập, hạn chế trong việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để bảo đảm hoàn thành Dự án đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.