Nhà nước 'đầu tư mồi' cho nghiên cứu khoa học công nghệ chiến lược

Nhà nước giữ vai trò 'đầu tư mồi' dẫn dắt, tập trung xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh để phát triển khoa học công nghệ chiến lược.

Đột phá chiến lược từ Nghị quyết 57

Công cuộc phát triển khoa học, công nghệ luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời kỳ đổi mới, đã thể chế hóa thành Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Thế nhưng thực tiễn cho thấy, cơ chế thực thi để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống chưa thực sự hiệu quả, tư duy của hệ thống quản lý chậm đổi mới. Do đó, cho đến nay có thể nhận thấy khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, chưa tương xứng với vai trò “nền tảng, động lực” và “quốc sách hàng đầu” như kỳ vọng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh như vậy, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của đất nước, là đột phá quan trọng hàng đầu với những mục tiêu cụ thể đã được đề ra trong Nghị quyết.

Những năm qua, chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này thường dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước, không năm nào đạt mức yêu cầu Nghị quyết 20 và Luật Khoa học và Công nghệ đề ra (không dưới 2%).

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tổng chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt 0,4% GDP, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (4,8%), Thái Lan (1,3%) hay Singapore (2,2%). Hằng năm, Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ trung bình trên dưới 1% ngân sách, tuy nhiên, phân bổ chủ yếu theo định mức hành chính, thiếu tập trung vào lĩnh vực trọng điểm.

Bên cạnh đó, quy trình xét duyệt và giải ngân kinh phí lại phức tạp; một đề tài cấp nhà nước thường mất từ một đến hai năm để được phê duyệt, trong khi quy trình thanh toán, mua sắm vật tư thiết bị phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Điều này khiến nhiều nhà khoa học chạy đua với thời gian để hoàn thành đề tài, thậm chí phải tự bỏ tiền cá nhân để ứng trước kinh phí.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, ba điểm nghẽn chủ yếu của khoa học và công nghệ Việt Nam là cơ chế tài chính, phương thức đầu tư, chính sách sử dụng cán bộ, trong đó cơ chế tài chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

“Cơ chế tài chính không phù hợp đang cản trở sự phát triển và làm giảm hiệu quả đầu tư cho khoa học, công nghệ, làm nản lòng những người làm khoa học, thậm chí chảy máu chất xám. Nghị quyết 57 ra đời được xem như chìa khóa để gỡ điểm nghẽn này”, Tiến sĩ Nguyễn Quân cho hay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ 18/5

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ 18/5

Chia sẻ tại ngày hội chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5), Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói rằng, Chính phủ xác định rõ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chính là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, và tự chủ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Phó Thủ tướng chỉ ra 8 nhiệm vụ, giải pháp đột phá, như khẩn trương hoàn thiện thể chế và tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Trong đó, phải có chính sách đột phá để thu hút, đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ. Theo Phó Thủ tướng, đây là nguồn lực quý giá nhất. Cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc thuận lợi, trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nhà nước giữ vai trò “đầu tư mồi”

Về nghiên cứu khoa học cơ bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung đầu tư có trọng điểm, làm chủ các công nghệ chiến lược, nền tảng, công nghệ lõi. Nhà nước giữ vai trò "đầu tư mồi", dẫn dắt, tập trung xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng và lợi thế, cũng như các lĩnh vực công nghệ mới có ý nghĩa chiến lược quốc gia như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng mới.

Hỗ trợ phát triển các nền tảng số “Make in Vietnam” mang tính quốc gia, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, một trong những điểm mới của nội dung dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là chính sách đầu tư cho công nghệ, để chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

“Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40 - 50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, việc triển khai các nhiệm vụ được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nha-nuoc-dau-tu-moi-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-chien-luoc-post1200372.vov
Zalo