Nhà nghiên cứu bách niên Nguyễn Đình Tư: Sách là người thầy toàn diện

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư quan niệm việc học là việc làm trọn đời, có thể học ở mọi nơi. Trong khi đó, sách là người thầy toàn diện nhất mà ai cũng có thể học.

Bước sang tuổi 104, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn tranh thủ từng chút thời gian, đều đặn tỉ mẩn ghi chép những tư liệu vô giá dành cho hậu thế về các lĩnh vực như địa danh, địa chí, lịch sử, văn hóa Nam Bộ… Với những đóng góp của mình, ông từng được vinh danh ở Giải thưởng Sách Quốc gia. Nhà nghiên cứu bách niên cũng là một trong 10 đại sứ văn hóa đọc TP.HCM.

Chia sẻ với ZNews -Tri thức, ông kể về con đường học tập nhiều trắc trở thời niên thiếu nhưng đồng thời, bản thân ông chưa bao giờ bỏ cuộc với việc học và nghiên cứu.

Bỏ học rồi đi học, đi học rồi lại phải bỏ học

- Trong tự truyện "Đi qua trăm năm", ông kể từ nhỏ đã nhiều lần phải bỏ học rồi quay lại trường, điều gì khiến ông nghĩ mình phải kiên trì với việc học như vậy?

- Xuất thân ở vùng nông thôn, vì thất học tôi cũng phải đi làm ruộng. Thấy đời sống của người nông dân cực khổ mà không có gì để tiến lên được, tôi mới tự đặt cho mình một nhận thức là cần phải đi học thì mới mở mang được trí tuệ và tiến thân được.

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay bước sang tuổi 104. Ảnh: Thanh Trần.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư năm nay bước sang tuổi 104. Ảnh: Thanh Trần.

Hồi xưa không có học bổng gì cả, phải tự mình lo lấy. Cho nên gia đình nghèo, có những lúc mất mùa không có tiền gửi tiền cơm, tiền học cho nhà trường, đành bỏ học. Bỏ học rồi đi học, đi học rồi lại phải bỏ học vì nhà nghèo quá, đi học xa. Nhưng cuối cùng, tôi vận động gia đình rằng cha mẹ chỉ cần lo cho tương lai của tôi khi còn nhỏ này thôi, về sau tôi sẽ tự lập thân, tự lo cho mình.

Thấy tôi quyết tâm nên gia đình cũng chiều ý, bán những gì có thể bán được, vay mượn những ai có thể vay mượn để tiếp tục cho tôi đi học. Ngày nay tôi được như thế này là nhờ được học vấn chứ không có cách gì khác. Chỉ có tự mình quyết định cuộc đời của mình thôi.

- Những lúc phải ngưng việc học thì ông làm gì?

Lúc đó bỏ học thì tôi cũng đi chăn trâu như những đứa trẻ nhà quê khác, cũng có những lúc bỏ học rồi đi làm gia sư, dạy con cháu nhà người ta kiếm được bữa cơm qua ngày. Tôi hay ngồi trên lưng trâu hát nghêu ngao cho vui, nhưng thấy sao cảnh buồn đến như vậy, thê thảm đến như vậy. Người khác có thể yên phận bỏ sự học của mình mà về thôn quê dạy trẻ em học vỡ lòng, chỉ đủ kiếm cơm qua ngày, nhưng tôi không thể chấp nhận cuộc sống như thế này được.

- Bên cạnh nhận thức riêng của bản thân rằng phải học mới tiến thân được, ai là người có ảnh hưởng đến cuộc đời ông nhiều nhất?

Ngày nay tôi được như thế này là nhờ được học vấn chứ không có cách gì khác. Chỉ có tự mình quyết định cuộc đời của mình thôi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Người ảnh hưởng với tôi nhiều nhất là bố tôi. Ông là một người cha hoàn mỹ, có thể nói như vậy. Từ lúc nhỏ bố tôi có quan niệm phải đi học thì mới tiến thân được, cho nên ông tách khỏi gia đình, đi bộ từ Nghệ An ra tận ngoài Bắc Ninh, đi cả mấy tháng trời mới ra được đến nơi để tìm thầy học. Vì quan niệm của các cụ xưa là cần phải lập gia đình, sinh con đẻ cái nên ông phải đi như vậy. Thì tôi thấy cái gương đó.

Bố tôi cũng là một người rất nhân đạo, lúc nào cũng khuyên con cháu phải nghĩ tới việc làm từ thiện chứ không nên nghĩ cái việc làm giàu, giàu mà không từ thiện thì không được. Vì vậy ông đã từ chối nhiều chức quyền mà người Pháp giao cho. Sau này tôi chịu ảnh hưởng của bố tôi nên trong cuộc đời của mình, tôi thà chịu cực khổ cái thân của mình chứ không dám làm điều gì gian ác. Có những lúc ra ngồi sửa xe đạp ngoài đường để kiếm sống như vậy, chứ không dám nghĩ đến một hành động gì gian trá, có thể là có lợi nhưng thất đức thì không làm.

- Sau này ông tiếp tục việc tự học, mà như ông nói là học trọn đời, như thế nào?

Sau khi thi được bằng Cao đẳng tiểu học, ngang với bằng trung học phổ thông bây giờ, và tham gia kháng chiến chống Pháp 9 năm thì hoàn cảnh xui đẩy tôi phải di cư vào Nam với hai bàn tay trắng.

Đi vào Nam tôi vẫn giữ ý chí của mình từ xưa, nghĩa là phải tìm một công việc có thể đem lại lợi ích cho quốc gia chứ không chỉ kiếm cơm ăn qua ngày như là cây cỏ được. Cho nên tôi tự học, sau thi đậu được cái bằng ở trong này gọi là bằng tú tài phần thứ nhất, tương đương với bằng trung học phổ thông bây giờ.

 Ông Nguyễn Đình Tư gọi nét chữ của mình là "chữ con kiến" do thói quen tiết kiệm giấy từ xưa. Ảnh: Thanh Trần.

Ông Nguyễn Đình Tư gọi nét chữ của mình là "chữ con kiến" do thói quen tiết kiệm giấy từ xưa. Ảnh: Thanh Trần.

Thế rồi sau khi vào Sài Gòn, tôi đi làm công chức để có lương nuôi gia đình, nhưng vẫn tự học để thi theo dạng thí sinh tự do và đậu thêm bằng tú tài phần thứ hai. Hồi đó thì phải có hai bằng tú tài mới được gọi là toàn phần.

Còn ở cái tuổi này tôi vẫn cứ tìm hiểu và tự học. Quan niệm học của tôi là không nhất thiết phải đến trường mới được gọi là học. Tôi quan niệm sách là thầy giáo hoàn mỹ nhất, đầy đủ nhất, toàn diện nhất. Không có thầy giáo nào bằng sách cả.

Hơn 80 năm viết sách để lại cho hậu thế

- Về đọc sách thì ông thường đọc và học từ những cuốn sách gì?

Dù thời nào thì sở thích đọc sách của tôi vẫn là môn sử. Đọc sách lịch sử tôi mới thấy yêu quê hương, thấy tôn trọng các bậc tiền bối của mình. Đất nước của mình nhìn trên bản đồ thế giới chỉ như một cái chấm. Thế mà trong suốt cuộc hành trình của dân tộc, chúng ta đã thắng được tất cả, cả kẻ thù lớn mạnh gấp bội chúng ta. Cho nên tôi thấy tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường, tự chủ của dân ta rất mạnh mà không một sức mạnh nào có thể đàn áp được. Nghĩ như vậy nên tôi rất yêu quý đất nước mình. Do đó nghiên cứu lịch sử thì tôi không bao giờ chán.

- Những đề tài nghiên cứu, viết sách của ông thường xuất phát từ đâu và được thực hiện như thế nào?

Sau này tất cả sách mà tôi viết đều là tự tôi tìm đề tài. Tôi thấy nhu cầu cần phải có cuốn sách như vậy thì tôi viết chứ không có ai đặt hàng cả. Và tôi cũng đơn thương độc mã tự đi tìm tài liệu, hỏi người nọ người kia để có tài liệu mà viết. Sau khi viết thì tôi gửi về nhà xuất bản, nhà xuất bản đánh giá quyển sách có ích cho xã hội nên họ nhận in.

Ngày trước tôi chỉ có chiếc xe đạp nhỏ nhỏ đi khắp các con đường ở trong nội thành TP.HCM, tức là đến mười mấy quận. Ví dụ, để viết cuốn Đường phố Nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, không có con đường nào là tôi không đi tới. Tôi đi và ghi chép các con đường đó dài như thế nào, nằm ở phường nào, ở phần nào, rộng bao nhiêu... Đi cả mấy tháng trời như vậy, chỉ ăn cơm nhà rồi đi thôi chứ không có trợ cấp gì.

- Đi nhiều như vậy mà lương bổng không có, gia đình ông có ủng hộ công việc nghiên cứu của ông không?

Có chứ. Khi vợ tôi lấy tôi cũng vì thích tôi là người ham học, chứ cũng không phải thích vì giàu có gì cả. Lúc đó tôi nghèo lắm. Nhưng biết bao nhiêu nhà giàu lại ngỏ lời mà vợ tôi không nhận lời ai hết.

- Bước qua tuổi 104, ông có dự định gì cho công việc nghiên cứu, viết sách của mình?

Tôi vẫn tiếp tục viết sách, còn cả chục tác phẩm nữa, chỉ cầu cho được khỏe mạnh để mà viết tiếp. Những công trình đó không phải cao siêu gì, chủ yếu là thấy có lợi ích cho hậu thế thì làm.

 Ở tuổi 104, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dành khoảng 10 tiếng mỗi ngày để làm việc tại nhà riêng. Ảnh: Thanh Trần.

Ở tuổi 104, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dành khoảng 10 tiếng mỗi ngày để làm việc tại nhà riêng. Ảnh: Thanh Trần.

Làm cũng công phu lắm, phải đi mò từng tài liệu nằm ở sách này sách nọ, như con chim đi lượm mồi như vậy góp lại mới thành quyển sách, mất rất nhiều thì giờ. Có rất nhiều người thông thái nhưng không phải ai cũng có thì giờ để làm những việc kiến tha mồi kiểu như vậy. Cho nên tôi nghĩ rằng cần phải làm để lại hậu thế. Khi cần tra cứu vấn đề gì thì họ có sẵn cuốn sách, khỏi phải đi tìm nơi đâu mất thời gian.

- Hiện tại, mỗi ngày ông làm việc như thế nào? Công việc sử dụng máy tính của ông có gặp vấn đề gì không?

Kể cả buổi sáng, buổi chiều, buổi tối thì mỗi ngày tôi làm việc khoảng 10 tiếng đồng hồ. Hồi trước viết tay nhưng sau này các cháu chỉ tôi dùng máy tính. Máy tính thì muôn hình vạn trạng, linh tinh quá, tôi chỉ biết đánh thành chữ, thành tác phẩm như vậy, tất cả phải tự lực hết.

Nhiều khi quên, bấm sai tự nhiên bị xóa mất thì phải viết lại từ đầu, uổng quá uổng. Nhưng tôi xác định vẫn phải kiên trì làm, không được bỏ cuộc. Khi nào tôi nhắm mắt xuôi tay thì lúc đó tôi mới bỏ cuộc chứ nếu còn sống, còn hoạt động được thì không bao giờ bỏ cuộc.

- Là người đã đi qua trăm năm, có điều gì ông muốn nhắn nhủ với những thế hệ trẻ sau này không?

Đừng quan niệm là phải đến trường mới gọi là học, ở nhà cũng học được, đi đâu cũng học được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Tôi coi những người trẻ cũng như con cháu của tôi. Vì tôi là người đi trước đã rút được nhiều kinh nghiệm của cuộc đời, cho nên có thể gửi lại cho các cháu mấy điều.

Cuộc đời của chúng ta ở trên thế gian này nhiều lắm chỉ được hơn 100 năm thôi, so với thời gian của vũ trụ thì ngắn ngủi lắm, không đáng gì. Vậy thì mình dành thời gian được sống này làm lợi ích cho mọi người, không nên nghĩ tới cái lợi riêng của mình mà làm hại người khác. Thà là chịu khổ, chịu cực, chịu vất vả nhưng thánh thiện thì vẫn tốt hơn, tối nằm ngủ vẫn có giấc ngủ ngon, không cần phải suy nghĩ, phải tính toán gì cả, sau khi mình nhắm mắt rồi vẫn có người nhớ đến.

Trong tuổi trẻ thì cần phải học. Ai có điều kiện đến trường thì phải cố gắng học. Ai không có điều kiện đến trường thì tìm cách, báo chí, sách vở, mượn của người khác hoặc đến thư viện tìm đọc. Vì đọc sách tức là mở mang được trí tuệ giúp cho mình hiểu được chân thiện mỹ là thế nào, áp bức thế nào, nên phải học.

Đừng quan niệm là phải đến trường mới gọi là học, ở nhà cũng học được, đi đâu cũng học được. Nếu mình cố gắng tìm hiểu tri thức thì đó là mình học.

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://znews.vn/tam-su-chuyen-hoc-cua-nha-nghien-cuu-104-tuoi-nguyen-dinh-tu-post1459608.html
Zalo