Nhà khoa học kể chuyện cắm sổ đỏ đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm qua vùng đệm

'Rất nhiều nhà khoa học phải hy sinh. Cá nhân tôi phải mang sổ đỏ đi cắm để thực hiện đam mê của mình, cố gắng đưa kết quả nghiên cứu từ trong phòng thí nghiệm đi qua 'vùng đệm', tạo sản phẩm thương mại'.

Đó là câu chuyện được GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ tại cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu trí thức, nhà khoa học sáng 30/12.

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng hoa và biểu trưng cho Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phạm Hải

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng hoa và biểu trưng cho Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phạm Hải

Tốn 50% công sức để làm những việc không liên quan đến khoa học

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho rằng để khơi thông nội lực khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo quốc gia, nên tính đến đặc thù của hoạt động nghiên cứu KHCN, đặc thù của những người làm KHCN.

Theo bà Hà, các nhà khoa học mong muốn có những chính sách tạo động lực để tạo đam mê, cống hiến hết mình.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi cũng gặp những ma trận, khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các nhà quản lý KHCN hãy thật sự đồng hành và tháo gỡ bằng những biện pháp khả thi”, bà Hà nhấn mạnh và nêu thực tế, có rất nhiều nhà khoa học đã dành nhiều năng lượng, công sức để làm những việc không phải là khoa học.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

Bà cho rằng, đối với một số lĩnh vực khoa học phù hợp, cần mạnh dạn thực hiện cơ chế quỹ và áp dụng hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt thủ tục trung gian, hướng đến mục tiêu 100% năng lượng và năng lực của nhà khoa học được dành cho hoạt động chuyên môn.

Thực tế khi nhận nhiệm vụ, các nhà khoa học tốn 50% để làm những công việc không liên quan gì đến khoa học nhưng không làm thì không thực hiện được nhiệm vụ.

Vì vậy, bà gợi mở cơ chế đột phá khi đặt hàng, ra đầu bài với các nhà khoa học kèm theo kinh phí để đấu thầu ai trúng thì làm để giảm 5-7 cuộc họp cò kè với nhau từng đồng một. Việc này cũng không vi phạm quy định mà còn giải phóng nhiều năng lượng cho người làm khoa học.

Phải có cơ chế hỗ trợ nhà khoa học, trí thức; không để nhà khoa học phải cắm sổ đỏ của gia đình để phục vụ đam mê khoa học. Tổng Bí thư Tô Lâm

Ngoài ra, bà đề nghị sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho “vùng đệm”. Hiện nay, muốn đưa nghiên cứu KHCN tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, sản phẩm thương mại hóa thì phải đi qua "vùng đệm" hoàn thiện công nghệ, sản phẩm.

“Vùng đệm này tốn rất nhiều chi phí. Rất nhiều người phải hy sinh và cá nhân tôi phải mang sổ đỏ đi cắm để thực hiện đam mê của mình, cố gắng đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đi qua vùng đệm tạo sản phẩm thương mại, đóng góp cho đất nước”, bà Hà dẫn chứng và mong rằng nhà quản lý KHCN đồng hành với nhà khoa học đi qua vùng đệm này.

Tháo gỡ các điểm nghẽn quan trọng nhất trong phát triển KHCN

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) mong có cơ chế tạo cho trí thức, nhà khoa học dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động hơn nữa.

Dẫn lời nhà bác học Archimedes “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”, ông Dũng mong muốn Đảng, Nhà nước là điểm tựa vững chắc của trí thức, nhà khoa học.

“Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là việc hệ trọng cần quyết tâm chính trị cao như một cuộc cách mạng. Trong quá trình sắp xếp đó, VUSTA xin đảm nhận việc không nên giữ lại chức năng ở nhà nước như hiện nay mà nên xã hội hóa, đặc biệt là các dịch vụ công”, ông Dũng nói.

Để làm việc đó, VUSTA xin được mở rộng chức năng, tiếp nhận và đoàn kết rộng rãi hơn nữa đội ngũ trí thức để thực hiện thêm các chức năng mà Đảng, nhà nước giao phó, giao thêm.

Ông Dũng cũng mong Đảng, Nhà nước hãy tin tưởng, giao trách nhiệm quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam, trí thức Việt Nam thực hiện các công trình lớn mang tầm thế kỷ như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay Long Thành…

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Ảnh: Phạm Hải

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Ảnh: Phạm Hải

Theo ông Dũng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) là nghị quyết đặc biệt quan trọng của Đảng ta, dân tộc ta với cách làm khác biệt.

“Với cách làm quyết liệt, trách nhiệm, dám đương đầu của Tổng Bí thư, tôi hoàn toàn tin tưởng kết quả thực hiện Nghị quyết 57 sẽ thắng lợi, đưa nước ta vươn mình và đạt được đỉnh cao mới”, ông Dũng nói.

Nghiên cứu, tập trung sớm triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” như một nguồn cảm hứng, một động năng mới, một miền đất mới, bầu trời mới cho sáng tạo của giới trí thức, nhà khoa học. Tổng Bí thư Tô Lâm

Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động số cũng kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn quan trọng nhất trong phát triển KHCN đã đặt ra nhiều năm nhưng đến nay chưa giải quyết.

Ông mong muốn tái thành lập quỹ phát triển KHCN ở các bộ, ngành, địa phương và bày tỏ rất mừng Nghị quyết 57 nêu rõ việc dành 3% tổng chi ngân sách nhà nước cho phát triển KHCN, trong đó dành một phần nhất định cho các đề tài, dự án KHCN của đất nước.

Theo nguyên Bộ trưởng KH&CN, kinh phí này đầu năm tài chính nên phân bổ trực tiếp cho các quỹ phát triển KHCN, khi đó bất kể nhiệm vụ nào được đặt hàng đều được cấp kinh phí.

Ông Quân cũng nêu thực tế hiện nay các nhà khoa học đang đối diện vấn đề, rất nhiều đề tài nghiệm thu xuất sắc lại bỏ ngăn kéo, không ứng dụng vào thực tiễn. Có 2 vướng mắc rất lớn chưa giải quyết. Một là, quyền sở hữu kết quả nghiên cứu đề tài từ ngân sách nhà nước. Thứ 2 là, định giá kết quả nghiên cứu để chuyển giao cho doanh nghiệp.

Vì vậy, ông mong sau Nghị quyết 57 sửa các luật liên quan giao quyền tự chủ cao nhất cho nhà khoa học được quyền sở hữu đề tài nghiên cứu, được quyền định giá trong quá trình chuyển giao công nghệ và Nhà nước thu hồi đầu tư qua thuế của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông cho rằng các dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điện hạt nhân, vi mạch bán dẫn hiện nay có hàm lượng KHCN rất cao, cần áp dụng mô hình "tổng công trình sư" để tập hợp những người giỏi nhất trong nước và nước ngoài cùng làm.

Lắng nghe ý kiến của các trí thức, nhà khoa học, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Chỉ có KHCN, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới.

Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học. Đặc biệt chú trọng việc tôn vinh trí thức, coi trọng hiền tài; có các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Thu Hằng

Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-khoa-hoc-ke-chuyen-cam-so-do-dua-nghien-cuu-tu-phong-thi-nghiem-qua-vung-dem-2358144.html
Zalo