Nhân rộng mô hình sản xuất giảm nghèo hiệu quả
Những năm gần đây, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã tạo sự đổi thay tích cực trong đời sống người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn và vùng biên giới huyện Điện Biên. Các mô hình sản xuất hiệu quả đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thu nhập và mang lại cơ hội giảm nghèo bền vững.
Một trong những mô hình sản xuất hiệu quả rõ nét là trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mường Nhà do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên triển khai năm 2019. Mô hình không chỉ chú trọng việc sử dụng phân bón hợp lý mà còn áp dụng các chế phẩm sinh học để quản lý dịch hại, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất. Tỏi Mường Nhà được sản xuất theo hướng VietGAP có chất lượng cao, dễ tiêu thụ và giá bán cao hơn so với tỏi trồng theo phương pháp truyền thống.
Từ kết quả khả quan của mô hình ban đầu, nhiều hộ dân xã Mường Nhà đã mở rộng diện tích trồng tỏi. Đến nay diện tích trồng tỏi của xã đạt gần 40ha, năng suất bình quân từ 3,5 - 4 tạ/1.000m2, cao hơn 20% so với phương pháp trồng truyền thống.
Gia đình ông Lò Văn Vĩnh, ở bản Na Phay, xã Mường Nhà trồng 1.000m2 tỏi, sản lượng đạt 4 tạ. Với giá bán trung bình từ 50 - 60 nghìn đồng/kg mang lại thu nhập cho gia đình ông hơn 20 triệu đồng, một con số đáng mơ ước nếu so với trồng lúa nước.
Cùng với cây trồng, huyện Điện Biên chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi. Một trong những mô hình thành công gần đây là chăn nuôi hươu lấy nhung và hươu sao sinh sản tại các xã Noong Luống và Pom Lót.
Mô hình nuôi hươu được triển khai năm 2021 từ nguồn vốn các chương trình MTQG thu hút sự tham gia của 18 hộ dân tại 4 bản: Huổi Phúc, Liếng, Lún (xã Noong Luống) và Na Hai (xã Pom Lót). Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 1 cặp hươu trị giá hơn 40 triệu đồng. Với giá bán hiện tại khoảng 1,5 triệu đồng/lạng, một cặp nhung hươu có thể mang lại từ 4,5 - 7 triệu đồng, tùy thuộc trọng lượng và chất lượng nhung.
Gia đình ông Nguyễn Đình Kiên, ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên đã thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng lợi nhuận mang lại không cao. Năm 2017, ông Kiên quyết định đầu tư 100 triệu đồng nuôi hươu sao với 4 cặp hươu giống. Đến năm 2021, gia đình ông được huyện hỗ trợ thêm 100 triệu đồng từ vốn các chương trình MTQG để phát triển chăn nuôi. Đến nay, đàn hươu sao của gia đình ông đã phát triển với tổng số gần 40 con. Với giá bán nhung hươu thô từ 15 - 17 triệu đồng/kg và hươu giống hơn 30 triệu đồng/cặp, mô hình nuôi hươu mỗi năm mang lại cho gia đình ông Kiên thu nhập trên 200 triệu đồng.
Xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất không chỉ tạo điều kiện giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. Trong những năm qua, huyện Điện Biên đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn và UBND các xã triển khai thực hiện mô hình sản xuất hiệu quả.
Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Điện Biên được phân bổ nguồn vốn hơn 33 tỷ đồng, trong đó hơn 17 tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2023 sang năm 2024. Từ nguồn vốn này, nhiều dự án sản xuất đã được triển khai thành công, như: Dự án trồng cây sa nhân tím tại các xã: Pa Thơm, Na Ư, Mường Pồn; dự án hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho người dân (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); dự án nuôi vịt bầu tại xã Thanh Chăn; dự án trồng cam lòng vàng tại xã Mường Nhà; dự án nuôi gà an toàn sinh học. Những mô hình này không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho vùng nông thôn.
Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Điện Biên với các mô hình sản xuất đổi mới đang mở ra cơ hội phát triển đầy triển vọng cho người dân. Đây là minh chứng sống động cho thấy, khi các chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai đúng đắn, kết hợp với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của cộng đồng, những thay đổi tích cực sẽ đến. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 6,5% (năm 2020 hơn 10%) và hộ cận nghèo còn 9,52% năm 2024.
Để phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, cần đặc biệt chú trọng khuyến khích, duy trì tinh thần tự chủ phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững của người dân. Đồng thời chuyển dần từ hỗ trợ hoàn toàn sang hỗ trợ một phần, yêu cầu người dân tham gia đóng góp nguồn lực, công sức thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm, quyết tâm giảm nghèo. Khuyến khích người dân và cộng đồng phát huy sáng kiến phù hợp với đặc thù địa phương, bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác giảm nghèo.