'Nhà-hầm D67' và những quyết định lịch sử
Nằm trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) có ngôi nhà và căn hầm nổi danh - 'Nhà-hầm D67', nơi diễn ra các hội nghị đặc biệt quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cũng là nơi ra đời những quyết định lịch sử, mang tính bước ngoặt, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta nhanh chóng đến ngày toàn thắng.
Đến thăm “Nhà-hầm D67” vào một buổi sáng tháng Tư ngập tràn nắng, lẫn vào đoàn du khách nước ngoài, tôi được nghe giới thiệu: Trước mức độ đánh phá ngày càng ác liệt của không quân Mỹ ra Thủ đô Hà Nội, để bảo đảm an toàn nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh, năm 1967, cấp trên quyết định xây dựng một ngôi nhà nằm trong khuôn viên Thành cổ Hà Nội, gọi tắt là nhà D67. Ngôi nhà lịch sử này là nơi diễn ra các hội nghị, cuộc họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, cũng là nơi làm việc thường xuyên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong khu nhà D67 còn thiết kế thêm căn hầm phục vụ các cuộc họp quan trọng của Quân ủy Trung ương nên mọi người quen gọi đây là khu “Nhà-hầm D67”.

Các du khách nước ngoài bày tỏ sự ngạc nhiên trước vẻ giản dị, đơn sơ của căn phòng họp trong ngôi nhà D67.
Thoạt nhìn, nhà D67 trông không có gì nổi bật bởi thiết kế thấp, đơn giản. Tuy nhiên, ít người biết rằng ngôi nhà được xây bởi những bức tường dày tới 0,6m, có hệ thống cửa thép đặc và hệ thống hầm ngầm thiết kế khoa học, kín đáo. Tường có khả năng cách âm, cửa có hai lớp, lớp ngoài bằng thép tấm dày 1cm. Trên mái có lớp cát, ngăn cản được mảnh rốc két và mảnh bom thường. Chính vì vậy, nơi đây trở thành “pháo đài” bí mật kiên cố, bảo vệ an toàn bộ não chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và còn sử dụng mãi sau này.
Ngay giữa nhà D67 là phòng họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Trên bức tường căn phòng treo rất nhiều tấm bản đồ hình thái tác chiến của những năm “nước sôi lửa bỏng”, giai đoạn 1968-1975. Giữa căn phòng là chiếc bàn dài bằng gỗ, trên bàn xếp ngay ngắn biển tên, chức danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Đây chính là nơi ban hành nhiều quyết sách, chỉ thị và mệnh lệnh quan trọng, đúng đắn, kịp thời, góp phần đẩy nhanh kế hoạch giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn. Điển hình như cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 25-3-1975 đã thống nhất quyết định tận dụng thời cơ, đẩy nhanh tốc độ cuộc chiến nhằm giải phóng toàn bộ miền Nam trước thời hạn dự định với quyết tâm “một ngày bằng hai mươi năm”. Tiếp đó là cuộc họp Bộ Chính trị sáng 31-3, là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất xây dựng kế hoạch tác chiến, nội dung chủ yếu là sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch, đánh một trận là thắng, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Nằm cạnh bên là phòng làm việc riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Căn phòng đơn sơ, với những vật dụng, trang bị giản dị, là nơi vị Tổng Tư lệnh ngày 7-4-1975 đã ký ban hành bức điện khẩn gửi đến toàn mặt trận với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện được truyền đi khắp các mặt trận toàn miền Nam như một lời hiệu triệu, mang sức mạnh cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta.
Đi cùng những du khách quốc tế, tôi nghe thấy những tiếng xuýt xoa, bày tỏ sự ngạc nhiên, khâm phục khi ngắm nhìn những vật dụng phục vụ hội họp, sinh hoạt, làm việc đơn sơ, giản dị mà các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội từng sử dụng. Sự ngạc nhiên, trầm trồ thán phục ấy như một lời khẳng định: Chính sự giản dị, đơn sơ cũng là một sức mạnh vĩ đại, góp phần trực tiếp tạo nên thắng lợi lịch sử 30-4-1975, đưa non sông thu về một mối.