Nhà giáo là ngành đặc thù, thực hành sư phạm cực kỳ quan trọng

Đại biểu Đỗ Huy Khánh xin được bảo lưu quan điểm thực hành sư phạm vì nhà giáo là ngành đặc thù, thực hành sư phạm cực kỳ quan trọng.

Sáng 6/5, tham gia thảo luận về Luật Nhà giáo, Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Quốc hội cần làm rõ về chế độ tập sự đối với các nhà giáo, đối tượng thuộc nhà giáo thuộc diện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài có cần phải thực hiện chế độ tập sự, thử việc theo quy định hay không?

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng cho rằng, cần xác định rõ người định cư ở nước ngoài và người nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, khoa học Việt Nam thì do cơ sở giáo dục đại học nào được phong tặng hay chỉ đối với cơ sở giáo dục đại học mà đối tượng đó có nhiều đóng góp thì mới được phong tặng Tiến sĩ, Giáo sưu danh dự?

Về quản lý nhà nước về giáo dục, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị bổ sung quy định riêng về trách nhiệm quản lý nhà giáo đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Theo đại biểu đoàn Vĩnh Phúc, trong dự thảo có nhiều điều khoản sử dụng cụm từ “cán bộ”, do đó cần xem xét bỏ cụm từ này để phù hợp Luật viên chức, vì người quản lý giáo dục không thuộc đối tượng là cán bộ theo Luật Cán bộ công chức.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh bày tỏ trăn trở đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa.

Tham gia tranh luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cương quyết bảo lưu quan điểm giữ quy định thực hành sư phạm khi trước đó có một số đại biểu đề cập đến việc tuyển dụng nhà giáo cần bỏ thực hành sư phạm vì các sinh viên ra trường đã được kiến tập, thực hành sư phạm ở trường đại học.

“Là nhà quản lý giáo dục và trưởng thành từ giáo viên, tôi xin được bảo lưu quan điểm thực hành sư phạm”, đại biểu Đỗ Huy Khánh nói và dẫn câu ngạn ngữ “Lý thuyết chỉ là màu xám, cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Theo đại biểu đoàn tỉnh Đồng Nai, nhà giáo là ngành đặc thù, thực hành sư phạm cực kỳ quan trọng. Thực tế, có những thầy cô khi đứng trên bục giảng lại không giảng dạy được gì vì còn yếu tâm lý, kiến thức và kinh nghiệm.

“Điều 16 Luật nhà giáo đã quy định rất rõ, không chỉ thi lý thuyết và thực hành mà còn phải tập sự 6 tháng. Trước đó là 9 tháng, thậm chí 12 tháng. Ngoài ra, trong thời gian tập sự còn có một giáo viên đủ uy tín, kinh nghiệm và trách nhiệm để kèm theo hướng dẫn…Từ đó rèn giũa từng bước lên lớp, soạn giáo án”, đại biểu Đỗ Huy Khánh tâm tư và khẳng định chúng ta đang đào tạo những con người sẽ là những thầy cô nên phải chuẩn chỉnh, đầy đủ kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ sư phạm.

Giữa nghị trường Quốc hội, đại biểu Đỗ Huy Khánh bày tỏ sự trăn trở nhiều năm của mình đối với các thầy, cô cắm bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo vị đại biểu này, trăn trở lớn nhất là quy định về điều động, thuyên chuyển giáo viên tại các cơ sở giáo dục và do cơ quan nào quyết định?

“Điều 19 nêu rất rõ quy định về việc điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, Điều 21 lại yêu cầu những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn sau 5 năm được thuyên chuyển nhưng ở đoạn cuối lại cần có sự tiếp nhận, đồng ý của cơ sở giáo dục. Nếu làm như thế thì các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa muôn đời không bao giờ về được dưới xuôi”, đại biểu Đỗ Huy Khánh nói và nhấn mạnh, khi đã giao quyền cho cơ sở quản lý thì việc điều động, bổ nhiệm, thuyên chuyển từ vị trí nay sang vị trí kia, chỗ nào cần, chỗ nào thiếu trong cùng một tỉnh là rất phù hợp, như vậy sẽ bảo vệ cho thầy cô yếu thế, cắm bản mấy chục năm cũng sẽ được về với gia đình chứ không phải cắm bản suốt đời.

"Mong muốn Quốc hội chia sẻ nỗi trăn trở này, nên giao cho cơ quan quản lý giáo dục điều chuyển giáo viên luôn chứ không cần sự nhất trí của cơ sở giáo dục nữa", đại biểu Đỗ Huy Khánh tái nói khi kết thúc phần tranh luận.

Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nha-giao-la-nganh-dac-thu-thuc-hanh-su-pham-cuc-ky-quan-trong-2102581.html
Zalo