Hà Nội thu hẹp chênh lệch giáo dục nội - ngoại thành với lối đi riêng
Hơn 1.200 cơ sở giáo dục Hà Nội đã giao ước liên kết, hơn 2.000 hoạt động chuyên môn, gần 150.000 lượt giáo viên chia sẻ, học tập thông qua phong trào nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm.

Lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm"
Sau 3 năm thực hiện phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” từ năm 2022 đến 2025, giáo dục Hà Nội đã ghi nhận nhiều kết quả thấy rõ trong việc nâng cao chất lượng, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các đơn vị nội, ngoại thành.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì cho biết, cách đây không lâu, khi nhắc tới việc triển khai dạy một chuyên đề để đồng nghiệp trong huyện dự giờ Trường Tiểu học Khánh Thượng, không ít thầy cô e ngại, thiếu tự tin; còn học sinh thì nhút nhát, rụt rè.
"Đến với Khánh Thượng hôm nay, chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi về chất lượng dạy học, sự tự tin của các em học sinh. Năm học 2024-2025, nhà trường có giáo viên đạt giải Ba trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố; có những em học sinh rất nhỏ nhưng tự tin diễn thuyết trên sân khấu trước hàng nghìn khán giả, vượt qua gần 1.000 bạn để đạt giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh năm 2025 huyện Ba Vì.
100% học sinh Ba Vì có các hoạt động giao lưu kết nghĩa, trao đổi phương pháp học tập với các bạn ở những trường có điều kiện học tập tốt hơn. Những tiết dạy, những hoạt động và cả những món quà của các thầy cô giáo, các bạn ở những nơi thuận lợi hơn đã góp phần vơi đi những khó khăn, vất vả của các em học sinh"- ông Phùng Ngọc Oanh cho biết.
Ba năm triển khai cho thấy, phong trào không chỉ giúp kết nối giữa ngành Giáo dục các quận, huyện, thị xã và các nhà trường, mà còn là giải pháp mới nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi nhà giáo, từng trường học cùng thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo Thủ đô.
Phong trào đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của các đơn vị, trường học, trong đó hơn 1.200 cơ sở giáo dục đã ký kết giao ước liên kết; hơn 2.000 hoạt động chuyên môn, hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức; gần 150.000 lượt giáo viên tham gia chia sẻ và học tập lẫn nhau. Các thầy, cô giáo đều có chung nhận định, phong trào không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học, mà còn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần sẻ chia, đoàn kết trong đội ngũ nhà giáo toàn ngành.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu toàn ngành đổi mới, nâng tầm phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”
Ghi nhận những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục toàn ngành, nhất là ở địa bàn khó khăn trong suốt ba năm qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, đây là thời điểm để toàn ngành khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới, cam kết hành động, nâng tầm phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”.
Sở cũng đề nghị các nhà trường tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu giữa giáo viên, học sinh của các trường khu vực nội thành và ngoại thành; lồng ghép phong trào vào các các chương trình, hoạt động lớn của ngành, nhân rộng các mô hình đỡ đầu học sinh khó khăn, tổ chức lớp học miễn phí, hỗ trợ thiết bị, học bổng và phương tiện học tập cho học sinh...