Nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng vượt khó theo đuổi đam mê sáng tạo

Khó có thể hình dung cách thức một nhà điêu khắc hoàn thiện tác phẩm chỉ với 1 tay. Vậy mà, bằng đam mê với những mảng khối, nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai đã vượt qua khó khăn để đạt được những thành công bước đầu trong hành trình sáng tạo.

Tốt nghiệp Khoa Điêu khắc (Trường Đại học Nghệ thuật Huế) năm 2009, chàng trai Triệu Tiến Dũng (quê Thanh Hóa) chọn Gia Lai làm nơi lập nghiệp. Trở thành giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) vài tháng, anh gặp tai nạn trên một đoạn đường khó. Sau đó, anh mất 2 năm để chấp nhận sự thật là mình đã bị liệt cánh tay trái.

Nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng (bìa phải) và nhà điêu khắc Nguyễn Vinh bên tác phẩm “Hạnh phúc” (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng (bìa phải) và nhà điêu khắc Nguyễn Vinh bên tác phẩm “Hạnh phúc” (ảnh nhân vật cung cấp).

Trong nỗi hụt hẫng và nặng nề về tâm lý, anh Dũng dần nhận ra mình may mắn vì vẫn còn tay phải để tiếp tục đi dạy và làm việc. Tuy vậy, do tự ti nên anh ngừng theo đuổi điêu khắc nghệ thuật, chủ yếu nhận làm tượng trang trí sân vườn, quán cà phê trong vùng để có thêm thu nhập. Sau khi em trai mất do bị suy thận, anh càng nhận ra con đường mình phải đi là gì. Anh bày tỏ: “Em tôi điều trị suốt 4 năm, phải chạy thận 3 lần/tuần nhưng vẫn ham sống. Vậy thì, liệt 1 tay như tôi đã là gì? Tôi vẫn được sống và làm việc kia mà”.

Những lời động viên của họa sĩ Nguyễn Văn Điền đã tiếp thêm cho anh động lực. Họa sĩ Nguyễn Văn Điền cho hay: Nhân một chuyến vào Chư Prông chơi, ông ghé thăm nhà Dũng và không khỏi cảm kích trước tinh thần vượt khó của anh.

“Chỉ 1 tay mà Dũng làm tượng rất đẹp, không gian vườn nhà vừa tĩnh lặng vừa nghệ thuật nhờ các bức tượng trang trí. Tôi liền kết nối Dũng với anh em trong chuyên ngành Điêu khắc của Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh). Tôi nói với Dũng rằng, bằng mọi cách phải làm, phải chăm chút cho nghệ thuật điêu khắc, đừng tự ti. Càng động viên thì Dũng càng cố gắng. Kể từ đó, Dũng bắt đầu có tác phẩm tham gia các triển lãm”-họa sĩ Nguyễn Văn Điền kể.

Hơn 10 năm sau khi ra trường, nhà điêu khắc trẻ Triệu Tiến Dũng mới có cơ hội trở về với đam mê đích thực của mình. Nếu làm theo kiểu thủ công như trước kia thì rất khó, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc như máy đục, máy cưa, máy cuốc… nên dù chỉ còn 1 tay, anh vẫn hoàn thiện tác phẩm, chỉ cần giúp đỡ khi mang vác nặng hoặc lắp đặt. “Cứ túc tắc làm dần là được. Quan trọng là ý tưởng. Giờ thì quen rồi, mọi việc tôi đều làm được hết, thậm chí là rất linh hoạt”-anh Dũng chia sẻ.

2 năm trở lại đây, niềm hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi anh được đắm mình trong sự đam mê sáng tạo nghệ thuật. Ai đó bảo “Cái gì có trong đầu thì sẽ có trên tay”. Sự nung nấu bước đầu đã mang lại cho anh những kết quả đáng khích lệ. Năm 2023, tác phẩm “Hạnh phúc” của nhà điêu khắc trẻ được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 28 và Triển lãm điêu khắc toàn quốc 5 năm.

Tiếp đó, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 29-2024, tác phẩm “Lệ rừng” của anh cũng được chọn giới thiệu đến công chúng. Gần đây nhất, với tác phẩm “Chuyện tình hồ trên núi”, anh đạt giải khuyến khích cuộc thi Mỹ thuật tỉnh Gia Lai. Đây là những thành công rất đáng khích lệ đối với một tác giả trẻ tại các sân chơi khu vực và toàn quốc.

Nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng (thứ 4 từ trái sang) tại lễ trao giải cuộc thi Mỹ thuật tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: Phương Duyên

Nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng (thứ 4 từ trái sang) tại lễ trao giải cuộc thi Mỹ thuật tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: Phương Duyên

Chuyện trò về ý tưởng sáng tạo tác phẩm “Hạnh phúc” mà mình rất tâm đắc, anh Dũng cho biết, từ đặc điểm của một thân cây có dáng như dáng mẹ hơi cúi xuống với các mắt cành bao quanh, anh làm thành hình tượng những đứa con đang ôm chân, níu cổ xung quanh mẹ. “Như ngày xưa mình đón mẹ đi làm về”-anh nói về niềm hạnh phúc của tình mẫu tử trong tác phẩm.

Vượt qua khó khăn riêng của bản thân, anh Dũng còn lan tỏa cảm hứng sống tích cực đến nhiều người xung quanh, nhất là học trò của mình. Ví dụ, khi học môn nặn và tạo dáng, anh “thách đố” học sinh: “Các em nghĩ thầy có 1 tay thì có nặn được không? Mình thi xem ai nặn nhanh hơn?”. Nhiều học trò xem đây là động lực, với ý nghĩ rằng khi mình có đủ 2 tay thì không gì không thể làm được.

Từ niềm hạnh phúc với nghề, anh Dũng chia sẻ dự định đáng quý trong thời gian tới, đó là vận động anh em trong chuyên ngành Điêu khắc tổ chức một triển lãm nhóm ngay tại xã Ia Lâu để người dân và cả học trò của mình được tiếp cận với loại hình nghệ thuật này.

Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh-Phó Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai: “Nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng được đào tạo bài bản, lại rất nhiệt huyết. Với đam mê điêu khắc gỗ, anh đã đưa mảng khối hiện đại vào điêu khắc truyền thống. Lần nào tham gia triển lãm khu vực và toàn quốc, anh cũng có tác phẩm được chọn triển lãm, chứng tỏ tay nghề “cứng” và rất có duyên. Chúng tôi quý anh ở chỗ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đam mê sáng tạo. Người như Dũng sẽ còn tiến xa trên con đường nghệ thuật”.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nha-dieu-khac-trieu-tien-dung-vuot-kho-theo-duoi-dam-me-sang-tao-post294268.html
Zalo