Vĩnh Long quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer
Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long hiện đang phối hợp với các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật nói chung và loại hình nghệ thuật Chom Rieng Cha Pây cho đồng bào Khmer địa phương. Việc truyền dạy nhằm giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào Khmer địa phương.
Sau khi biết tại chùa Cũ, ấp Trà Sơn, xã Hựu Thành có mở lớp dạy Chom Rieng Cha Pây, em Thạch Siva Tha ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đăng ký tham gia học. Sau hơn 1 tuần học em đã làm quen được với môn nghệ thuật này.
“Em tham gia học sau này sẽ đi hát tại các điểm chùa phục vụ đồng bào Khmer địa phương, Em tham gia học là nhằm muốn biết về văn hóa Khmer. Văn hóa Khmer thật là đa dạng và phong phú. Sau thời gian học em đã biết hát và biết đàn, nhưng chưa hay lắm. Cần Thêm thời gian nữa em mới hát được”, Thạch Siva Tha cho biết,
Để lớp học diễn ra thuận lợi, Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long phối hợp với chùa Cũ, ấp Trà Sơn, xã Hựu Thành để mở lớp dạy học. Nhớ vậy mà lớp học đã được Ban quản trị chùa hỗ trợ khá đầy đủ về cơ sở vật chất.
“Nhà chùa luôn tạo điều kiện thuận lợi để các em. Các sư, đồng bào Khmer và Ban quản trị chùa rất vui khi được Nhà nước tổ chức lớp học này nhằm giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Các sư trong cũng thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các học viên cố gắng học tập để bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer”, Đại đức Thạch Đom Ra sư cả chùa cho cho biết.
Để đảm bảo chất lượng dạy và học Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long đã thỉnh giảng các thầy cô Trường đại học sư phạm tỉnh Trà Vinh đến giảng dạy cho các học viên. Thầy Thạch Hoài Thanh, giáo viên thỉnh giảng cho biết mặc dù bận nhiều việc tại đơn vị, nhưng thầy vẫn luôn tranh thủ thời gian để đến Vĩnh Long giảng dạy với mong muốn truyền đạt, phổ biến kiến về văn hóa cho đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long.
"Tôi rất vui khi được tham gia lớp dạy học đàn cho con em đồng bào Khmer. Đây là việc làm nhằm góp phần giữ gìn và phát bảo tồn văn hóa Khmer trong thời gian tới. Tôi thấy các học viên học rất tích cực làm cho tôi càng có thêm động lực để truyền đạt kiến thức cho các học viên”, thầy Thạch Hoài Thanh nói.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh Phó hiệu trưởng Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cho biết, đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long có nền văn hóa rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật có nguy cơ bị mai một. Do đó hàng năm ngành Văn hóa Vĩnh Long luôn phối hợp với các cấp các ngành mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật cho đồng bào Khmer như lớp dạy múa dân gian, múa rô băm, Chom Riêng Cha pay, nhạc ngủ âm v.v.. nhằm góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer địa phương.
"Hoạt động sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc đều truyền dạy lại hết và gìn giữ lại và đã được đưa vào chương trình dạy và được chia ra cho các năm cho nó phong phú. Năm nay là Chom Riêng Cha Phay năm sau là nhạc ngủ âm cho đồng bào dân tộc. Toàn tỉnh có 13 chùa sẽ được truyền dạy hết cho những năm tiếp theo”, bà Nguyễn Ngọc Thanh Phó hiệu trưởng Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Chom Riêng Cha Pây một loại hình nghệ thuật trình diễn độc xướng, đàn và hát dân gian, (như hát Xẩm) được hình thành từ lâu đời từng được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người Khmer ở khu vực ĐBSCL. Bài biểu diễn không chỉ là những tác phẩm đã soạn sẵn mà còn do nghệ nhân ngẫu hứng sáng tác nhanh tại chỗ để độc diễn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, năm 2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghệ thuật Chom riêng Chà pây vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.