Nhà đầu tư 'tháo chạy' khỏi phố Wall
Thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang tái định hình cả dòng chảy thương mại lẫn dòng vốn đầu tư toàn cầu. Khi các nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi thị trường Mỹ để tìm kiếm cơ hội ở châu Á, Trung Quốc cũng tăng tốc xuất khẩu sang Đông Nam Á nhằm bù đắp cho sụt giảm từ thị trường Mỹ.
Thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ làm thay đổi trật tự thương mại toàn cầu mà còn tác động sâu sắc đến dòng vốn đầu tư quốc tế.
Khi nhà đầu tư rút khỏi thị trường Mỹ để tìm kiếm cơ hội tại châu Á, Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang Đông Nam Á nhằm tránh rào cản thuế quan. Những dịch chuyển song hành tái định hình cục diện kinh tế khu vực.
Nhà đầu tư rời bỏ phố Wall
Nhà đầu tư thoái vốn khỏi thị trường cổ phiếu Mỹ và chuyển hướng sang quỹ đầu tư châu Á, trong bối cảnh thuế quan do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt làm lung lay triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dữ liệu từ LSEG Lipper - bao gồm 844 quỹ niêm yết toàn cầu - cho thấy dòng tiền ròng đổ vào các quỹ cổ phiếu châu Á đạt tổng cộng 8,45 tỷ USD trong ba tuần (tính đến ngày 7/5). Đây là mức cao nhất trong khoảng bảy tháng trở lại.
Ngược lại, các quỹ cổ phiếu Mỹ ghi nhận tuần rút vốn thứ tư liên tiếp, với tổng dòng vốn rút ra lên tới 43,5 tỷ USD (tính đến ngày 7/5). Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự không chắc chắn xoay quanh chính sách thương mại của Tổng thống Trump.

Nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi phố Wall.
"Nhà đầu tư ngày càng nhận thức rõ hơn nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư và tình trạng quá tải vào nhóm 7 cổ phiếu Magnificent, qua đó thúc đẩy dòng vốn chảy vào các thị trường ngoài Mỹ, bao gồm cả châu Á", ông Prashant Bhayani - Giám đốc đầu tư tại BNP Paribas Wealth Management - nhận định.
Dòng vốn đổ vào châu Á trùng hợp với diễn biến tích cực của nhiều đồng tiền trong khu vực, củng cố thêm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Việc nhiều quốc gia kỳ vọng đạt được thỏa thuận thương mại mới, trở thành bên hưởng lợi từ các tuyến đường thay thế nhằm né tránh thuế quan Mỹ góp phần hỗ trợ tâm lý thị trường.
Ông Gary Tan - Giám đốc danh mục tại Allspring Global Investments - cho biết gần đây doanh nghiệp tăng cường mua cổ phiếu tại khu vực ASEAN nhờ định giá hấp dẫn.
“Sau cú sốc thuế quan ban đầu vào tháng 4, nhà đầu tư chọn lọc giải ngân vào các ETF theo từng quốc gia có triển vọng tích cực từ đàm phán thuế quan”, ông Gary Tan nói.
Chỉ số MSCI rộng nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản tăng hơn 4% từ đầu năm đến nay. S&P 500 và Nasdaq của Mỹ lần lượt giảm gần 4% và 7%. Tỷ số P/E dự phóng một năm của chỉ số chứng khoán Malaysia hiện ở mức 17,56, Đài Loan ở mức 14,64, thấp hơn đáng kể so với S&P 500 ở mức 20,62.
"Nhu cầu ngày càng tăng về đa dạng hóa danh mục khỏi tài sản Mỹ, đồng USD suy yếu, cộng với định giá cổ phiếu châu Á hấp dẫn hơn và vị thế đầu tư nhẹ nhàng hơn là các yếu tố hỗ trợ thị trường khu vực này", ông Sunil Koul - chiến lược gia tại Goldman Sachs - nhận định.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á tăng vọt
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng mạnh nhờ đà tăng trưởng vượt bậc của các lô hàng sang Đông Nam Á. Điều này bù đắp cho sự sụt giảm đáng kể trong thương mại với Mỹ do tác động của thuế quan mới.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu tính theo USD trong tháng 4 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa dự báo tăng 1,9% của Reuters. Nhập khẩu chỉ giảm 0,2%, trái ngược với kỳ vọng giảm 5,9%.
Dữ liệu từ CNBC cho thấy hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm hơn 21% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu từ Mỹ giảm gần 14%. Điều này đảo chiều so với tháng 3, khi xuất khẩu tăng 9,1% do các doanh nghiệp Mỹ tranh thủ đặt hàng trước khi mức thuế mới có hiệu lực.
Lũy kế bốn tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 2,5%, còn nhập khẩu từ Mỹ giảm 4,7%.
Ông Zhiwei Zhang - Chủ tịch của Pinpoint Asset Management - nhận định sự tăng vọt trong kim ngạch xuất khẩu một phần do hợp đồng đã ký trước khi thuế quan được công bố, quá trình chuyển tải qua nước thứ ba. Ông cảnh báo dữ liệu thương mại có thể suy yếu trong những tháng tới.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng 20,8% trong tháng 4, cao hơn đáng kể so với mức 11,6% của tháng 3. Việt Nam và Malaysia vẫn là những điểm đến chính, trong khi Indonesia và Thái Lan chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 37% và 28%.
Trái ngược, xuất khẩu sang EU tăng 8,3%, trong khi nhập khẩu giảm tới 16,5%.

Xuất khẩu Trung Quốc sang thị trường Đông Nam Á tăng vọt.
Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Donald Trump áp mức thuế 145% với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh trả đũa bằng thuế 125% với hàng hóa Mỹ. Dù đôi bên miễn trừ một số mặt hàng quan trọng, tác động kinh tế vẫn lan rộng.
Ông Raymond Yeung - Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đại lục tại ANZ - cho biết lượng tàu container từ Trung Quốc đến Mỹ giảm mạnh cuối tháng 4.
Trung Quốc đẩy mạnh biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng xuống mức thấp nhất từ tháng 12/2022.
Goldman Sachs ước tính có thể có tới 16 triệu việc làm tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ việc giảm đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ - tương đương 2% lực lượng lao động. Nhiều địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách chuyển hướng sản phẩm sang thị trường nội địa, điều này có thể làm gia tăng áp lực giảm phát.
Trung Quốc dự kiến công bố dữ liệu lạm phát tiêu dùng và sản xuất vào cuối tuần này, được dự báo tiếp tục cho thấy xu hướng giảm phát. CPI có thể giảm 0,1%, trong khi PPI giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số CSI 300 giảm nhẹ 0,23% trong phiên cuối tuần. Đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế ổn định ở mức 7,2483 đổi một USD.
Giới đầu tư đang dõi theo cuộc họp thương mại cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc sau đợt tăng thuế gần nhất, dự kiến tổ chức tại Thụy Sĩ cuối tuần này.
Mặc dù khả năng đạt được thỏa thuận toàn diện còn xa, nhiều chuyên gia nhận định việc giảm thuế quan theo từng giai đoạn là khả thi. Morgan Stanley dự báo thuế thực tế có thể giảm về mức 45% vào cuối năm. Nhiều ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống còn 4%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đặt ra.