Quan chức Fed kêu gọi thận trọng trong bối cảnh bất định gia tăng

Ngay sau cuộc họp chính sách tuần này, nhiều quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhấn mạnh rằng, bối cảnh kinh tế nhiều bất định hiện nay đòi hỏi sự kiên nhẫn trong điều hành chính sách tiền tệ, khi các rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng gia tăng do chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump.

Quan chức Fed kêu gọi thận trọng trong bối cảnh bất định gia tăng do thương mại

Quan chức Fed kêu gọi thận trọng trong bối cảnh bất định gia tăng do thương mại

Chính sách tiền tệ hiện tại là phù hợp

Phát biểu trên Bloomberg Television, Chủ tịch Fed New York, John Williams cho rằng: “Chính sách hiện tại đang ở một vị trí phù hợp”. Trước những bất ổn đang hiện hữu, ông từ chối đưa ra dự báo về định hướng chính sách tiền tệ, và nói thêm: “Chúng ta cần tiếp tục thu thập dữ liệu, đặc biệt là thông tin liên quan đến chính sách thương mại và tác động của nó đối với nền kinh tế, trước khi quyết định các bước đi tiếp theo”.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng trên cùng kênh truyền hình, Thống đốc Fed Adriana Kugler nhận định rằng nền kinh tế vẫn duy trì "sức khỏe tốt", qua đó “cho phép Fed có thêm thời gian để tiếp tục giảm áp lực lạm phát trước khi cần hành động tiếp theo”.

Cả hai quan chức đều đánh giá rằng lãi suất hiện hành đang tạo ra mức độ kiềm chế vừa phải đối với hoạt động kinh tế.

Hôm thứ Tư, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong biên độ 4,25% - 4,50%, đồng thời cảnh báo về mức độ bất định ngày càng tăng trong triển vọng kinh tế.

Tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: “Dù bất ổn gia tăng, nền kinh tế vẫn ở vị thế khá vững chắc”, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng lập trường chính sách hiện tại cho phép Fed phản ứng linh hoạt và kịp thời trước những biến động kinh tế tiềm ẩn”.

Chính sách thương mại của Tổng thống Trump hiện là nguồn gốc chính gây bất ổn cho cả Fed và nền kinh tế Mỹ. Nỗ lực hồi sinh sản xuất nội địa đã dẫn tới việc áp thuế nhập khẩu ở mức rất cao, đặc biệt nhắm vào Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng các mức thuế này sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% của Fed, trong khi cùng lúc làm chậm đà tăng trưởng và khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, tác động thực tế vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Trump liên tục điều chỉnh thuế suất và đưa ra những tuyên bố mơ hồ về các thỏa thuận thương mại sắp đạt được.

Tại một hội thảo ở Iceland, trước khi lên sóng truyền hình, ông Williams phát biểu: “Tôi cho rằng tăng trưởng năm nay sẽ chậm hơn đáng kể so với năm ngoái, lạm phát sẽ cao hơn, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trong năm”.

Những đánh đổi khó khăn trong chính sách

Tác động tiềm ẩn từ chính sách thuế quan đang đặt ra thách thức lớn cho Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách lãi suất của Fed. Với nhiệm vụ kép là kiểm soát lạm phát và toàn dụng lao động, các nhà hoạch định chính sách có thể đối mặt với những đánh đổi khó khăn trong việc xác định ưu tiên nào cần được xử lý trước.

Thống đốc Fed Michael Barr, trong bài phát biểu tại cùng hội nghị, đồng tình với quan điểm rằng thuế quan có thể gây áp lực lạm phát trong khi làm suy yếu thị trường việc làm.

Ông nhận định: “FOMC có thể rơi vào thế khó nếu phải đối mặt đồng thời với tình trạng lạm phát và thất nghiệp cùng gia tăng”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng: “Với xuất phát điểm vững chắc của nền kinh tế và những tiến triển đạt được trong kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ đang ở vị thế sẵn sàng để điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế”.

Fed có thể sớm cảm nhận được tác động của thuế quan đến lạm phát trong tuần tới, khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư được chính phủ Mỹ công bố vào thứ Ba.

Các chuyên gia kinh tế tại Bank of America dự báo trong một nghiên cứu rằng: “Ảnh hưởng của thuế quan có thể bắt đầu phản ánh trong dữ liệu lạm phát từ tháng Tư, với những tín hiệu rõ ràng hơn trong tháng Năm và tháng Sáu”. Họ cho rằng tác động này nhiều khả năng chỉ là tạm thời, nhưng cũng thừa nhận mức độ chắc chắn là không cao, vì có lý do để tin rằng áp lực lạm phát có thể kéo dài hơn dự báo.

Mặc dù đang phải đối mặt với những đánh đổi khó khăn trong việc cân bằng hai mục tiêu chính, các quan chức Fed đều nhất trí rằng việc kiểm soát lạm phát là yếu tố then chốt trong hoạch định chính sách tiền tệ.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quan-chuc-fed-keu-goi-than-trong-trong-boi-canh-bat-dinh-gia-tang-163978.html
Zalo