Nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà:'Nếu không có sự kiên trì thì khó có thể đạt được mục tiêu'
Suốt 25 năm công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà đã tham gia biên kịch và biên tập hơn 120 bộ phim hoạt hình, đồng thời tổ chức hàng nghìn tập kịch bản cho các series hoạt hình trên sóng truyền hình và các nền tảng giải trí.
Chị từng giành Giải đồng Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 và Giải Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21.
1. Nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà sinh năm 1976 tại Thái Nguyên. Khi còn học phổ thông, chị là học sinh chuyên văn, từng đoạt giải thưởng Quốc gia nên gia đình định hướng chị theo “nghề truyền thống”: Trở thành nhà giáo, một cô giáo dạy văn. Tuy nhiên, cuối lớp 12, chị bỗng nhiên thấy hứng thú với nghề báo và nhanh chóng quyết định thi vào khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau 4 năm học tập, ngày cầm tấm bằng đại học trên tay cũng là ngày Phạm Thị Thanh Hà nhận ra mình... “không đủ tố chất để trở thành nhà báo như kỳ vọng”.
“Khi tốt nghiệp đại học, bươn chải với cuộc sống, tôi đã có cái nhìn thực tế và nghiêm túc hơn. Tôi cảm thấy khá hoang mang khi không tìm được nghề nghiệp phù hợp. Đúng lúc ấy, thông tin tuyển biên kịch của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam xuất hiện trên tivi, như một chiếc phao cứu sinh đối với cô sinh viên vừa tốt nghiệp, còn đang chơi vơi giữa bộn bề cuộc sống” - chị nhớ lại.
Sau khi nộp đơn ứng tuyển vào Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), Phạm Thị Thanh Hà bắt đầu hành trình vừa học, vừa thi, vừa thử việc suốt gần hai năm. Cũng trong khoảng thời gian đó, chị cùng ba biên kịch khác lần lượt vượt qua các thử thách để chính thức trở thành thành viên của “ngôi nhà Hoạt hình Việt Nam” vào năm 2000.
Đến với hoạt hình không phải vì đam mê mà đơn giản chỉ để có một công việc mưu sinh, nhưng sau những “khúc cua” đòi hỏi nỗ lực lớn, Phạm Thị Thanh Hà đã yêu hoạt hình từ lúc nào không hay. Tình yêu ấy thể hiện ở việc, dù đã gắn bó với nghề 25 năm, chị vẫn luôn ý thức mình là “người mới đến”, luôn quán triệt tinh thần “không ngừng vừa làm vừa học, để chứng minh mình làm được việc, không khác gì những ngày đầu khi mới vào nghề” như chị chia sẻ.
2. Với một nhà biên kịch, lần đầu tiên có kịch bản được đưa vào sản xuất giống như người mẹ đón đứa con đầu lòng. Phạm Thị Thanh Hà cho biết bản thân không bao giờ quên cảm giác đó, nhất là khi “đó là kết quả của cả một quá trình dài vô cùng mệt mỏi” và “nếu bây giờ phải quay lại những tháng ngày đó, chắc tôi không đủ kiên trì để vượt qua”.
Chị tiết lộ rằng mình đã mất ba năm mới có được bộ phim đầu tay bởi thời đó, số lượng phim sản xuất quá ít. Mỗi năm, chỉ có bốn bộ phim được thực hiện tại đơn vị duy nhất là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Hãng chủ yếu sản xuất phim từ kịch bản của các nhà văn tên tuổi như Tô Hoài, Phong Thu, Viết Linh... nên với một cây bút mới như tôi, được làm phim thật sự là một điều khó khăn. Rất may, cuối cùng chị cũng vượt qua thử thách này.

Tuy nhiên, khi trở thành biên kịch thực sự, chị mới thấm thía sự khắc nghiệt của nghề, từ đó luôn nhắc bản thân cần phấn đấu, nỗ lực, nếu không muốn bị đào thải lúc nào không hay.
“Ngoài học hỏi các cô chú, anh chị đồng nghiệp, tôi phải tự học, tham gia các khóa học để bổ sung mảng kiến thức điện ảnh còn thiếu hụt của mình. Tôi thi vào Lớp Biên kịch Điện ảnh của Dự án Điện ảnh do Quỹ Ford đầu tư tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để được đào tạo chính quy và làm nghề một cách chuyên nghiệp hơn. Tiếp đó tôi học lý luận và lịch sử điện ảnh, truyền hình để nâng cao trình độ hơn nữa” - chị chia sẻ.
Sau hơn 25 năm gắn bó với hoạt hình, chị thấy mình dần trưởng thành hơn. Và bài học rút ra từ hành trình trưởng thành ấy chính là dù có đam mê, dù có tài năng đến đâu, nếu không có sự kiên trì thì khó có thể đạt được mục tiêu.
Trên cương vị Trưởng phòng Kịch bản, Phạm Thị Thanh Hà không chỉ là biên kịch mà còn đảm nhận công tác biên tập kịch bản - một công việc đòi hỏi chị phải đầu tư phần lớn thời gian. Chị hiểu rằng khó khăn lớn nhất của hoạt hình Việt Nam bấy lâu nay là chưa có trường lớp nào đào tạo biên kịch chuyên sâu về hoạt hình, cũng không có giáo trình cụ thể cho lĩnh vực này. Hầu hết biên kịch và biên tập viên tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đều tốt nghiệp từ các ngành học gần với biên kịch hoạt hình, làm nghề theo hình thức vừa học vừa làm, chủ yếu học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước theo phương pháp truyền nghề.
Chính vì vậy, Phạm Thị Thanh Hà cùng các đồng nghiệp đã chủ động tự đào tạo cộng tác viên viết kịch bản bằng cách mời các nhà văn tên tuổi, các cây viết trẻ là sinh viên từ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội... và tổ chức các trại sáng tác để tìm kiếm nhân tố mới. Chị còn thường xuyên hợp tác với các cây viết từ các khóa bồi dưỡng kỹ năng viết kịch bản mà chị đang giảng dạy, nhằm đảm bảo nguồn kịch bản cho công việc và chủ động mở các lớp học online miễn phí hướng dẫn viết kịch bản phim hoạt hình, với mong muốn có thêm nhiều cộng tác viên tiềm năng cho ngành.
3. Năm 2024, 3 bộ phim do Phạm Thị Thanh Hà biên tập đã giành 3 giải thưởng Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam, gồm: “Tiếng cồng Núi Nưa”, “Đinh Tiên Hoàng Đế”, “Anh hùng Núi Tản”. Trước đó, tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam và giải thưởng Cánh diều do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, nhiều phim do Phạm Thị Thanh Hà tham gia biên tập đã được giải Bông sen Bạc bao gồm: “Khoảng trời”, “Những mặt phẳng”, “Vầng sáng ấm áp”, “Ánh sáng không bao giời tắt”, “Người thầy của muôn đời”... và Giải Cánh diều Vàng bao gồm: “Càng to càng nhỏ” (năm 2012), “Mèo trắng và Mèo Mun” (2015), “Bí mật hang Duôn” (2020)...
Phạm Thị Thanh Hà tiết lộ, bản thân thường không tự biên tập kịch bản của mình "trừ khi làm việc nhóm, tôi là một thành viên trong nhóm biên kịch hoặc khi ý tưởng gốc là của tôi nhưng được chia sẻ với các tác giả khác để cùng xây dựng kịch bản".
Theo chị, khi sáng tác, người biên kịch thường bị dẫn dắt bởi cảm xúc và dễ đắm chìm trong ý tưởng, chủ ý nghệ thuật đã định hình trong tư duy. Vì thế, cần có một biên tập viên giàu kinh nghiệm chuyên môn, tỉnh táo để đồng hành, dẫn dắt cũng như phản biện, giúp biên kịch có hướng phát triển tốt nhất. "Khi có ý tưởng thú vị, tôi thường mời các biên tập viên, là các đồng nghiệp ở hãng, cùng với sự đóng góp của Hội đồng nghệ thuật, để thể hiện kịch bản một cách hiệu quả nhất, đồng thời để có cái nhìn sâu hơn, đa chiều hơn về kịch bản của mình" - chị chia sẻ.
Nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà còn là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện tranh trên báo Nhi đồng, tạp chí Văn tuổi thơ...; đồng thời xuất bản truyện dài thiếu nhi "Đại bàng tái sinh" (2023).
Chị cũng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Đào tạo Hoạt hình Quốc tế SAMA; tham gia biên soạn Giáo trình dạy viết kịch bản phim hoạt hình tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; sáng tác các vở sân khấu và dàn dựng trên sóng phát thanh VOV với các tác phẩm "Ngôi nhà bí ẩn", "Đôi bờ thương nhớ" (Chương trình Sân khấu truyền thanh VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam, 2024).

Một số giải thưởng tiêu biểu của chị gồm: Giải Khuyến khích kịch bản "Rồng trong biển lửa" - Trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 3 (2024). Giải Đồng Biên kịch xuất sắc - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 với kịch bản “Những mặt phẳng”. Giải Biên kịch xuất sắc - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 với kịch bản “Vầng sáng ấm áp”. Giải Khuyến khích Sách quốc gia 2024 với truyện thiếu nhi “Đại bàng tái sinh”.