Nhà báo Mỹ Catherine Karnow: Kết nối với Việt Nam bằng tình yêu nhiếp ảnh

Sau khi đến Việt Nam thực hiện workshop thường niên, nhiếp ảnh gia Mỹ Catherine Karnow tiếp tục chuẩn bị cho kế hoạch năm 2025, đúng dịp 30 năm quan hệ Việt - Mỹ.

Gặp bà trong một ngày cuối năm 2024, VTC News được nghe câu chuyện về sự kết nối đặc biệt của nhiếp ảnh gia Mỹ với những người bạn Việt và cách bà lan tỏa tình yêu Việt Nam qua giảng dạy nhiếp ảnh.

- Trong hành trình 30 năm chụp ảnh Việt Nam, bà có thể chia sẻ về sự kết nối của bà với những người bạn/nhân vật người Việt? Điều gì làm nên “năng lượng” kết nối đó?

Tôi có rất nhiều người bạn và nhân vật đã trở nên thân thiết ở Việt Nam. Thật khó để có câu trả lời chung cho tất cả họ. Có một điều tôi vẫn luôn cảm thấy ở người Việt, chưa bao giờ thay đổi, mỗi ngày một sâu sắc hơn, đó là người Việt Nam rất biết cách trân trọng và thể hiện tình cảm. Điều đó rất quan trọng với tôi, và tôi rất đồng cảm với giá trị này. Tôi cảm thấy đây như nhà của mình, điều tôi không cảm nhận được ở bất cứ đất nước nào khác.

Gần đây, tôi và chồng đến Điện Biên Phủ. Anh ấy là một nhà sử học, nên rất quan tâm đến tìm hiểu lịch sử. Chúng tôi vô cùng may mắn và được ưu ái khi gặp được một nhà sử học khác có kiến thức sâu rộng, người đã đưa chúng tôi đi thăm các nơi và kể cho chúng tôi những câu chuyện.

Người bạn đó không nói tiếng Anh và chúng tôi nói chuyện thông qua phiên dịch. Cả bốn chúng tôi đều có sự ngưỡng mộ sâu sắc với Tướng Giáp. Chúng tôi đã có khoảng 2 ngày rưỡi cùng nhau, qua đó một sự kết nối và thân thiết hình thành. Đến lúc phải nói lời tạm biệt, chúng tôi đã khóc. Mọi thứ cứ tự nhiên như vậy.

Đó là cách chúng tôi kết nối với nhau sâu sắc hơn. Và trải nghiệm đó lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời tôi ở Việt Nam, với rất nhiều người khác nhau. Giống như là, họ ôm lấy tôi. Không chỉ là sự thân thiện như mọi người đến đây hay nói, đối với tôi đó là một kiểu tình yêu.

Nên nếu bạn hỏi năng lượng kết nối giữa chúng tôi là gì, thì đó là năng lượng của tình yêu thương.

Ông Phạm Đức Hiển, người đi cùng vợ chồng bà Catherine đến Điện Biên Phủ trong một chuyến đi cuối năm 2024. Ông được xem bức ảnh bà Catherine từng chụp năm 1994 và nhận ra người trong ảnh là giáo sư dạy sử của mình - người đã thay đổi cuộc đời ông.

Ông Phạm Đức Hiển, người đi cùng vợ chồng bà Catherine đến Điện Biên Phủ trong một chuyến đi cuối năm 2024. Ông được xem bức ảnh bà Catherine từng chụp năm 1994 và nhận ra người trong ảnh là giáo sư dạy sử của mình - người đã thay đổi cuộc đời ông.

- Khi bà chụp ảnh ở Việt Nam có gì khác với những nơi khác?

Có, chính người Việt Nam làm nên điều khác biệt . Tôi nghĩ ở một mức độ nào đó, người Việt yêu nhiếp ảnh và trân trọng nhiếp ảnh. Ở một số nước khác thì không như vậy.

Khi tôi chụp ảnh, tôi cảm thấy họ hiểu tầm quan trọng của nhiếp ảnh, cũng như những trải nghiệm chúng tôi có với nhau. Đối với tôi, nhiếp ảnh có một ý nghĩa và mục đích sâu sắc. Và các nhân vật ở Việt Nam, tôi nghĩ họ hiểu được điều đó, còn ở những nơi khác trên thế giới có thể không hẳn như vậy.

Một số người không thích chụp ảnh vì cho rằng điều đó xâm phạm sự riêng tư, hay “đánh cắp linh hồn” người khác. Đó là ý kiến của họ. Đối với tôi, nhiếp ảnh kết nối chúng tôi với nhau. Đó là một cách tôi thể hiện với người khác là tôi trân trọng họ, đó cũng là một cách mà tôi hy vọng thông qua đó, tôi có thể dành cho họ một không gian để bày tỏ bản thân mình, bằng những gì bạn có thể nhìn thấy trong ống kính.

Tôi cảm thấy người Việt Nam luôn hiểu điều đó một cách tự nhiên. Ở Việt Nam, tôi cảm thấy con người mình, như một người nhiều cảm xúc, như một nhiếp ảnh gia, được đón nhận.

- Những bức ảnh về Việt Nam của bà đem lại cảm giác hoài niệm, mong muốn nhìn về quá khứ, nhớ về quá khứ?

Đối với tôi, sự khác biệt có thể đến từ một số khía cạnh. Đầu tiên, đơn giản là nội dung của các bức ảnh khác đi, vì những địa điểm/nhân vật tôi chụp đã khác đi.

Còn nếu nói về cách chụp ảnh của tôi? Những người làm sáng tạo như họa sĩ và nhiếp ảnh gia, nhà văn,... đều có phong cách riêng. Phong cách của tôi, nếu có sự thay đổi hay biến chuyển theo thời gian, thì cũng không không hẳn gắn với Việt Nam. Hay nói cách khác sự thay đổi của Việt Nam không thay đổi cách tôi chụp ảnh.

Còn đúng là ảnh của tôi đã luôn và vẫn có một mức độ nào đó... hoài niệm và nhìn về quá khứ. Điều đó đến từ chính bên trong tôi, vì tôi lớn lên trong một gia đình và sống một cuộc sống mà chúng tôi có sự hoài niệm với quá khứ.

Nữ nhiếp ảnh gia Mỹ chụp hình các tiếp viên hàng không tại trường đào tạo tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với thế giới năm 1994.

Nữ nhiếp ảnh gia Mỹ chụp hình các tiếp viên hàng không tại trường đào tạo tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với thế giới năm 1994.

Hai doanh nhân nước ngoài trao đổi danh thiếp trên xích lô khu vực khách sạn Metropole, Hà Nội, năm 1994 - thời kỳ hoàng kim của những năm đổi mới.

Hai doanh nhân nước ngoài trao đổi danh thiếp trên xích lô khu vực khách sạn Metropole, Hà Nội, năm 1994 - thời kỳ hoàng kim của những năm đổi mới.

- Khi bà chụp ảnh ở Việt Nam, bà thích quan sát và “ngấm” một cách tự nhiên mọi thứ vào trong những bức ảnh, hay bà cũng chủ động tìm kiếm điều gì đó?

Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, hiện tại, tôi tập trung chủ yếu vào giảng dạy, các workshop (buổi trao đổi có tính chất đào tạo, hướng dẫn), hơn là thực hiện các đề tài nhiếp ảnh.

Trong những lớp học này thì tôi tập trung vào các vị khách của mình (tôi không dùng từ “học sinh”). Vai trò và nhiệm vụ của tôi, khi dạy về nhiếp ảnh trong các lớp học đó, đi theo hai hướng cùng lúc, là để họ thấy những cái họ chưa từng thấy, nhưng đồng thời cũng để họ tự có những quan sát của riêng mình.

Về cơ bản sẽ là tôi đưa họ đến các địa điểm và hướng dẫn họ chụp, đồng thời để họ chụp tự do. Tôi muốn họ có cách chụp riêng của mình. Tôi sẽ không nói những điều như hãy chụp dọc hay ngang, hay thu gọn khung hình như thế này đi, nói chung là những điều quá cụ thể.

Quay trở lại câu hỏi về cách tôi chụp ảnh ở Việt Nam ngày nay, nhưng hiện tại đó chưa thực sự là cái tôi tập trung vào. Tôi đang tập trung vào giảng dạy và điều khiến tôi hứng thú là được nhìn thấy những gì mà các vị khách của tôi nhìn thấy. Những bức hình mà nếu là tôi thì sẽ không chụp như vậy. Đôi khi họ không ý thức được là họ có những góc nhìn rất thú vị. Tôi hướng dẫn họ nhưng cũng học được nhiều từ họ.

Bức ảnh do Jack Stephens, một người tham gia workshop dạy chụp ảnh của Catherine, chụp tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế.

Bức ảnh do Jack Stephens, một người tham gia workshop dạy chụp ảnh của Catherine, chụp tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế.

- Vậy bà thường chọn các địa điểm ở Việt Nam để đưa những vị khách đến thế nào?

Việc chuẩn bị cho các workshop của tôi cần rất nhiều khảo sát và sự lựa chọn.

Tôi đã thực hiện workshop Việt Nam – Campuchia từ 2015. Đến nay đã khoảng 12 workshop được thực hiện. Không có nhiều thay đổi về các địa điểm mà chúng tôi chọn đến, nhưng ở từng lần cụ thể chúng tôi đến đó thì lại có những cái mới.

Về cách tôi chọn những địa điểm này, đó sẽ là những nơi đẹp phù hợp cho chụp ảnh, những nơi họ sẵn sàng chào đón chúng tôi. Nơi chúng tôi có thể đến và đi lại xung quanh một cách thoải mái để chụp. Đó sẽ là một nơi truyền cảm hứng theo cách nào đó, và có một nhân vật ở đó, ví dụ như một người phụ trách, một sư thầy trụ trì (nếu chúng tôi đến chùa), một họa sĩ, một doanh nhân nữ... những người này trong khi chúng tôi đến sẵn sàng dành thời gian ngồi xuống nói chuyện với chúng tôi. Họ là những người có sự thông thái và tử tế, và câu chuyện của họ có những cảm xúc, kiến thức có thể chia sẻ.

Ngoài ra chúng tôi không chọn những điểm du lịch. Sẽ không có khách du lịch nào ở đó hay cả những nhóm chụp ảnh khác. Quá trình đó giống như tôi cố gắng tìm ra những “kho báu” và chia sẻ với các vị khách của mình. Điều này dựa trên công việc của tôi khi chụp ảnh cho các tạp chí. Khi bạn chụp ảnh cho các tạp chí, bạn sẽ muốn tìm được thứ gì đó mà người khác không biết, một thứ gì đó khác và đặc biệt.

- Bà có cho rằng ở đây bà đã trở thành một “đại sứ” kết nối giữa người dân hai nước?

Trước đây tôi thậm chí không nghĩ đến. Nhưng khi đại sứ Ted Osius (cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam) nói với tôi những gì tôi làm chính là ngoại giao nhân dân, và tôi cũng như một “đại sứ”, tôi cảm thấy rất tuyệt vời.

Với điều đó, tôi nghĩ là cũng đi kèm trách nhiệm. Nếu chúng tôi là người Mỹ, và nhóm workshop của tôi thường là người Mỹ, thì chúng tôi cũng đại diện cho người Mỹ theo một cách nào đó. Chúng tôi cố gắng làm tốt nhất có thể.

Trong những chia sẻ của các vị khách về Việt Nam, không khó để bắt gặp những người thay đổi cảm nhận của họ về Việt Nam sau khi tham dự workshop.

Tôi nghĩ mọi người nhận ra họ được tìm hiểu Việt Nam thông qua những trải nghiệm rất riêng tư. Về cơ bản gần như những gì tôi làm là giới thiệu với họ những người bạn của tôi ở Việt Nam. Tôi chia sẻ với họ về những gì tôi nghĩ là quan trọng, những gì tôi yêu mến,... ở Việt Nam. Sau chuyến đi, những người bạn của tôi trở thành bạn của họ, đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Những điều như thế khiến cho đây không chỉ là một workshop chụp ảnh nữa, mà còn hơn thế.

- Bà có thể chia sẻ thêm về kế hoạch sắp tới ở Việt Nam?

Tôi từng có một triển lãm ảnh lớn về Việt Nam, diễn ra tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Việt Nam vào tháng 4/2015. Một cuốn sách ảnh cũng ra mắt vào cùng thời điểm. Trong thời gian tới, sau 10 năm, những bức ảnh sẽ được triển lãm một lần nữa.

Điều đặc biệt là những bức ảnh này (triển lãm và cuốn sách) đại diện cho những năm thay đổi, mở cửa thị trường tại Việt Nam, từ lúc hé cửa đến mở rộng rãi.

Tôi cảm thấy như mình đang gặp lại những người bạn cũ. Tôi nghĩ nhìn lại giai đoạn đó một lần nữa rất quan trọng bởi vì nó nhắc chúng ta, cho chúng ta thấy về sự khởi đầu của thời kỳ mở cửa. Và mọi người, từ trẻ em đến những người lớn tuổi, đều có thể có liên hệ với những gì họ nhìn thấy. Họ có thể từng trải qua, từng nghe bố mẹ họ nói về thời kỳ đó, và giờ được nhìn thấy những hình ảnh.

Một thầy giáo âm nhạc chơi đàn guitar một dây trong ngôi nhà nhỏ của ông gần khu đường ray xe điện cũ tại Hà Nội, năm 1990.

Một thầy giáo âm nhạc chơi đàn guitar một dây trong ngôi nhà nhỏ của ông gần khu đường ray xe điện cũ tại Hà Nội, năm 1990.

Vào thời điểm tổ chức triển lãm năm 2015, ban đầu tôi chỉ định ở lại vài ngày. Nhưng khi tôi ở phòng trưng bày để xem mọi người đến, hoặc có thời gian tham gia vào những cuộc trò chuyện, tôi đã được nghe những điều rất thú vị (trợ lý phòng trưng bày sẽ giúp tôi nếu họ không nói tiếng Anh).

Một số người xem một bức ảnh và nói rằng họ từng biết người đàn ông trong ảnh, rằng anh ấy đã từng dạy con họ chơi piano. Hoặc họ nhận ra nhà của họ từng ở cạnh một ngôi nhà trong một bức ảnh khác.

Khi chương trình sắp kết thúc sau một tháng, chủ phòng trưng bày nói rằng, có nhiều người đến xem triển lãm này hơn bất kỳ triển lãm nào họ từng tổ chức.

Vì vậy tôi muốn tổ chức triển lãm này một lần nữa. Không chỉ vì nhìn lại, mà còn vì thế hệ những người sẽ nhớ về những năm 90, những người lớn tuổi, họ đang bắt đầu mất đi những ký ức đó.

Triển lãm dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2025. Tôi cũng sẽ tái bản cuốn sách. Sau đó, tôi muốn có thể tổ chức một số sự kiện ngắn với người Việt Nam tại địa phương, có thể là một buổi giảng dạy hoặc nói chuyện.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Bà Catherine Karnow, nhiếp ảnh gia người Mỹ, đã có khoảng 30 năm chụp ảnh Việt Nam. Năm 1994, bà là nhiếp ảnh gia nước ngoài duy nhất đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông trở lại Điện Biên Phủ, tác giả bức ảnh chân dung nổi tiếng chụp Đại tướng. Catherine cũng ghi lại hình ảnh các gia đình Việt Nam và những người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Những năm gần đây, bà thực hiện nhiều workshop (khóa giảng dạy nhiếp ảnh ngắn ngày) tại Việt Nam và Campuchia.

Những bức ảnh của bà từng xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng như National Geographic, Smithsonian và nhiều tạp chí quốc tế khác.

Bà Catherine và chồng Gilles Portaz đến thăm những người bạn thân thiết - anh Tân Hậu và Tân Trí (xuất hiện trong ảnh cùng gia đình) - cũng là những nạn nhân chất độc màu da cam, tại Đà Nẵng. Một trong những chủ đề các bức ảnh của Catherine về Việt Nam là về các nạn nhân chất độc màu da cam này.

Bà Catherine và chồng Gilles Portaz đến thăm những người bạn thân thiết - anh Tân Hậu và Tân Trí (xuất hiện trong ảnh cùng gia đình) - cũng là những nạn nhân chất độc màu da cam, tại Đà Nẵng. Một trong những chủ đề các bức ảnh của Catherine về Việt Nam là về các nạn nhân chất độc màu da cam này.

Catherine cùng người bạn lâu năm, họa sĩ Hà Trí Hiếu, thành viên nhóm Gang of Five - nhóm 5 họa sĩ thời kỳ Đổi mới.

Catherine cùng người bạn lâu năm, họa sĩ Hà Trí Hiếu, thành viên nhóm Gang of Five - nhóm 5 họa sĩ thời kỳ Đổi mới.

Bà Catherine và người phụ trách sản xuất cho các workshop - chị Ngân Đỗ, cùng các vị khách hào hứng với những con gà con tại chợ Thanh Toàn, ngoại ô Huế.

Bà Catherine và người phụ trách sản xuất cho các workshop - chị Ngân Đỗ, cùng các vị khách hào hứng với những con gà con tại chợ Thanh Toàn, ngoại ô Huế.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nha-bao-my-catherine-karnow-ket-noi-voi-viet-nam-bang-tinh-yeu-nhiep-anh-ar920336.html
Zalo