Nguyên nhân cổ phiếu TNS tiếp tục bị hạn chế giao dịch?
Theo thông tin công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ phiếu TNS của Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất tiếp tục bị hạn chế giao dịch là do báo cáo tài chính năm 2024 không được kiểm toán chấp nhận toàn phần.
Cụ thể, ngày 24/2/2025, HNX đã có thông báo về việc tiếp tục duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu của Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất (mã ck: TNS). Quyết định này được đưa ra do báo cáo tài chính năm 2024 của công ty không được kiểm toán chấp nhận toàn phần.
Trước đó, báo cáo tài chính năm 2023 cũng nhận ý kiến ngoại trừ từ kiểm toán viên, trong khi năm 2022 thậm chí còn bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, phản ánh những vấn đề nghiêm trọng trong công tác kế toán và tài chính của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.
Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, đơn vị kiểm toán AASC đã nhấn mạnh rằng TNS chưa ghi nhận đầy đủ chi phí lãi vay phải trả cho Tổng công ty Thép Việt Nam – Công ty CP (mã ck: TVN ) cũng như lãi chậm trả đối với Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - Vnsteel (PFS). Số tiền chưa được phản ánh lên đến gần 55 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024. Việc này dẫn đến sự sai lệch trong các khoản mục trên bảng cân đối kế toán, khiến lợi nhuận sau thuế và khoản "phải thu ngắn hạn khác" bị phản ánh cao hơn thực tế.
Tình hình tài chính của TNS tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ quá hạn của công ty ở mức 154 tỷ đồng, giảm so với con số 219 tỷ đồng hồi đầu năm, nhưng nợ ngắn hạn vẫn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 113,5 tỷ đồng. Chỉ số thanh toán nhanh giảm xuống còn 0,1 lần, so với mức 0,18 lần vào đầu năm, phản ánh năng lực thanh toán yếu. Công ty cũng đang phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế 122 tỷ đồng, trong khi tổng nợ gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu.
Trước thực trạng này, kiểm toán viên AASC đánh giá rằng TNS chưa đạt được các thỏa thuận quan trọng để tái cơ cấu nợ, điều này làm gia tăng rủi ro trong khả năng thu xếp tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Dù vậy, báo cáo tài chính năm 2024 vẫn được lập trên giả định công ty tiếp tục hoạt động bình thường.
Hiện tại, TNS đang nỗ lực đàm phán với TVN và PFS để tìm kiếm phương án thanh toán nợ hợp lý hơn, bao gồm đề xuất miễn tính lãi đối với một số khoản nợ phát sinh trong giai đoạn 2016-2023. Đối với các khoản vay đến hạn vào cuối năm 2024, công ty cho biết đã nhiều lần đề xuất phương án giãn nợ cũng như giảm lãi suất nhằm giảm bớt áp lực tài chính.
Dù gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh của TNS trong năm 2024 lại ghi nhận kết quả tích cực. Doanh thu cả năm đạt hơn 2.556 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 49,5 tỷ đồng, cao gấp hơn 13 lần.
Theo giải trình từ phía công ty, dù thị trường thép cán nguội vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nhờ tìm được nguồn hàng và khách hàng phù hợp, sản lượng sản xuất đã tăng tới 84,5% và sản lượng tiêu thụ cũng tăng 82%. Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi phí hiệu quả giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh tích cực của công ty trong năm qua.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TNS cũng có sự phục hồi đáng kể. Tính đến phiên giao dịch ngày 21/1, TNS đang được giao dịch ở mức 4.800 đồng/cổ phiếu, tăng 6,67% so với phiên trước đó. Với hơn 20 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của công ty hiện đạt 94 tỷ đồng.