Giải mã Gen Z, tạo động lực để mua sắm trực tuyến bùng nổ
Với sự am hiểu công nghệ, tính cách độc đáo và mong muốn thể hiện bản thân, Gen Z đang tạo ra những xu hướng mua sắm mới mẻ và thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử…

Gen Z đang định hình thị trường thương mại điện tử với những xu hướng mua sắm mới mẻ
Gen Z (thuật ngữ sử dụng để chỉ những người sinh ra từ năm 1997 đến 2012) đang định hình lại bức tranh thương mại điện tử với những xu hướng tiêu dùng riêng biệt. Họ ưu tiên trải nghiệm mua sắm liền mạch, cá nhân hóa và tương tác cao. Mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí mà còn là kênh mua sắm chính, nơi họ tìm kiếm sản phẩm, đánh giá và chia sẻ trải nghiệm.
ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP ĐỔI MỚI
Thực tế cho thấy, trên các sàn thương mại điện tử, Gen Z có xu hướng không chỉ mua sắm, họ tìm kiếm trải nghiệm và giải trí. Mua sắm trực tuyến đối với họ là một hành trình tương tác, từ việc khám phá sản phẩm trên mạng xã hội, xem livestream bán hàng, đến việc chia sẻ đánh giá và tương tác với cộng đồng.
Cũng chính xu hướng thích sự tương tác với thế giới bên ngoài khiến người trẻ ưa chuộng những nền tảng thương mại điện tử có tính năng trò chuyện trực tiếp, cho phép họ đặt câu hỏi và nhận tư vấn ngay lập tức từ người bán để có thể trải nghiệm một cách chủ động.
Các chương trình thực tế ảo và thực tế tăng cường cũng được Gen Z đánh giá cao, giúp họ có cái nhìn trực quan hơn về sản phẩm trước khi mua. Đây cũng là cơ hội để các KOL, KOC (người có ảnh hưởng trên các nền tảng xã hội) phát triển năng lực kết nối. Họ không chỉ là người giới thiệu sản phẩm, họ còn là những người bạn, người tư vấn, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Việc sử dụng các xu hướng mới sẽ giúp người bán tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trẻ.
Theo dữ liệu của nền tảng YouNet ECI công bố, khảo sát trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop cho thấy, Gen Z chiếm 53,4% trong nhóm người tiêu dùng số mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần. Điều này nhấn mạnh vai trò cốt lõi của Gen Z trong sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.
Chuyên gia YouNet ECI cũng chỉ ra rằng, để thu hút sức mua của đối tượng khách hàng là người trẻ, doanh nghiệp cần thông qua trải nghiệm mua sắm giải trí, theo xu hướng và mang tính chân thực.
"Khi các thương hiệu tìm cách kết nối với nhóm khách hàng này cho nhu cầu mua sắm trực tuyến hàng ngày đến năm 2028, việc thấu hiểu mong muốn sâu xa của họ là yếu tố then chốt. Bằng cách xác định và đáp ứng đúng động lực mua sắm thực sự, thương hiệu có thể thúc đẩy chi tiêu và xây dựng lòng trung thành bền vững”, bà Mai Cẩm Linh, chuyên gia của YouNet ECI nhấn mạnh.
Số liệu cho thấy, Gen Z mua sắm trực tuyến trung bình 2-3 lần mỗi tháng, với giá trị đơn hàng phổ biến trong khoảng 4 - 20 USD. Nhóm sản phẩm họ mua thường xuyên nhất chủ yếu phục vụ nhu cầu chăm sóc cá nhân và phong cách sống.
Để tối ưu hóa tăng trưởng, các thương hiệu cần liên tục đổi mới trong ngành hàng chăm sóc cá nhân, thời trang và làm đẹp, vì đây là những lĩnh vực mang tính cá nhân cao, chịu ảnh hưởng mạnh bởi thị hiếu, cảm nhận và sở thích người tiêu dùng. Nếu khai thác đúng cách, thương mại điện tử Việt Nam có thể nâng tổng chi tiêu của Gen Z từ 4,5 tỷ USD năm 2023 lên 20,3 tỷ USD vào năm 2028.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chú trọng cộng tác với các những người có tầm ảnh hưởng có tệp người theo dõi phù hợp với phong cách sống của Gen Z, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang & làm đẹp. Tạo nội dung chân thực như unboxing, review sản phẩm để xây dựng lòng tin và tăng chuyển đổi.
GEN MILLENNIALS TẠO CƠ HỘI TĂNG TRƯỞNG TIỀM ẨN
Tạo nên cuộc đua “song mã” với Gen Z là Millennials (người sinh từ năm 1981-1996) khi chiếm 46,6% trong nhóm người tiêu dùng số mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần theo khảo sát của YouNet ECI. Đặc biệt, tập trung vào nhóm khách hàng Gen Millennials sẽ có nhiều dư địa phát triển hơn khi họ có tiềm lực kinh tế vững vàng hơn hẳn.

Mua sắm trực tuyến nhưng ưa chuộng trải nghiệm trực tiếp là xu hướng chung của người tiêu dùng
Với thu nhập cao và nhu cầu phong phú, Millennials thường mua sắm trực tuyến trong ba nhóm danh mục chính. Đây là cơ hội để các thương hiệu gia tăng giá trị giỏ hàng gồm: Sử dụng cá nhân - chăm sóc cá nhân, làm đẹp, thời trang; sử dụng cho gia đình - mẹ và bé, đồ gia dụng; sản phẩm chăm sóc nhà cửa sản phẩm giá trị cao - nội thất và thiết bị điện tử tiêu dùng. Thương hiệu trong các ngành hàng này có tiềm năng tăng trưởng mạnh nếu đáp ứng đúng sở thích mua sắm của Millennials.
Gen Millennials không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn chú trọng đến chất lượng và tính bền vững của sản phẩm. Họ sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm có giá trị, được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường và có tác động tích cực đến xã hội.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử cần cung cấp thông tin minh bạch về nguồn gốc và quy trình sản xuất của sản phẩm, đồng thời đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ bền vững để đáp ứng nhu cầu của Gen Millennials. Việc xây dựng hình ảnh thương hiệu uy tín và thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội cũng là một yếu tố quan trọng để tạo dựng niềm tin và sự yêu mến của thế hệ này.
Theo dự báo của chuyên gia, Millennials, với mức chi tiêu cao và quỹ thời gian hạn chế, yêu cầu trải nghiệm mua sắm trực tuyến mượt mà và đáng tin cậy. Nếu các thương hiệu và nền tảng thương mại điện tử đáp ứng đúng nhu cầu này, tổng chi tiêu của Millennials tại Việt Nam có thể tăng từ 6,5 tỷ USD năm 2023 lên 29,7 tỷ USD vào năm 2028.
Lời khuyên cho các doanh nghiệp hướng đến nhóm đối tượng này cần lưu ý cung cấp chính sách đổi trả rõ ràng, phương thức thanh toán tiện lợi và tùy chọn giao hàng linh hoạt để đáp ứng kỳ vọng của Millennials và thúc đẩy quyết định mua hàng. Các nền tảng thương mại điện tử cần đầu tư vào công nghệ, tối ưu hóa giao diện người dùng và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thế hệ này.
Bên cạnh đó, cần quan tâm chính sách chăm sóc khách hàng, thực hiện theo dõi sau mua như cập nhật trạng thái giao hàng, tùy chọn vận chuyển nhanh, kích hoạt bảo hành tự động và gợi ý chăm sóc sản phẩm cá nhân hóa để duy trì sự gắn kết và đảm bảo trải nghiệm hậu mãi trọn vẹn.
Với nhu cầu mua sắm đa dạng và thiết yếu, Millennials luôn tìm cách cân bằng giữa công việc, gia đình và sở thích cá nhân. Xu hướng tập trung vào chăm sóc bản thân và tham gia các cộng đồng theo sở thích dẫn đến chi tiêu vào các sản phẩm cho sức khỏe và phong cách sống.