Nguy hiểm xe đạp điện 'độ' tăng tốc gấp đôi

Tình trạng quảng cáo 'độ' xe đạp điện, rao bán pin, bộ điều tốc, xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Việc học sinh điều khiển xe đạp điện 'độ' tốc độ cao không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

"Độ" tăng tốc độ gấp 2 lần

Dạo một vòng trên mạng xã hội chỉ với vài từ khóa đơn giản liên quan đến "độ" xe đạp điện, không khó để tìm được hàng loạt hội nhóm có từ vài nghìn đến hàng chục nghìn thành viên xuất hiện.

Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp thiếu niên điều khiển xe đạp điện "độ" tốc độ cao.

Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp thiếu niên điều khiển xe đạp điện "độ" tốc độ cao.

Những bài viết chia sẻ cách "độ" xe, rao bán pin, bộ điều tốc, các bộ phận phanh đĩa, ốp xe… xuất hiện nhan nhản. Thậm chí, có diễn đàn còn tổ chức cuộc thi "Xe điện độ keng Việt Nam" để tìm xem ai "độ" xe đạt được tốc độ cao nhất, đồ chất nhất. Đáng nói là đa số những người tham gia, đạt giải lại là các em học sinh, thanh thiếu niên.

Trong vai người muốn "độ" xe đạp điện, PV được một dân chơi xe "độ" ở Nam Định cho biết, giới trẻ thích "độ" xe không chỉ để tăng tốc độ di chuyển mà còn để thể hiện đẳng cấp.

Theo người này, việc "độ" xe khá đơn giản, chỉ cần tháo dây hãm tốc ở bánh sau, chiếc xe đạp điện sẽ chạy nhanh như xe máy điện. Còn muốn tốc độ nhanh hơn, mạnh mẽ, khác lạ hơn, có thể chạy ngang với xe máy cần thay đổi bộ điều tốc, nâng dung lượng pin.

Mới đây, công an một xã ở Tiền Giang kiểm tra, xử lý 4 học sinh cấp 2, cấp 3 điều khiển xe đạp điện nhưng "độ" tốc độ lên đến 60 - 70km/h, thậm chí 80 - 100km/h. Nhóm học sinh cho biết đã xin tiền gia đình để "độ" xe với chi phí từ 9 - 30 triệu đồng.

Nguy cơ mất an toàn cao

Lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo phân loại phương tiện, xe đạp điện là xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25km/h.

Mạng xã hội xuất hiện nhiều diễn đàn độ xe đạp điện mà đa số thành viên là học sinh, thiếu niên.

Mạng xã hội xuất hiện nhiều diễn đàn độ xe đạp điện mà đa số thành viên là học sinh, thiếu niên.

Để giới hạn tốc độ này của xe đạp điện, nhà sản xuất thường thiết kế một giắc cắm ở bộ điều khiển tốc độ của xe, chỉ cần tháo giắc này ra, tốc độ của xe có thể đạt từ 40 - 45km/h, tương đương xe máy điện. Với các xe "độ" tốc độ cao hơn, tức là đã can thiệp làm thay đổi dòng điện chạy qua bộ điều khiển của xe nối với tay ga.

Dòng điện càng lớn càng tốn dung lượng pin, nếu để pin nguyên bản, chiếc xe chỉ đi được chừng vài kilomet. Để đi được quãng đường xa hơn sẽ phải "độ" cả pin, lắp thêm nhiều cell pin hơn, đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí "độ" xe đạp điện cao.

Theo lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới, việc "độ" xe đạp điện tốc độ cao sẽ làm tăng khối lượng phương tiện, tăng quán tính xe chạy, khi xảy ra va chạm tạo ra động năng lớn hơn dẫn đến mất an toàn hơn.

Chưa kể, hệ thống phanh của xe đạp điện nguyên bản chỉ được thử ở tốc độ giới hạn 25km/h, do đó, khi "độ" tốc độ cao, rất khó kiểm chứng được hệ thống phanh có đáp ứng được và đảm bảo yêu cầu, an toàn lúc phanh khi xảy ra tình huống trên đường.

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh đều ở độ tuổi 15 - 18 tuổi, chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe đạp điện. Trong đó, 70% số vụ tai nạn thương vong là do học sinh đi đạp điện, xe máy điện gây ra.

Ngăn cách nào?

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, việc thay đổi động cơ và nâng cấp pin xe đạp điện không đúng tiêu chuẩn có thể dẫn đến quá tải hệ thống điện, gây chập, cháy, nổ pin.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, xe đạp điện được giới hạn tốc độ đến 25km/h, khi "độ" tốc độ cao hơn sẽ trở thành xe máy điện.

"Chưa bàn đến an toàn phương tiện khi "độ" xe, việc học sinh điều khiển phương tiện có tốc độ trên 25km/h khi chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi là vi phạm giao thông và chắc chắn không an toàn", ông Tạo nhìn nhận.

Theo ông Tạo, để ngăn tình trạng trên, cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm thanh thiếu niên điều khiển xe đạp điện "độ". Đồng thời, xem xét chế tài tịch thu phương tiện vi phạm, xử lý trách nhiệm của phụ huynh khi giao xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật cho người không đủ điều kiện điều khiển.

"Để "độ" xe cần chi phí rất lớn so với độ tuổi học sinh của các cháu, do đó, cha mẹ không thể biện minh không biết. Thực tế, khi bị xử lý, nhiều học sinh cũng khai được cha mẹ cho tiền. Xử phạt hành chính phụ huynh khi phát hiện trẻ vi phạm, thậm chí, nếu trẻ điều khiển xe gây tai nạn, cần truy cứu trách nhiệm hình sự với phụ huynh", ông Tạo nhấn mạnh.

Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan. Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng cho các em cũng như cộng đồng.

Theo lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN, đối tượng sử dụng chủ yếu là thiếu niên từ 13 - 17 tuổi, kỹ năng lái xe và kinh nghiệm xử lý tình huống khẩn cấp còn hạn chế. Vì thế, khi điều khiển xe đạp điện "độ", việc tiềm ẩn rủi ro tai nạn, mất an toàn là hiện hữu.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nguy-hiem-xe-dap-dien-do-tang-toc-gap-doi-192250416090456343.htm
Zalo