Nguy hiểm nhà ở không lối thoát hiểm thứ hai
Tại Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Một điểm chung đáng lưu ý là những căn hộ, ngôi nhà đều không có lối thoát hiểm.
Những ngôi nhà được xây dựng khung sắt thép kiên cố, kín như bưng, không có cửa thoát hiểm, được ví như những “chuồng cọp” đã trở nên rất phổ biến, nhất là tại các đô thị lớn.
Có thể nói, nhà nào cũng bị quây kín bởi lồng sắt, nhất là tại các chung cư, tập thể cũ. Ngoài bảo vệ tài sản, phòng chống trộm cắp, những “chuồng cọp” còn nhằm mục đích cơi nới thêm diện tích sử dụng.
Nhà ở kết hợp với kinh doanh cũng là điển hình tại các đô thị lớn. Đây cũng là loại hình tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, nhưng hầu hết đều không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Ông Vũ Đăng Quang, phường Định Công, quận Hoàng Mai, chia sẻ: “Mình không có đủ điều kiện nên chỉ có ở được như thế này thôi. Nhà nước làm gắt thế thì một là ở, hai là kinh doanh. Mà nhiều gia đình chứ không cứ gì nhà tôi”.
Tại Kỳ họp thứ 8 vừa diễn ra, đại biểu Quốc hội đã cho nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, đặc biệt với hai loại hình nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, phát biểu: “Trước hết, cơ quan chuyên ngành, tổ chức chuyên ngành cần có sự kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hướng dẫn các gia đình kết hợp nhà ở và kinh doanh thực hiện các quy định tiêu chuẩn đối với việc xây dựng nhà ở kết hợp kinh doanh, nhất là đối với trung tâm có đông dân cư mà không thuận lợi lắm về địa thế”.
Luật phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đã được Quốc hội thông qua. Nhưng thực tế, đang có những quy định cơ quan chức năng chưa quan tâm, nhất là xử lý vi phạm trật tự xây dựng khi người dân tự ý làm “chuồng cọp”, dựng lồng sắt. Đó cũng là nguyên nhân vì sao ở các đô thị lớn vẫn còn tồn tại những hình ảnh nhếch nhác và mất an toàn.