Nguy hiểm khôn lường từ bóng bay bơm khí Hydro
Những quả bóng bay lung linh tưởng chừng vô hại lại có thể trở thành 'quả bom nổ chậm' khi được bơm khí hydro, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể gây tai nạn nghiêm trọng.
Hàng loạt vụ nổ bóng bay, mối nguy hiểm vẫn rình rập
Sau gần một tuần tai nạn đáng tiếc trong chính bữa tiệc sinh nhật của mình, chị Phạm Giang (Hà Nội) đã chia sẻ bài viết cảnh báo về nguy cơ cháy nổ khi sử dụng bóng bay chứa khí hydro.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Giang cho biết, ngày 14/2 như mọi năm, chị Giang tổ chức sinh nhật tại nhà hàng, mời người thân, bạn bè chung vui. Để tạo không gian ấn tượng, ngoài bóng bay của nhà hàng, chị còn đặt riêng một chùm bóng in tên mình. Không khí bữa tiệc tràn ngập niềm vui, những bức ảnh đẹp liên tục được ghi lại.
Tuy nhiên, khi buổi tiệc khép lại, trong lúc quay video kỷ niệm, một tay cầm bánh sinh nhật với nến cháy, tay kia giữ chùm bóng bay, tai nạn bất ngờ xảy ra. Bóng bay hydro tiếp xúc với ngọn nến và phát nổ dữ dội. Ngọn lửa bùng lên, bén vào mặt và tay, khiến chị Giang vội quăng chiếc bánh xuống sàn.
"Khoảnh khắc đó, theo phản xạ, tôi nhắm mắt lại nhưng ngay lập tức cảm nhận được cơn đau rát trên da. Tôi lập tức chạy vào nhà vệ sinh, vã nước lên mặt", chị Giang nhớ lại.
Ngay sau đó, chị được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn. Bác sĩ chẩn đoán chị bị bỏng độ 2 ở mặt, bỏng độ 1 ở tay. Dù may mắn đôi mắt không bị ảnh hưởng, nhưng hơn một tuần trôi qua, vết bỏng vẫn đau rát, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

Bảy ngày trôi qua, sức khỏe và tinh thần của chị Giang đã dần ổn định (Ảnh: NVCC).
Theo chị Giang, chùm bóng bay của nhà hàng được bơm khí thường nên may mắn không gây ra hỏa hoạn nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, từ chính trải nghiệm của mình, chị mong muốn người bán bóng khi giao hàng nên có cảnh báo, hướng dẫn cụ thể để tránh những sự cố đáng tiếc.
Hiện tại, sức khỏe và tinh thần của chị đã dần ổn định. Nhưng mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc bóng bay phát nổ, chị vẫn không khỏi rùng mình, một phút bất cẩn có thể đổi lấy những tổn thương không chỉ trên da thịt, mà còn hằn sâu trong tâm trí.
Trước đó, báo chí đã nhiều lần cảnh báo về những vụ nổ bóng bay gây cháy nổ và tai nạn nguy hiểm, như vừa qua ngày 18/2, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một bệnh nhân nam 63 tuổi trong tình trạng nguy kịch do nổ bình khí hydro khi bơm bóng bay.
Cú nổ mạnh khiến bệnh nhân hôn mê sâu, cơ thể chịu nhiều tổn thương nghiêm trọng. Sau quá trình thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đa chấn thương, bao gồm chấn thương sọ não cùng nhiều tổn thương nặng ở chi thể.
Hay năm 2023, bảy học sinh Trường Tiểu học Yên Phú (Thanh Hóa) bị bỏng do nổ bóng bay. Trước đó một năm, một nữ sinh 15 tuổi tại Tuyên Quang cũng phải nhập viện cấp cứu do chùm bóng phát nổ khi trang trí.
Cần làm gì để đảm bảo an toàn?
Bóng bay được sử dụng rộng rãi để trang trí, dùng trong các bữa tiệc. Ngày nay, nhiều người bán sử dụng khí hydro (là loại khí dễ cháy nổ khi tiếp xúc với nguồn nhiệt hoặc tia lửa) để bơm bóng bay.
Do giá thành rẻ hơn đáng kể so với khí heli, khí hydro được nhiều người kinh doanh bóng bay lựa chọn mà không lường trước những hiểm họa đi kèm. Loại bóng này xuất hiện phổ biến ở cổng trường học, khu vui chơi, lễ hội hay các sự kiện lớn, vô tình trở thành mối đe dọa tiềm ẩn cho người sử dụng.
PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) cho biết, hơn 90% bóng bay trên thị trường hiện nay được bơm khí hydro thay vì heli. Lý do là khí heli rất hiếm, khó điều chế và có giá thành cao, trong khi hydro lại rẻ, dễ sản xuất từ vụn nhôm phế liệu và một số hóa chất.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, hydro là loại khí cực kỳ dễ cháy nổ khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc tia lửa điện. Chỉ một tàn thuốc lá, một ngọn nến hay ánh nắng gắt cũng có thể trở thành "mồi lửa" khiến bóng bay chứa hydro phát nổ.
Khi xảy ra cháy nổ, khí hydro lan tỏa nhiệt mạnh, khiến những người cầm bóng ở khoảng cách gần có nguy cơ bị bỏng nặng ở vùng mặt, tay, cổ, thậm chí gây cháy tóc và tổn thương mắt nghiêm trọng.

Nguy hiểm khôn lường từ bóng bay bơm khí Hydro.
Theo TS.BS Nguyễn Thái Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Nghệ An, bỏng do nổ bóng bay thường không quá sâu nhưng lại có diện tích tổn thương rộng, đặc biệt ở vùng mặt và tay. Điều này không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, để lại sẹo loang lổ và biến đổi sắc tố da kéo dài.
“Nhiều bệnh nhân phải mất một thời gian dài mới có thể phục hồi làn da sau bỏng. Những trường hợp có cơ địa sẹo lồi còn chịu hậu quả nặng nề hơn với các vết sẹo co dính gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc, BS. Dũng khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng khi sử dụng bóng bay bơm khí hydro.
Cụ thể, không mang bóng bay vào khu vực có nhiệt độ cao hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột (từ ngoài trời vào phòng lạnh, trong ô tô nóng,…).
Tránh xa các nguồn lửa như bếp gas, nến, bật lửa, tàn thuốc lá. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Hạn chế để trẻ nhỏ chơi với bóng bay chứa hydro, đặc biệt là trong nhà hoặc khu vực kín.
Trong trường hợp không may bóng bay phát nổ gây bỏng, cần sơ cứu đúng cách như loại bỏ ngay vụn bóng bám trên da, cởi bỏ quần áo nếu bị ảnh hưởng. Nhanh chóng làm mát vết thương bằng nước sạch hoặc ngâm vào nước lạnh. Dùng gạc y tế mỏng băng nhẹ vết thương để tránh nhiễm trùng. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.