Nguy cơ tử vong khi uống rượu ngâm
Uống rượu ngâm các loại thực vật, rễ cây rừng hay một số loại động vật là thói quen của không ít người với quan niệm để bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lý. Tuy nhiên, không ít trường hợp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh về vụ nghi ngờ ngộ độc do sử dụng rượu ngâm với cây lạ (lấy trong rừng) xảy ra sau khi ăn và uống rượu tại thôn Trại Lốc (xã An Sinh, TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Cụ thể, một nhóm trên địa bàn nói trên gồm 6 người đàn ông ngồi ăn cơm và uống rượu. Sau khi uống hết khoảng 1 lít rượu trắng mua từ quán địa phương, 5 người còn lại tiếp tục uống thêm rượu ngâm với rễ cây rừng. Sau đó ngoại trừ một người không uống rượu ngâm, 5 người còn lại xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, ngứa, nặng mi mắt, hoa mắt, buồn ngủ và mệt mỏi. Cả 5 người được đưa đến Trung tâm Y tế TP Đông Triều. Tuy nhiên, một người trong số đó đã tử vong.
Cục An toàn thực phẩm, đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tập trung điều trị cho các bệnh nhân và không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về an toàn thực phẩm và biện pháp phòng ngừa ngộ độc, đặc biệt là không sử dụng các loài thực vật, động vật lạ để ngâm rượu.
Thực tế, bên cạnh nguy cơ tử vong, tàn phế đến từ rượu giả, rượu chứa cồn công nghiệp (Methanol) thì những ca phải nhập viện do ngộ độc rượu ngâm cũng không ít. Những trường hợp này xuất hiện rải rác quanh năm và có xu hướng tăng cao vào thời điểm cuối năm – khi việc tụ tập ăn tuống tăng cao.
Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận 4 trường hợp nhập viện vì ngộ độc rượu do cùng uống rượu ngâm táo mèo tại tiệc cưới.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị ngộ độc do sử dụng rượu ngâm. Có lần, Trung tâm tiếp nhận đến 4 ca ngộ độc mật cá trắm hay các loại củ, rễ cây rừng… Nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu cho biết họ uống rượu ngâm vì cho rằng đây là loại rượu tốt trị được nhiều căn bệnh nguy hiểm. Từ đó, mỗi người dân có những kiểu ngâm rượu khác nhau, có một thực tế là người dân cứ nghe đồn con gì, cây gì lạ, bổ, nhất là an thần, bổ dương là cho vào ngâm rượu. Nhiều người thích uống rượu ngâm các loại cây cỏ hay mật gấu, rắn…”.
BS Phạm Minh Ngọc - chuyên khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội) cho biết: Hiện nay, nhiều người thường có thói quen dùng rượu ngâm với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể. Tuy nhiên, hiệu quả trong việc tăng cường sinh lý của các loại rượu ngâm vẫn chưa được kiểm chứng và chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh. Đáng nói hơn, trong khi lợi ích của các loại rượu ngâm vẫn chưa thấy rõ thì trước mắt, việc sử dụng rượu đã đem lại nhiều nguy cơ. Tất cả các loại rượu ngâm, đa phần được chế biến qua công thức truyền miệng, ngâm theo cảm tính chứ không theo một phương pháp khoa học nào để rồi chất lượng loại rượu này ra sao, công thức chuẩn đến đâu thì không ai dám chắc chắn. Bởi vậy, nếu uống vô tội vạ thì có nguy cơ cao gây ra ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột… Đặc biệt với các loại rượu ngâm động vật, nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian nên chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn… từ đó làm tăng nguy cơ ngộ độc.
BS Nguyễn Trung Nguyên đưa ra cảnh báo: Mọi người cứ nghĩ ngâm các dược liệu hay động vật là rượu thuốc nhưng thực tế nếu là thuốc chữa bệnh phải có đơn của thầy thuốc. Việc dễ dãi sử dụng dược liệu mà không tính toán được liều lượng cụ thể, không biết rõ các thành phần có thể gây ra tác dụng có hại cho loại rượu này, người uống có thể gặp những tổn thương, nhiễm độc, ngộ độc nặng nề… Có nhiều người còn ngâm những loại có độc tính cao, thậm chí có cả lá ngón… chắc chắn sẽ gây ra tình trạng loạn nhịp tim, liệt, tím tái, có thể tử vong. Do đó, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu sử dụng một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố. Đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Người dân tuyệt đối không được dùng rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) không rõ nguồn gốc để ngâm. Khi chăm sóc người uống rượu tại nhà, gia đình cần phải lưu ý, nếu người uống mất kiểm soát hành vi, không thể chủ động thực hiện những việc cá nhân nhẹ nhàng thì đã ngộ độc nhẹ. Khi đó, cần phải ngăn chặn không cho người uống rượu điều khiển phương tiện giao thông, theo dõi kiểm soát chăm sóc sức khỏe, giữ ấm khi trời rét. Nếu bệnh nhân có biểu hiện lú lẫn, lơ mơ, khò khè, gọi không nói được, chảy đờm dãi, khó thở, hôn mê, co giật, nôn nhiều phải đưa đến viện khẩn cấp để được cấp cứu kịp thời.