Cô gái một mình đi chữa ung thư và hành động ấm lòng của nam phụ xe
Ngày cuối cùng của 2024, cô gái mắc ung thư giai đoạn cuối lên xe khách đến bệnh viện truyền hóa chất. Không may, cô lên nhầm xe và hành động sau đó của nam phụ xe khiến cô gái xúc động.
"Anh ơi, em lên nhầm xe rồi. Chân em liệt, không đi lại được, em không biết phải làm sao," giọng Hà Thu run rẩy qua điện thoại.
Đầu dây bên kia, người phụ xe của chuyến đi Hà Nội đáp lại ngay lập tức, chắc nịch: "Em cứ bảo xe dừng lại, anh ra ngay đây".
Chưa đầy 10 phút sau, anh thanh niên xuất hiện, gương mặt đẫm mồ hôi. Bỏ qua ánh mắt tò mò của những hành khách xung quanh, anh lao đến, cúi xuống nhẹ nhàng đỡ Hà Thu từ ghế xuống, từng bước chậm rãi, kiên nhẫn.
Hà Thu, một nữ cảnh sát với 5 năm chiến đấu kiên cường với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, đã quen với những nỗi đau và sự mệt mỏi. Nhưng hành động tử tế, chân thành của chàng trai xa lạ đã sưởi ấm trái tim cô.
Chuyến xe đặc biệt cuối năm
Bùi Thị Hà Thu (32 tuổi, Sơn La) mắc ung thư vú giai đoạn cuối. Suốt 5 năm, Hà Thu đã truyền 82 đợt hóa chất, 2 lần gammar knife khối u não, 20 mũi xạ trị khối u vú cùng rất nhiều hóa chất khô, thuốc kháng sinh đi vào cơ thể.
Khối u ác tính đã loét, hoại tử và di căn phổi, xương, não khiến sức khỏe của cô ngày càng kém đi. Hai chân đã liệt, cô phải thở oxy 24/24. Để điều trị bệnh trị, Hà Thu phải đi xe khách từ Sơn La xuống Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an, Hà Nội) truyền hóa chất rồi bắt xe về lại.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Hà Thu cho biết nhà cách bệnh viện khoảng 300 km, chân không đi lại được nên mỗi lần đi phải đặt trước chỗ của xe khách, với yêu cầu nằm ghế hàng đầu. Trong lúc di chuyển, Hà Thu phải mang bình oxy lên xe để thở.
Trong đợt truyền hóa chất thứ 83 - xong đợt này sẽ được về nhà đón Tết, Hà Thu đã lên một chuyến xe rất đặc biệt. Bến xe những ngày cận Tết thường rất đông, mẹ cô đưa ra bến xe, cõng lên xe. Khi con gái nằm yên vị, mẹ cô mới ra về.
Khi xe di chuyển ra khỏi bến, Hà Thu phát hiện lên nhầm xe. Loay hoay tìm điện thoại, cô gọi cho người phụ xe ở xe đã đặt, giọng lo lắng thông báo đã lên nhầm xe. Anh thanh niên nhanh chóng trấn an cô và có mặt hỗ trợ sau 10 phút.
Khi Hà Thu đã an toàn tựa trên vai, anh phụ xe bước đi vững chãi, nhưng hơi thở đã bắt đầu nặng nhọc. Trên lưng anh là cơ thể gầy guộc của Thu.
Đặt cô vào chỗ ngồi an toàn, anh phụ xe thở phào, bắt đầu hỏi han: "Chị bị bệnh gì? Chị đi xạ trị về à?". Nhìn thấy ánh mắt áy náy của Hà Thu vì lên nhầm xe mà khiến anh vất vả, anh xua tay cười lớn: "Em giữ tiền mà chữa bệnh đi, lần sau anh lấy vé sau".
Rời bến, xe bắt đầu chạy bon bon về phía nhà Hà Thu. Có lẽ, với cô đây là chuyến xe đặc biệt nhất trong suốt 5 năm di chuyển giữa Sơn La và Hà Nội để điều trị bệnh.
Lạc quan đi truyền thuốc một mình
Từ khi phát hiện mắc bệnh, Hà Thu chọn cách tự mình đi điều trị. Cô không muốn gia đình phải chứng kiến cảnh mình đau đớn trên giường bệnh, hoặc nếu có, họ cũng chỉ xuất hiện rất ít lần.
"Tôi sợ gia đình và con trai đau lòng. Nỗi đau tinh thần này còn khó chịu hơn gấp nhiều lần nỗi đau thể xác," Thu tâm sự.
Ngoài ra, cô cho rằng bản thân vẫn đủ sức khỏe để tự di chuyển đến bệnh viện. Hà Thu muốn mạnh mẽ đối diện với căn bệnh ung thư, để sau này con trai có thể tự hào về một người mẹ kiên cường, đầy nghị lực.
Suốt 5 năm qua, Thu tự mình đi xe từ Sơn La đến Hà Nội để điều trị hoặc trở về nhà. Chỉ khi quá mệt, Hà Thu mới nhờ người đưa đi và chăm sóc. Theo cô, khi nằm trên xe thở oxy, không cần thiết phải có người nhà đi cùng. Đến nơi, luôn có người đón, nên cô cảm thấy mọi việc vẫn trong khả năng tự lo liệu.
Những ngày còn khỏe, Thu tự ra bến xe, lên xe và đến bệnh viện mà không cần sự trợ giúp. Tuy nhiên, khi sức khỏe ngày một yếu đi, đến mức chân bị liệt, cô bắt đầu cần sự hỗ trợ trong việc di chuyển.
Những đợt hóa trị và xạ trị khiến cơ thể cô mệt mỏi, buồn nôn, đau nhức cơ xương khớp và chán ăn. Lúc này, mẹ Thu luôn ở bên cạnh chăm sóc, như một điểm tựa giúp cô vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Những bữa cơm đơn giản mẹ chuẩn bị, những lời động viên nhẹ nhàng giữa cơn đau luôn khiến cô thấy mình không đơn độc trong hành trình này.
Sang năm mới, Hà Thu chỉ mong có đủ sức khỏe để sống hạnh phúc bên gia đình và chứng kiến con trai trưởng thành. Niềm hy vọng giản dị nhưng đủ để tiếp thêm sức mạnh, giúp cô kiên cường chiến đấu vì bản thân và những người thân yêu.