Nguy cơ từ những bữa tiệc cuối năm
Cuối năm là cao điểm của những bữa tiệc liên hoan, tất niên… và hệ quả là lượng rượu bia tiêu thụ lại gia tăng đột biến. Dù đã được cảnh báo qua rất nhiều năm, thế nhưng số ca nhập viện vì ngộ độc rượu bia do lạm dụng hay do sử dụng rượu giả đều tăng cao vào thời điểm này.
Bệnh nhân Đ.T.T. (41 tuổi, trú tại TP Vinh) vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện. Tại đây các bác sĩ đã xử trí cấp cứu và giúp bệnh nhân có lại mạch, rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để tiếp tục chữa trị.
Bệnh nhân được nhanh chóng tiến hành cấp cứu thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng nên đã tử vong.
Một trường hợp khác là bệnh nhân L.X.Đ. (48 tuổi, trú tại TP Vinh, cùng uống rượu với bệnh nhân Đ.T.T.) nhập viện với triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, mệt mỏi. Qua xét nghiệm Methanol trong máu cho kết quả 63,85 mg/100ml. Các bác sĩ khoa chống độc đã tiến hành lọc máu một lần, đến ngày 1/12/2024 thì bệnh nhân tỉnh, nhìn mờ và xin ra viện.
Còn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2024, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân bị ngộ độc rượu và rượu chứa Methanol. 1/3 trong số đó bị biến chứng nặng. Đáng chú ý, các bác sĩ cho hay, thông thường, tình trạng ngộ độc liên quan đến rượu vào dịp Tết thường tăng từ 3 - 4 lần với ngày thường.
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết: “Trong thời điểm cuối năm, gần như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu, hơn nữa, hầu hết các trường hợp này đều là thanh niên hoặc đang trong độ tuổi lao động. Bệnh nhân đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên”.
Chuyên gia lý giải thêm, thành phần Ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não. Nếu tình trạng này được xử lý chậm, tổn thương não sẽ lan rộng hơn gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong. Đặc biệt, những người gầy, yếu, suy kiệt và người trẻ (dưới 30 tuổi) là đối tượng dễ bị hạ đường huyết do rượu.
Không dừng lại tại đó, số ca tử vong, nhập viện do dùng phải rượu có chứa Methanol cũng có xu hướng gia tăng trong thời điểm hiện tại. Theo các chuyên gia, rượu có chứa hàm lượng Methanol cao do có thể rượu được pha từ cồn công nghiệp hoặc dùng nguyên liệu có lẫn bã (gỗ). Thường rượu được chưng cất từ gạo (tẻ, nếp) hoặc từ đường mía (dạng mật mía). Trong quá trình lên men chưng cất, bã sẽ phân hủy cho ra Methanol. Một lượng lớn rượu bán trên thị trường chế theo cách này.
Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc để làm cho rượu ra nhanh hơn, dậy mùi hơn, mà không biết làm như thế là đưa chất độc Methanol vào rượu. Methanol không phải là thực phẩm, vì vậy việc sử dụng các loại rượu có nồng độ Methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là dưới 0,1%, nghĩa là trong 1.000ml rượu chỉ có dưới 1ml Methanol) có thể gây ngộ độc Methanol.
“Nếu uống phải rượu Methanol bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng, nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê. Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau 1 ngày uống. Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. Có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn. Ngoài thở máy bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, truyền ethanol tinh khiết, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng” – BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.
Về lâu dài, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc hơn 200 bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh về gan, tuyến tụy và một số bệnh ung thư, cụ thể: huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, ung thư miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng, trực tràng...
Không chỉ gây ra những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, lạm dụng rượu bia còn gây ra những hệ quả nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu của Viện sức khỏe tâm thần quốc gia đã chỉ ra, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện loạn thần do sử dụng nghiện chất thì rượu đứng hàng đầu. Cụ thể hơn, 26.6 % bệnh nhân vào viện để cai rượu chủ động hoặc triệu chứng cai nhẹ, 6,5 % bệnh nhân vào vì sảng rượu, 59 % bệnh nhân vào viện vì loạn thần do rượu. Nghiên cứu này khẳng định, lạm dụng rượu gây hại cả về thể chất và tinh thần. Các trường hợp hay gặp như loạn thần do rượu bệnh nhân có triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc như hưng cảm, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và nhận thức...
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, cách tốt nhất để tránh nguy cơ ngộ độc rượu là không uống rượu, đặc biệt là các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong dịp cuối năm, uống rượu bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ, kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc.
Đặc biệt, người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người say vẫn nhận biết được thì nên cho ăn uống thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời, gia đình cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Mỗi năm, Việt Nam có tới 40.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia. Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.