Người đau dạ dày có nên uống nước cam?
Nhiều quan điểm cho rằng người mắc bệnh dạ dày nên kiêng hoàn toàn nước cam vì tính acid trong loại quả này có thể làm tình trạng đau trở nên trầm trọng hơn.
Đau dạ dày (hay đau bao tử) là cơn đau do viêm hoặc loét niêm mạc dạ dày gây ra. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, việc ăn uống không đúng cách hoặc sử dụng thực phẩm có tính kích thích mạnh có thể khiến tình trạng viêm nghiêm trọng hơn, dẫn đến cơn đau dữ dội.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, người bệnh đau dạ dày có thể ăn hoặc uống nước cam, nhưng cần sử dụng với lượng vừa đủ. Thời điểm thích hợp để uống nước cam là sau bữa ăn 30 phút đến 1 giờ. Không nên uống nước cam hoặc ăn cam thường xuyên, đặc biệt khi đói bụng, vì sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Người đau dạ dày nên hạn chế các thực phẩm có tính acid hoặc vị chua mạnh như cam, quýt, chanh. Nước cam chứa lượng lớn acid, nếu sử dụng thường xuyên sẽ làm tăng nồng độ acid dịch vị, gây kích thích niêm mạc dạ dày và khiến cơn đau nặng hơn.
Tuy nhiên, vitamin C trong nước cam lại có vai trò bảo vệ thành mạch và là chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Vì vậy, việc thỉnh thoảng ăn cam không gây ảnh hưởng lớn đến bệnh. Người bệnh cũng có thể bổ sung vitamin C bằng cách sử dụng viên nén vitamin C. Cách này không làm tổn thương dạ dày, đồng thời giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm, ngăn ngừa vi khuẩn HP – nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày.
Ngoài nước cam, các loại rau củ quả như giá đỗ, bông cải trắng, bông cải xanh, rau dền, ớt chuông, dưa hấu, hành tây… cũng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Những thực phẩm này không chứa nhiều acid, giúp bổ sung dinh dưỡng mà không gây kích thích niêm mạc dạ dày.