Nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ung thư từ món chân gà khoái khẩu
Từ những hàng quán vỉa hè đến các bữa nhậu, chân gà xuất hiện phổ biến dưới nhiều hình thức như chân gà nướng, chân gà rút xương sả tắc… Tuy nhiên, ít ai biết rằng món ăn hấp dẫn này lại tiềm ẩn hàng loạt mối lo sức khỏe.
Chân gà chế biến là món ăn được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, gần đây, tại nhiều địa phương, mặt hàng này liên tục bị phát hiện, thu giữ do không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Sáng 27/5, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thông tin, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai đã kiểm tra container tại lô F20, Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, xã Vạn Hòa, TP Lào Cai và phát hiện 1,5 tấn chân gà đông lạnh không có nhãn mác, không thể hiện xuất xứ, không có số lô sản xuất.
Trước đó, ngày 24/5, tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, thu giữ 1,4 tấn chân gà không có hóa đơn chứng từ đang trên đường về Hà Nội tiêu thụ. Toàn bộ lô hàng là chân gà đã sơ chế (loại chiên, rán), đóng gói sơ sài, nhiều sản phẩm đã lên nấm mốc.

Ảnh minh họa
Trên thực tế, chân gà là món ăn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Chân gà chủ yếu gồm mô liên kết và sụn, rất giàu collagen. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients cho thấy bổ sung collagen có tác dụng giảm đau do thoái hóa khớp và tăng cường chức năng vận động. Collagen trong chân gà cũng giúp tóc, móng chắc khỏe, giảm gãy rụng, đồng thời làm da mịn màng, ẩm mượt và ít nếp nhăn.
Ngoài ra, các axit amin như glycine và glutamine trong chân gà hỗ trợ sức khỏe đường ruột – nơi tập trung phần lớn tế bào miễn dịch. Gelatin từ collagen cũng giúp bảo vệ niêm mạc ruột, tăng hấp thu dinh dưỡng và giảm viêm.
Glycine - một axit amin có nhiều trong chân gà - hỗ trợ phục hồi mô, làm lành vết thương và giúp thư giãn. Một nghiên cứu đăng trên Sleep and Biological Rhythms cho thấy dùng glycine trước khi ngủ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm mệt mỏi.
Tuy nhiên, nếu không may ăn phải những sản phẩm không đạt chuẩn, nguy cơ tiềm ẩn nguy hại sức khỏe cũng rất cao, không chỉ gây rối loạn tiêu hóa, nguy cơ ngộ độc thực phẩm mà lâu dài có thể cả ung thư.
Nguy cơ nhiễm khuẩn từ món chân gà
Chân gà là bộ phận tiếp xúc nhiều với môi trường bẩn, khả năng lây nhiễm bệnh cao. Đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa. Việc sử dụng chân gà không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nếu không được sơ chế và nấu chín kỹ, chân gà có thể là nguồn lây nhiễm vi khuẩn như Salmonella, E.coli hay tụ cầu khuẩn – tác nhân gây ra các bệnh tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Nguy cơ tồn dư hóa chất
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là hiện tượng chân gà nhập lậu, chân gà đông lạnh giá rẻ được tuồn vào thị trường mà không qua kiểm định. Nhiều lô hàng có thể đã hết hạn sử dụng, bị tẩy trắng bằng hóa chất độc hại như hydrogen peroxide, hàn the, hoặc chất tẩy công nghiệp để tạo màu trắng đẹp mắt và kéo dài thời gian bảo quản. Khi tiêu thụ loại chân gà này, người dùng có nguy cơ nhiễm độc tích lũy theo thời gian, ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thần kinh và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.
Tẩm ướp chất phụ gia
Không chỉ chất bảo quản mà hàm lượng chất phụ gia cũng chứa đầy trong những loại chân gà đóng gói sẵn. Các chất phụ gia như hương liệu, chất điều vị có thể không tốt cho sức khỏe nếu tiêu thụ trong thời gian dài. Chưa kể, việc tự sản xuất không theo quy định, liều lượng thì nguy cơ ung thư càng đến gần hơn.
Hàm lượng natri cao
Với những loại chân gà đóng gói sẵn thường được ướp muối hoặc gia vị có hàm lượng natri cao, có thể gây hại cho hệ tim mạch, gan thận... Nhất là những người đã thích ăn, ăn nhiều mỗi lần thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Tác động tiêu cực đến người có bệnh lý nền
Chân gà tuy chứa collagen – một loại protein có lợi cho da và xương nhưng lại không phù hợp với một số đối tượng. Người mắc bệnh gout cần đặc biệt tránh ăn quá nhiều chân gà do đây là thực phẩm giàu purine, dễ làm tăng axit uric trong máu và gây ra các cơn đau cấp. Ngoài ra, chân gà có thể chứa một lượng chất béo bão hòa và cholesterol, đặc biệt nếu chế biến theo kiểu chiên giòn hoặc nướng mỡ. Điều này không có lợi cho những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp hay rối loạn mỡ máu.
Tăng nguy cơ béo phì khi ăn thường xuyên
Một khẩu phần chân gà có thể không gây ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng nếu ăn quá thường xuyên – đặc biệt là vào buổi tối hoặc kèm theo bia rượu sẽ làm tăng lượng calo, chất béo nạp vào cơ thể, từ đó gây thừa cân, béo phì. Trong khi đó, chân gà lại không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết để cân bằng chế độ ăn.

Ảnh minh họa
Những ai nên hạn chế ăn chân gà?
Mặc dù chân gà là món ăn giàu collagen và có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng nên tiêu thụ thực phẩm này một cách thường xuyên.
Người mắc bệnh gout hoặc có nguy cơ cao bị gout
Theo Hiệp hội Thận Quốc gia Hoa Kỳ, chân gà là thực phẩm chứa hàm lượng purine khá cao. Khi vào cơ thể, purine sẽ được chuyển hóa thành axit uric – yếu tố chính gây ra các đợt đau cấp ở bệnh nhân gout. Vì vậy, người đang điều trị gout hoặc có nồng độ axit uric cao trong máu nên hạn chế ăn các món như chân gà, nước hầm xương, nội tạng động vật.
Người có cholesterol cao hoặc mắc bệnh tim mạch
Mặc dù chân gà không thuộc nhóm thực phẩm quá nhiều chất béo, nhưng tùy vào cách chế biến – đặc biệt là khi chiên rán trong dầu mỡ – chúng vẫn có thể chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa. Việc tiêu thụ thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch hoặc làm nặng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu.