Nguy cơ núi rác thải điện tử từ sản phẩm công nghệ giá rẻ
Sản phẩm công nghệ giá rẻ như quạt mini, sạc dự phòng, bàn chải điện thường bị vứt bỏ nhanh chóng và trở thành rác điện tử, góp phần gây nguy hại nghiêm trọng tới môi trường.
Rác thải điện tử từ những sản phẩm công nghệ dùng một lần
Sản phẩm công nghệ giá rẻ như quạt mini, sạc dự phòng, bàn chải điện thường bị vứt bỏ nhanh chóng và trở thành rác điện tử, góp phần gây nguy hại nghiêm trọng tới môi trường."Công nghệ nhanh" chỉ những thiết bị điện tử nhỏ, có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, thường được mua online để phục vụ nhu cầu ngắn hạn, từ quạt mini, cáp sạc, tai nghe đến bóng đèn LED. Nhiều sản phẩm trong số đó khó sửa chữa, không được tái chế và có xu hướng "dùng một lần".

Sản phẩm công nghệ giá rẻ, dùng một lần có thể là nguồn rác thải điện tử khổng lồ khó xử lý.
Rác điện tử đã trở thành "nỗi đau đầu" toàn cầu và công nghệ nhanh đang góp phần làm gia tăng vấn đề. Khảo sát tại Anh của công ty Opinium cho thấy, chi tiêu cho công nghệ nhanh đã tăng từ 2,8 tỷ bảng Anh năm 2023 lên 11,6 tỷ bảng vào năm 2025. 84% số người được hỏi cho biết đã mua mặt hàng này trong năm qua. Ước tính gần 22 triệu thiết bị công nghệ nhanh – chứa các kim loại giá trị như lithium, đồng, vàng – không còn được sử dụng chỉ một tháng sau khi mua.
Tổ chức phi lợi nhuận Material Focus ước tính hơn 1,14 tỷ thiết bị điện tử nhỏ được mua và khoảng một nửa (589 triệu thiết bị) bị vứt bỏ mỗi năm, tương đương 19 thiết bị mỗi giây. "Chúng ta đã có thức ăn nhanh, thời trang nhanh, và giờ là thời đại công nghệ nhanh. Chúng tôi không phản đối công nghệ, nhưng lo ngại về số lượng sản phẩm chất lượng thấp, rẻ tiền, mỏng manh đang tràn ngập thị trường và nhanh chóng bị thải loại hoặc không sử dụng," ông Scott Butler – Giám đốc điều hành Material Focus – cho biết.
Công nghệ nhanh "theo mùa" – những sản phẩm rẻ tiền được mua vào các dịp trong năm như quạt mini vào mùa hè hoặc áo len phát sáng dịp Giáng sinh – là một vấn đề đáng lưu tâm. Năm ngoái, người Anh đã mua khoảng 7,1 triệu quạt mini và bỏ xó hơn 3,5 triệu chiếc.
Nhà khoa học môi trường Laura Young đánh giá công nghệ nhanh đại diện cho mối đe dọa môi trường mới, không chỉ do các hóa chất bên trong có thể độc hại, mà còn bởi khối lượng lớn và vòng đời ngắn.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, cả nước phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm, dự kiến sẽ tăng lên 250.000 tấn vào năm 2025, chỉ tính riêng tivi và linh kiện điện tử. Đây là loại chất thải có tốc độ gia tăng nhanh nhất hiện nay, gây áp lực lớn cho công tác quản lý và xử lý môi trường.
Nguyên nhân chủ yếu là do tuổi thọ thiết bị ngắn, cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ khiến thiết bị nhanh chóng lỗi thời. Ngoài ra, hệ thống thu gom và xử lý rác thải điện tử còn kém hiệu quả, dẫn đến lượng lớn rác bị xả thẳng ra môi trường.
TS Bùi Huy Hải, Khoa Điện tử và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, rác thải điện tử bao gồm các thiết bị điện tử, tấm pin mặt trời, ắc quy... thuộc nhóm chất thải độc hại, với thành phần hóa học, nhựa, chất phụ gia và kim loại nặng như chì, thủy ngân, lưu huỳnh, niken...
Trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý cơ học, thủy luyện, đặc biệt là đốt cháy bảng mạch điện tử, nếu không đúng cách sẽ thải ra các khí độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh lượng rác thải điện tử nội địa, một lượng lớn rác thải điện tử và phế liệu, thiết bị điện tử, máy móc cũ đã qua sử dụng được nhập khẩu trái phép vào Việt Nam cũng có xu hướng tăng mạnh.
Giải pháp xử lý rác thải điện tử
Theo TS Bùi Huy Hải, hiện nay, quá trình thu gom, phân loại và xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam vẫn đang thực hiện thủ công. Rác thải điện tử chủ yếu được thu gom bởi người thu mua phế liệu, các cơ sở tái chế vừa và nhỏ và tập kết lại tại các làng nghề để tái chế. Việc tái chế rác thải điện tử hiện nay đa phần sử dụng phương pháp hỏa luyện và thủy luyện với công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến sức khỏe của con người và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Ngoài ra, rác thải điện tử còn được nhiều người tái sử dụng để bán trở lại thị trường. Tuy nhiên, lượng thiết bị được thu gom vẫn còn hạn chế so với lượng rác thải phát sinh.
Để quản lý chất thải điện tử theo định hướng kinh tế tuần hoàn, cần xây dựng giải pháp đồng bộ, tối ưu từ công đoạn tiền xử lý, tháo dỡ rác thải điện tử đạt hiệu quả cao, đến việc thu gom, quản lý rác thải tập trung, phát triển các công nghệ xử lý chất thải độc hại, đưa ra các quy trình thủy luyện thu hồi kim loại màu từ các bảng mạch điện tử in, công nghệ tái chế thủy tinh. Nếu tối ưu ngay từ khâu tiền xử lý rác thải điện tử, thì bước xử lý chất thải điện tử, thu hồi và tái sử dụng sẽ tăng được hiệu quả đáng kể.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có luật về quản lý chất thải điện tử, chính quy hóa hoạt động tái chế. Nhà nước cần thiết lập hệ thống thu gom rác thải điện tử định kỳ, duy trì thường xuyên theo đúng quy định pháp luật, kiểm soát nguồn gốc chất thải điện tử, bố trí điểm tập trung rác thải điện tử, tách biệt với rác thải khác. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giải pháp công nghệ, gắn với triển khai thực tế ở quy mô công nghiệp.
Về phía chính quyền địa phương, cần rà soát các cơ sở tái chế chưa có giấy phép hoạt động và kịp thời hướng dẫn thủ tục đăng ký, đảm bảo các cơ sở hoạt động hiệu quả. Các bộ/ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng ban hành các chính sách ưu đãi với công tác thu hồi, xử lý rác thải điện tử, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc thu gom rác thải điện tử.
Một chuyên gia trong ngành cho rằng, sự kết hợp giữa nhựa và các thành phần điện đã tạo ra "một hỗn hợp độc hại rất khó tái chế". Nhiều thiết bị công nghệ giá rẻ không được thiết kế để sửa chữa hoặc sử dụng lâu dài làm trầm trọng thêm vấn đề rác thải. Giải pháp là xây dựng "một nền kinh tế tuần hoàn", trong đó nhà sản xuất chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm và được khuyến khích cải tiến để sản phẩm dễ sửa chữa hơn. Người tiêu dùng cũng có thể góp phần bằng cách không mua công nghệ nhanh.