Nguy cơ ngộ độc rượu, thực phẩm
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dịp Tết khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng là lúc nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có rượu.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thời gian này gần như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc rượu. TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc thông tin, các bác sĩ đang điều trị cho trường hợp điển hình của ngộ độc rượu. Bệnh nhân H.M.Th (25 tuổi) rơi vào trạng thái hôn mê sâu sau khi liên hoan với nhóm bạn.
Cùng phòng là bệnh nhân P.T.K. (61 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân này có thâm niên uống rượu hơn 40 năm. Trước khi nhập viện, mỗi ngày ông K uống 1 lít rượu. Hiện bệnh nhân bị xơ gan, đái tháo đường, gout, kèm theo xuất huyết da, máu giảm, thực quản và dạ dày bị loét, hoại tử chỏm xương đùi, teo não, miễn dịch kém…
Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt và dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Theo Trung tâm Chống độc, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà do người kinh doanh đã mua cồn công nghiệp về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm. Sau đó, họ trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi. Một nguyên nhân nữa là nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Nguyên nhân là do thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm được xử lí, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.
Nhiều người còn có thói quen pha rượu với nước ngọt, bia, cà phê, hoa quả… Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích có trong các loại đồ uống nêu trên tăng cao. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh, khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với đồ uống thông thường. Riêng rượu pha với bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó, khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say, lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.
Tăng cường thanh kiểm tra an toàn thực phẩm
Thành phố Hà Nội đang bắt đầu vào đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong thông tin, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm sau công bố, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm lưu thông nhiều trong dịp Tết, các sản phẩm rượu, nhất là các loại rượu được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, thành phố xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) và 29 người gặp sự cố về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố đã phát hiện hơn 10.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 1.403 cơ sở với số tiền gần 24,8 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá: “Các vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu trong năm 2022 là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận hết hạn; không tiến hành khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động; không bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều; kinh doanh hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm... Do đó, không chỉ lo về ngộ độc rượu, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, người dân cũng cần cảnh giác với những loại hàng giả, hàng kém chất lượng”.