Nguồn nhân lực: Rường cột cho sự đột phá

Đội ngũ lãnh đạo, nhà khoa học và chuyên gia kinh tế tầm chiến lược là nhân tố quyết định, mở ra đột phá trong công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nói tới nhân tố căn bản bảo đảm công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới xây dựng nguồn nhân lực, rường cột là đội ngũ các nhà chính trị, các kinh tế gia, khoa học gia ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình phát triển, hệ thể chế tương hợp, làm chủ sự vận hành và sức mạnh của nền kinh tế và xã hội quốc gia.

Hiện nay, cùng với các lợi thế, phải thấy rằng, nguồn nhân lực của chúng ta có nhiều hạn chế, yếu kém: Gần 75% lực lượng lao động, khoảng 45 triệu người, chưa qua đào tạo. Năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 70/100 nước về độ sẵn sàng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Mặc dù có khoảng 90 vạn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có một số lượng lớn kỹ sư về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu... nhưng chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam vẫn xếp thứ 80/100 nước, chỉ hơn Campuchia (92/100), nhân lực có chuyên môn cao cũng thuộc nhóm cuối bảng, xếp thứ 81/100 nước.

Đồng thời, Việt Nam đang đứng thứ 90/100 nước về công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt năng suất lao động quá thấp, chỉ bằng 7% của Singapore...

Hơn nữa, nền sản xuất của nước ta cũng chưa sẵn sàng đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xếp thứ 48/100 nước và đứng thứ 53/100 nước về chỉ số động lực sản xuất. Thời gian qua và sắp tới, dự báo sẽ có số lượng lớn nhân tài trên các lĩnh vực "chảy" ra nước ngoài.

Xử lý trọng sự đó càng đòi hỏi sự lãnh đạo, tổ chức và kết hợp một cách khôn ngoan và sáng tạo, lựa chọn và tập trung nguồn lực cho các mục tiêu ưu tiên để tạo nên sức mạnh tổng hợp trên phương diện này.

Nói cách khác, chúng ta cần đột phá xây dựng cho kỳ được một đội ngũ lãnh đạo đất nước không chỉ hội tụ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh mà còn thể hiện quyền năng và quyền lực của nền chính trị, quyền lực nền kinh tế quốc gia và quyền uy cá nhân, với tư cách là nhà chính trị và nhà khoa học… trên tất cả các lĩnh vực phát triển quốc gia.

Có thể nói, đó là trọng tâm của công việc đột phá xây dựng nguồn nhân lực hiện nay mà không thể không dành sức mạnh và điều kiện trước hết và thường xuyên để quyết làm tốt nhân tố có ý nghĩa quyết định thành bại mang tầm chiến lược này. Đột phá của đột phá trên phương diện này chính là đây.

Trước hết, trong đổi mới tư duy chính trị, tiếp tục đổi mới tư duy về chính trị gia, nhất là tư duy về thủ lĩnh chính trị, tức là đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, theo hướng chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa.

Ứng dụng công nghệ AI và học máy trong ngành y tế. Ảnh minh họa

Ứng dụng công nghệ AI và học máy trong ngành y tế. Ảnh minh họa

Nếu xem chính trị, với nghĩa rộng nhất, như người xưa nói là: "Chính trị là chính trực. Nếu lấy chính trực mà hành xử, mà điều hành chính sự thì có ai dám không chính trực" thì tham chính là một công việc chính trực nơi chính trường phức tạp.

Nói cụ thể, tham gia chính trị là chỉ làm mọi công việc chính đáng mà thôi. Do đó, chính trị là một công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp tinh hoa và những người làm chính trị phải là những phần tử tinh hoa có tầm nhìn, chính trực và liêm chính.

Vì vậy, trong công cuộc phát triển nguồn nhân lực, rường cột ở đây là xây dựng đội ngũ những nhà chính trị điều hành nền chính trị, quản trị quốc gia ở nước ta không thể không làm cho kỳ được mấy việc chủ yếu tối thiểu sau đây:

Một là, xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, yêu cầu của những lĩnh vực chính trị cơ bản và chủ yếu, các chức danh chính trị… phù hợp với nền chính trị của chúng ta. Trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn chiến lược, sự dũng cảm, danh dự và liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, từ rất xa xưa, ở các thể chế văn minh, người ta xem trọng sự ngay thẳng, trong sạch về phẩm hạnh của chính trị gia.

Hai là, đổi mới mối quan hệ giữa chính trị và khoa học, trước hết là mối quan hệ giữa chính trị gia và khoa học gia, một cách dân chủ và hài hòa. Đó chính là vấn đề chính trị và kỹ trị, chính trị và quản trị.

Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định thành bại việc kiến tạo quyết sách chính trị phát triển quốc gia. Vì, chính trị của chúng ta không phải là thứ chính trị suông mà ở góc độ nào đó chính trị chính là đạo đức, chính trị là kinh tế; là vị thế đất nước và sức mạnh quốc gia; là sự tự trọng và liêm chính của chính trị gia, quản trị gia.

Nếu các nhà lãnh đạo, quản lý của chúng ta là những nhà chính trị, thì tối thiểu họ cũng đồng thời là những nhà khoa học về chính trị và gắn bó với các nhà kỹ trị, vì sự phát triển của nền chính trị nước nhà.

Đến lượt các khoa học gia, kỹ trị gia, họ tối thiểu là những người cống hiến, xả thân vì sự phát triển của quốc gia, của dân tộc, tức là mang tư chất và phẩm hạnh của chính trị gia. Tất cả, dù là ai, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài".

Nghĩa là: Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Cùng với tu dưỡng đạo đức, mỗi chính trị gia tự nâng mình về mặt trí tuệ, để thực sự là người dẫn dắt, xứng tài sáng đức.

Thực tiễn cho thấy, người có đạo đức, không có tài năng là người có bộ giáp và không có kiếm, mà khi không có kiếm, đạo đức ấy tốt nhất là chỉ bảo vệ được người mặc, nhưng sẽ không cho phép anh ta bảo vệ được bạn bè.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người được giao trọng sự hoạch định thể chế, kế sách mà thiếu đạo đức, thì cái gọi là "tài năng" sớm hay muộn cũng sẽ tạo nên nạn phường hội, lợi ích nhóm, băm nát lợi ích quốc gia, thậm chí làm băng hoại cả thể chế.

Ba là, khai mở mọi con đường thu hút nhân tài bằng cơ chế dân chủ; đồng thời, sửa đổi thể chế đối đãi với nhân tài, nhất là những người làm chính trị, những doanh nhân tiên phong, những nhà khoa học trên những lĩnh vực khoa học chính trị, khoa học xã hội và khoa học công nghệ tiên phong, thật ngang tầm và xứng đáng.

Thông qua mọi con đường phát hiện, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu chính trị, những người có nguyện vọng làm các công việc chính trị… ở tất cả mọi nơi, đối với mọi lứa tuổi, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…

Đối với đội ngũ khoa học gia, tập trung phát triển lực lượng trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học nhân văn, khoa học kinh tế và khoa học y tế, theo hướng đi tắt đón đầu, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ theo nhịp phát triển của thế giới. Vấn đề này có ý nghĩa thành bại trong cuộc xây dựng một nước công nghiệp, hiện đại, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay.

Theo đó, cần xác lập hệ thể chế hợp thành cơ chế tuyển dụng nhân tài một cách dân chủ và phù hợp mang tầm chiến lược. Ở đây, tối thiểu với bảy "con đường": thi tuyển, tranh tuyển, ứng tuyển, tiến tuyển, bổ tuyển, bầu tuyển, cử tuyển, để tuyển dụng nhân tài.

Kiểm tra, thanh lọc họ thật đúng đắn trên chính trường, trong công việc lãnh đạo hay quản trị một cách phù hợp, theo phương châm năm hóa: tiêu chuẩn hóa, khoa học hóa, dân chủ hóa, kiểm nghiệm hóa, trách nhiệm hóa.

Đồng thời, trên nền tảng pháp quyền, xử lý thật dân chủ và nghiêm minh những nhà chính trị và bất cứ ai làm tổn hại uy tín và sức mạnh nền chính trị đất nước; bảo vệ những chính trị gia, quản trị gia, những doanh nhân tiên phong, những khoa học gia một cách chủ động và chặt chẽ.

Đây là công việc then chốt, khâu đột phá của đột phá trong xây dựng nguồn nhân lực có ý nghĩa thành bại của tiến trình đổi mới đất nước.

(Còn nữa)

TS. Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguon-nhan-luc-ruong-cot-cho-su-dot-pha-20250107172649262.htm
Zalo