Việt Nam đề cao hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm trong kỷ nguyên số

Việt Nam kêu gọi tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế để phòng chống hữu hiệu các loại hình tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mạng.

Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tham dự Hội nghị.

Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tham dự Hội nghị.

Từ ngày 21-23/1, tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị trù bị khu vực về tội phạm. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về tội phạm và tư pháp hình sự lần thứ 15 với chủ đề "Đẩy mạnh phòng chống tội phạm, tư pháp hình sự và pháp quyền: Bảo vệ con người, hành tinh và hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trong thời đại số" dự kiến diễn ra tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vào tháng 4/2026.

Hội nghị trù bị khu vực có sự tham gia của 24 nước, Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và tội phạm (UNODC) và Ngân hàng thế giới cùng nhiều viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ liên quan đến phòng, chống tội phạm.

Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do ông Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, làm Trưởng đoàn.

Trong 3 ngày làm việc, Hội nghị tập trung thảo luận về 4 chủ đề: Đẩy mạnh chiến lược ngăn ngừa tội phạm hướng tới phát triển kinh , xã hội và môi trường; xây dựng hệ thống tư pháp hình sự lấy con người làm trung tâm; xử lý và trấn áp tội phạm có tổ chức và khủng bố dưới mọi hình thức và thủ đoạn và tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác.

Thảo luận tại Hội nghị, các nước nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp quyền và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như sự cần thiết xây dựng hệ thống tư pháp công bằng, bao trùm và có khả năng thích ứng cao để đạt mục tiêu này.

Các nước ghi nhận các tác động nhiều chiều của khoa học - công nghệ đối với công tác phòng, chống tội phạm. Một mặt, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, ngày càng xuất hiện thêm những loại hình tội phạm mới, như tội phạm mạng, lừa đảo trên mạng… đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật; mặt khác khoa học – công nghệ cũng có thể hỗ trợ việc sớm phát hiện, điều tra và truy tố tội phạm.

Các nước đều khẳng định sự cần thiết củng cố các khuôn khổ pháp lý và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phòng chống tội phạm mới nổi, trong đó có tội phạm trên không gian mạng, theo đó hoan nghênh việc thông qua Công ước của Liên hợp quốc về Tội phạm mạng tháng 12/2024.

Ông Nguyên Đăng Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyên Đăng Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo đảm quyền con người, chia sẻ nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống tư pháp hình sự.

Đồng thời, Việt Nam kêu gọi tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế để phòng chống hữu hiệu các loại hình tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mạng. Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn đối với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc khi ủng hộ việc tổ chức mở ký Công ước của Liên hợp quốc về Tội phạm mạng tại Việt Nam và trân trọng mời các quốc gia tham dự Lễ ký tại Hà Nội trong năm 2025.

Ông Phạm Quang Huy, Bộ Công an Việt Nam, giới thiệu về công tác chuẩn bị cho Lễ ký Công ước.

Ông Phạm Quang Huy, Bộ Công an Việt Nam, giới thiệu về công tác chuẩn bị cho Lễ ký Công ước.

Nhân dịp diễn ra Hội nghị, đoàn Việt Nam đã phối hợp với UNODC tại khu vực tổ chức Tọa đàm "Đường tới Hà Nội: Lễ ký Công ước của Liên hợp quốc về Tội phạm mạng” nhằm giới thiệu về các nội dung chính của Công ước cũng như công tác tổ chức Lễ ký Công ước tại Hà Nội trong năm 2025. Đây là hoạt động đầu tiên của chuỗi hoạt động giới thiệu về Lễ ký Công ước sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Các đại biểu hào hứng thảo luận về Công ước và Lễ ký tại Tọa đàm.

Các đại biểu hào hứng thảo luận về Công ước và Lễ ký tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, đoàn Việt Nam cho biết việc mở ký Công ước của Liên hợp quốc về Tội phạm mạng tại Hà Nội, Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất thiếu khuôn khổ pháp lý để đối phó với loại hình này; đồng thời thông tin về các công việc hậu cần đang được triển khai tích cực.

Việt Nam mong muốn Lễ ký Công ước không chỉ là một sự kiện ký kết điều ước đơn thuần mà còn là dịp để tiếp nối các nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng.

Các đại biểu dự Tọa đàm thể hiện sự quan tâm cao tới Lễ ký Công ước tại Hà Nội và mong muốn tiếp tục nhận được các thông tin chi tiết hơn trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Công ước của Liên hợp quốc về Tội phạm mạng là điều ước về tư pháp hình sự đầu tiên trong 20 năm qua của Liên hợp quốc và là văn kiện pháp lý toàn cầu đầu tiên điều chỉnh vấn đề tội phạm mạng. Công ước hình sự hóa tội phạm về công nghệ thông tin và tội phạm được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin; thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế chống tội phạm mạng trong đó có cơ chế liên lạc 24/7, trao đổi chứng cứ điện tử và điều tra chung bên cạnh các kênh hỗ trợ pháp lý truyền thống.

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-de-cao-hop-tac-quoc-te-phong-chong-toi-pham-trong-ky-nguyen-so-302183.html
Zalo