Tiếp tục đổi mới, đưa hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng thực chất, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả
Quốc hội đã đi qua năm 2024 với nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác giám sát. Dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG nhấn mạnh, công tác giám sát của Quốc hội trong năm 2024 tiếp tục được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng thực chất, tạo chuyển biến toàn diện cả nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành nói chung và đối với vấn đề được giám sát nói riêng. Dư địa đổi mới hoạt động giám sát còn nhiều. Do đó, trong năm 2025 cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đóng góp vào sự đổi mới, phát triển của Quốc hội và đất nước trong bối cảnh tình hình mới hiện nay.
PV: Thưa Phó Chủ tịch, trong tổng thể các kết quả nổi bật, toàn diện của Quốc hội trong năm 2024 không thể thiếu hoạt động giám sát. Là lãnh đạo Quốc hội được giao phụ trách lĩnh vực quan trọng này, Phó Chủ tịch đánh giá thế nào về hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm qua?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, trong năm 2024, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động giám sát, bảo đảm tiến độ và hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch; bám sát những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác giám sát của Quốc hội trong năm 2024 tiếp tục được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; góp phần quan trọng nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả cũng như tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, tạo chuyển biến toàn diện cả nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành nói chung và đối với vấn đề được giám sát nói riêng, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao.
Năm qua, chúng ta đã tổ chức triển khai thành công 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ động triển khai thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ theo Chương trình giám sát đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Trong đó, về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tham mưu, trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn và tổ chức thành công 2 phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy và Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV. Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã tiến hành chất vấn các vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội thuộc 4 nhóm lĩnh vực, gồm: công thương; tài nguyên và môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch; kiểm toán nhà nước. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội tiến hành chất vấn với các nhóm vấn đề thuộc 3 lĩnh vực, gồm: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Qua đó, đã góp phần kịp thời làm rõ các nội dung, trách nhiệm và giải pháp để tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực này, tiếp tục khẳng định chất vấn là một hình thức giám sát có hiệu quả của Quốc hội.
Các phiên chất vấn đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng với nhiều đổi mới, như: dự kiến các nhóm vấn đề chất vấn từ sớm để tổng hợp, xin ý kiến theo quy định; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc họp trù bị để nghe các cơ quan, người trả lời chất vấn báo cáo về công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn, kịp thời chỉ đạo, xử lý vướng mắc phát sinh; các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban chỉ đạo cơ quan theo dõi, giám sát các nội dung thuộc nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách và cung cấp thông tin phong phú, nhiều chiều đến đại biểu Quốc hội; chỉ đạo chuẩn bị sớm dự thảo Nghị quyết chất vấn, tạo sự chủ động cho các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.
Trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức thành công 2 phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 135 lượt đại biểu chất vấn và 15 lượt đại biểu tranh luận; đã tiến hành giám sát và xem xét, ban hành nghị quyết đối với 2 chuyên đề giám sát thuộc thẩm quyền. Trong đó, có chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Tại Phiên họp thường kỳ thứ 36 (tháng 8.2024), lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động "giám sát lại", tổ chức chất vấn lại việc thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 về giám sát chuyên đề và chất vấn thuộc 9 lĩnh vực, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tăng cường và dành nguồn lực cần thiết để thực hiện. Do đó, ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đúng thẩm quyền, thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15, ngày 22.7.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Phiên họp tháng 4.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trước khi trình báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy. Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những kết quả tích cực, vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác này, đồng thời yêu cầu các cơ quan tăng cường và dành nguồn lực hơn nữa đối với nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là công việc thường xuyên, liên tục và cần báo cáo khi có thông tin, không đợi đến cuối kỳ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ đã yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện việc báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo từng quý để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp gần nhất…
- Một trong những dấu ấn có lẽ cũng là lần đầu tiên trong hoạt động của Quốc hội, đó là sau giám sát tối cao, cùng với việc ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về nghị quyết đặc biệt này?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Như chúng ta đã biết, năm 2023, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện các Chương trình này.
Việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các Chương trình mục tiêu quốc gia bắt đầu triển khai thực hiện có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện trong bối cảnh các Chương trình đang thực hiện rất chậm. Qua giám sát, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng lên và đã có sự vào cuộc quyết liệt hơn, tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các Chương trình ngay từ đầu năm 2023. Chuyên đề giám sát này một lần nữa thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội nói chung và các Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.
Một trong những kết quả rất cụ thể và thiết thực của chuyên đề giám sát này, đó là xuất phát từ thực tiễn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại các Nghị quyết số 100/2023/QH15[1] và Nghị quyết số 108/2023/QH15[2], Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm (tháng 1.2024), Quốc hội khóa XV đã xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Nghị quyết số 111/2024/QH15) với 8 cơ chế, chính sách đặc thù theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
Điều đặc biệt là Nghị quyết số 111/2024/QH15 có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua (ngày 18.1.2024), đúng tính chất của một nghị quyết mang tính cấp bách, tháo gỡ ngay vướng mắc vừa được chỉ ra qua hoạt động giám sát tối cao, để các cơ chế, chính sách đặc thù đi khẩn trương vào cuộc sống.
Trong năm 2024, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; nâng cao năng lực của chủ thể giám sát; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát một cách căn cơ và lâu dài hơn nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8.
PV: Trong những thành tựu chung của Quốc hội về lập pháp năm 2024, công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh cũng đạt nhiều kết quả khá ấn tượng, thưa Phó Chủ tịch?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng.
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Bảy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua 5/11 luật, bằng 45% tổng số luật thông qua tại Kỳ họp này. Tại Kỳ họp thứ Tám, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua 4/18 luật, bằng 22% tổng số luật thông qua tại Kỳ họp này.
Như vậy, trong năm 2024, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đã có 9/29 luật, bằng 31% tổng số luật, được Quốc hội thông qua trong năm. Đáng chú ý, trong số những luật đó, có nhiều dự án luật là nhiệm vụ đột xuất khi Chính phủ trình bổ sung 6 dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh phụ trách để Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có 5 dự án luật được Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp. Phần lớn các dự án Luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành trên 90% tổng số đại biểu Quốc hội, một số luật được Quốc hội thông qua với 100% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.
Trong đó, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được Quốc hội thông qua với 100% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Đây cũng là Luật quy định nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, góp phần tăng cường nền quốc phòng, an ninh nhân dân.
Cùng với đó, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã loại bỏ 27/37 thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, góp phần hạn chế, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng.
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Bảy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua 5/11 luật, bằng 45% tổng số luật thông qua tại Kỳ họp này. Tại Kỳ họp thứ Tám, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua 4/18 luật, bằng 22% tổng số luật thông qua tại Kỳ họp này. Như vậy, trong năm 2024, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đã có 9/29 luật, bằng 31% tổng số luật, được Quốc hội thông qua trong năm.
Luật Đường bộ được xây dựng trên cơ sở tách từ Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) với những chính sách quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển hạ tầng đường bộ, tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ.
Luật Phòng không nhân dân với những nội dung quan trọng về quản lý UAV, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ Tổ quốc trên không, phòng, chống tấn công, xâm nhập từ xa.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã sửa đổi những quy định quan trọng về quản lý vũ khí nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao, hung khí nguy hiểm để gây rối trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người...
PV: Công tác dân nguyện là một trong những phần việc rất quan trọng của Quốc hội - cơ quan đại biểu đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Tiếp nối đổi mới từ những năm trước, năm 2024, công tác dân nguyện đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa Phó Chủ tịch?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên chỉ đạo công tác tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đã tiếp và hướng dẫn 16 đoàn đông người, 1.084 lượt người về 972 vụ việc; chỉ đạo Ban Dân nguyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích gắn với lắng nghe, xem xét quyền, lợi ích chính đáng của công dân, tổ chức nghiên cứu, xem xét, phân loại xử lý và đã có văn bản chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền đối với 76 vụ việc; hướng dẫn trực tiếp công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với 438 vụ việc; hướng dẫn công dân bằng văn bản đối với 128 vụ việc.
Trong năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp nhận, phân loại và xử lý 16.754 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội; đã chuyển 178 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay đã nhận được 151 văn bản trả lời (chiếm 84,9% tổng số đơn đã chuyển); 1.142 đơn còn lại chủ yếu là những vụ việc đang trong quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, vụ việc phức tạp cần được tiếp tục nghiên cứu, thu thập thêm tài liệu để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Việc phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại mỗi kỳ họp Quốc hội có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, đề cao trách nhiệm của mỗi bên, góp phần phản ánh đầy đủ, toàn diện, khách quan, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến với Quốc hội, được đông đảo Nhân dân đồng tình, tin tưởng và đánh giá cao, là căn cứ, cơ sở tin cậy để đại biểu Quốc hội thực hiện chất vấn.
Việc phân loại, nghiên cứu và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã có những cải tiến, đổi mới và đạt được hiệu quả thiết thực, nhiều kiến nghị được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu để tiếp thu, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, tạo được sự gần gũi, yêu mến và tin tưởng của cử tri và Nhân dân cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất và trình Quốc hội nhất trí tổ chức thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại các Kỳ họp thường lệ trong năm, được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; tạo khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất, giúp nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri.
PV: Năm 2025, một trong những trọng tâm được xác định là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác giám sát của Quốc hội. Các công việc cụ thể để triển khai tư tưởng này như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Thực tiễn cho thấy, dư địa đổi mới đối với công tác giám sát của Quốc hội còn nhiều. Và, hoạt động giám sát cần bám sát quan điểm “Tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước” và phương châm“giám sát là để kiến tạo, phát triển, đổi mới”.
Hoạt động giám sát theo hướng: Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội; tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật.
Trên cơ sở Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, ngay sau khi các nghị quyết về chương trình, kế hoạch giám sát được ban hành, cùng với việc tích cực triển khai các hoạt động giám sát theo chương trình của năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương chuẩn bị cho các hoạt động giám sát năm 2025.
Trong đó, đã cho ý kiến sớm về kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 ngay tại Phiên họp tháng 9.2024 để giúp các cơ quan có căn cứ chủ động triển khai, bảo đảm chất lượng của hoạt động giám sát. Đồng thời, chỉ đạo tập trung chuẩn bị, tham mưu Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Chín và hoạt động “giám sát lại” tại Kỳ họp thứ Mười; tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại 2 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025; triển khai giám sát một chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội để báo cáo Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ Mười.
Đặc biệt, bám sát định hướng đổi mới hoạt động giám sát theo Nghị quyết của Trung ương và đề án, kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương, ban hành Kế hoạch và đang chỉ đạo các cơ quan tích cực chuẩn bị tốt về mọi mặt để tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao, trong đó lồng ghép nội dung triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, nhằm đánh giá toàn diện về hoạt động giám sát trong thời gian qua, đề xuất giải pháp nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động giám sát trong thời gian tới.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo với công tác dân nguyện của Quốc hội; đẩy mạnh việc giám sát văn bản và tăng cường tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với những vấn đề cấp bách nổi lên trong thực tiễn theo đúng tinh thần tại các Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!
----------
[1] Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó: “nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, báo cáo Quốc hội khi tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 6”.
[2] Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó giao Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết đặc thù theo quy trình, thủ tục rút gọn.