Nguồn nhân lực chất lượng cao - 'chìa khóa' cho nền kinh tế xanh

Để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, việc chuẩn bị một lực lượng lao động xanh chất lượng cao là yếu tố then chốt.

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xanh đặt ra yêu cầu cấp thiết về một lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng. (Ảnh: NVCC)

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xanh đặt ra yêu cầu cấp thiết về một lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng. (Ảnh: NVCC)

Lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). Đây dự kiến là hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh quy mô lớn nhất diễn ra tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2026.

Nhân dịp này, Báo Thế giới và Việt Nam trích đăng góc nhìn của GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế xanh.

Cần lực lượng lao động chất lượng cao

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, nền kinh tế xanh nổi lên như một mô hình tất yếu, hướng tới sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Kinh tế Việt Nam đang chuyển dần sang nền sản xuất xanh, thân thiện với môi trường để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Trong quá trình này, các doanh nghiệp rất cần có nhân lực để chuyển đổi công nghệ.

Nền kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường mà còn là sự chuyển đổi toàn diện trong cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ và quản lý tài nguyên. Nó bao gồm các lĩnh vực đa dạng như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, quản lý chất thải và nước thải, giao thông xanh, xây dựng xanh…

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xanh đặt ra yêu cầu cấp thiết về một lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp. Chúng ta cần những chuyên gia năng lượng tái tạo có khả năng thiết kế, lắp đặt và vận hành các hệ thống điện mặt trời, điện gió; những kỹ sư môi trường am hiểu về công nghệ xử lý chất thải tiên tiến; những kiến trúc sư và kỹ sư có khả năng thiết kế và xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng; những nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược về phát triển bền vững.

Việc làm xanh ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại ngày nay. (Nguồn: vneconomy)

Việc làm xanh ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại ngày nay. (Nguồn: vneconomy)

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đã xác định chủ trương "phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế". Đào tạo nhân lực hiểu đúng, làm đúng với xu hướng kinh tế xanh sẽ là động lực hiện thực hóa mục tiêu này.

Việt Nam đã có bước đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, tuy nhiên công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều thách thức như thiếu hụt lao động có kỹ năng chuyên môn sâu. Các ngành nghề mới trong nền kinh tế xanh đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức chuyên biệt mà hệ thống giáo dục và đào tạo hiện tại chưa đáp ứng kịp thời. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường lao động xanh.

Đồng thời, chương trình đào tạo ở nhiều trường còn mang tính lý thuyết, thiếu tính ứng dụng và chưa cập nhật những công nghệ và xu hướng mới nhất trong lĩnh vực xanh. Cả người lao động và người sử dụng lao động đôi khi chưa nhận thức đầy đủ về những cơ hội và yêu cầu của thị trường lao động xanh đang phát triển.

Nhân lực và kỹ năng là những yếu tố then chốt nhất nếu muốn phát triển thị trường việc làm xanh. (Nguồn: vneconomy)

Nhân lực và kỹ năng là những yếu tố then chốt nhất nếu muốn phát triển thị trường việc làm xanh. (Nguồn: vneconomy)

Trang bị “kỹ năng xanh” để đón đầu cơ hội

Trước thực trạng đó, Việt Nam cần những hành động cụ thể để chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh. Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế, các trường đại học tại Việt Nam phải thay đổi nhiều ngành học để thích nghi, đào tạo nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường sống bền vững. Rà soát và cập nhật chương trình giáo dục và đào tạo. Tích hợp các kiến thức, kỹ năng về kinh tế xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vào chương trình đào tạo ở tất cả các cấp học, từ phổ thông đến đại học và đào tạo nghề.

Đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế xanh tại Việt Nam là xu hướng tất yếu của nền sản xuất trong tương lai. Vì vậy, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy ngành này phải được chú trọng đầu tư, cập nhật và thay đổi linh hoạt. Chỉ tiêu tuyển sinh luôn bám sát sự chuyển dịch của thị trường lao động.

Nhân lực và kỹ năng là những yếu tố then chốt nhất nếu muốn phát triển thị trường việc làm xanh. Do đó, các cơ sở đào tạo cần nắm bắt được xu hướng việc làm, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, ngành nghề để triển khai đào tạo các kiến thức, kỹ năng xanh phù hợp cho sinh viên và người lao động. Nói cách khác, cần có sự phối hợp và đồng hành giữa 3 “chân kiềng”: cơ sở đào tạo – doanh nghiệp – người lao động. Tăng cường giáo dục cho người lao động về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi xanh. Từ đó, giúp họ thường xuyên cập nhật những xu hướng lao động, việc làm mới.

Nhân viên giới thiệu sản phẩm thời trang có nguyên liệu tái chế tại một triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: VTV)

Nhân viên giới thiệu sản phẩm thời trang có nguyên liệu tái chế tại một triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: VTV)

Điều quan trọng, nên khuyến khích học tập suốt đời và đào tạo lại lực lượng lao động hiện có. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động cập nhật kiến thức và chuyển đổi sang các ngành nghề xanh thông qua các chương trình đào tạo linh hoạt.

Người lao động nên liên tục trau dồi bộ “kỹ năng xanh” của mình, cập nhật những công nghệ hay xu hướng mới. Trong đó, kỹ năng xanh là những kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn, giá trị và thái độ cần thiết để phát triển và hỗ trợ một xã hội bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả. Đặc biệt, họ cần chú trọng trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm như phân tích, tư duy phản biện, kỹ năng quản lý để làm việc hiệu quả. Quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức về phát triển bền vững, văn hóa ứng xử, thói quen và hành động hằng ngày.

Tóm lại, để đón đầu cơ hội và thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Việt Nam với nguồn nhân lực trẻ hơn 51 triệu người trong độ tuổi lao động, nếu được trang bị và đào tạo tốt sẽ giúp giải quyết “bài toán” nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế xanh trong tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và tục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư do Việt Nam lần đầu đăng cai sẽ diễn ra từ ngày 16-17/4, tại Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động bên lề sự kiện sẽ bắt đầu từ ngày 14/4.

P4G hiện có 9 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác (Viện Tài nguyên thế giới - WRI, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu - GGGI, mạng lưới C40 - C40 cities, Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF và Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-chia-khoa-cho-nen-kinh-te-xanh-311006.html
Zalo