Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác lưu trữ tại các học viện, trường CAND

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Lưu trữ số trong các Học viện, trường CAND'. Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì hội thảo.

Thực hiện Quyết định số 2612/QĐ-BCA ngày 20/4/2021 của Bộ Công an phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số trong CAND đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030", trong thời gian qua, các học viện, trường CAND đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng đến xây dựng hệ thống lưu trữ hiện đại, đạt tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ trong các hoạt động giáo dục đào tạo chung của nhà trường.

Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại hội thảo.

Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo khoa học “Lưu trữ số trong các Học viện, trường CAND” và triển lãm các sản phẩm, giải pháp liên quan đến lưu trữ số được tổ chức nhằm mục đích đánh giá thực trạng về chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ; từ đó, đề ra các giải pháp, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của công tác lưu trữ và hình thành hệ thống liên thông, liên kết giữa từ Bộ Công an đến các đơn vị trực thuộc Bộ, đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong lực lượng CAND nói chung và các học viện, trường CAND nói riêng.

PGS.TS Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá về thực trạng hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ đối với công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các học viện, trường CAND; trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ hiện nay. Trên cơ sở đó, đưa ra dự báo tình hình có liên quan và đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể, có tính khả thi để nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ trong thời gian tới.

Với vai trò là cơ quan chủ quản tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước về công tác lưu trữ, TS. Nguyễn Thị Chinh, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã nêu khái quát về những vấn đề cốt lõi của công tác Lưu trữ, những điểm mới về công tác Lưu trữ số trong Luật lưu trữ 2024 và những vấn đề thực tiễn trong triển khai. PGS.TS Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam cũng đã gợi mở một số vấn đề về chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ để các học viện, trường CAND có thể tham khảo ứng dụng phù hợp với đặc thù riêng.

Từ góc độ nhà cung cấp giải pháp, ông Trương Tiến Tuấn, Giám đốc Trung tâm giải pháp ArchiveNex, Tập đoàn FPT cũng đã giới thiệu giải pháp toàn diện về quản lý tài liệu số hiệu quả có thể đưa vào ứng dụng trong thực tiễn tại các học viện, trường CAND.

Thượng tá, TS. Lê Hồng Hải, Trưởng Phòng Lưu trữ và Thư viện, Học viện CSND phát biểu tại hội thảo.

Thượng tá, TS. Lê Hồng Hải, Trưởng Phòng Lưu trữ và Thư viện, Học viện CSND phát biểu tại hội thảo.

Thượng tá, TS. Lê Hồng Hải, Trưởng Phòng lưu trữ và Thư viện, Học viện CSND cũng đã điểm qua một số kết quả đã đạt được trong công tác lưu trữ tại Học viện CSND, chỉ ra các tồn tại hạn chế, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong công tác lưu trữ tại Học viện CSND nói riêng và các học viện, trường CAND nói chung như: Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ với hệ thống thiết bị hiện đại, hoàn chỉnh để phục vụ hiệu quả chuyển đổi số; phát triển phần mềm quản lý lưu trữ hiện có, hướng tới xây dựng kho dữ liệu tập trung với khả năng truy xuất lớn và bảo mật cao; xây dựng cơ chế phân quyền và xác thực nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền truy cập, thao tác trên hệ thống đảm bảo an toàn dữ liệu; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác lưu trữ...

Thượng tá Nguyễn Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng Lưu trữ và Thư viện, Học viện ANND cũng đề xuất cần nhận diện và phát huy giá trị của tài liệu điện tử trong các hoạt động thu thập, chỉnh lý, lưu trữ, khai thác sẽ giúp các học viện, trường CAND tiết kiệm được tối đa công sức, thời gian và kinh phí....

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND khẳng định: Chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ tại các học viện, trường CAND nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, cần chú trọng vào việc số hóa các hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong quá trình hoạt động của các đơn vị; nghiên cứu áp dụng các điểm mới trong Luật Lưu trữ 2024 để áp dụng phù hợp với thực tiễn; kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về định danh tài liệu lưu trữ thống nhất trong cả nước để các bộ, ban, ngành làm cơ sở triển khai, tránh việc trùng lặp thông tin.

Cùng với đó, cần có kế hoạch triển khai bài bản công tác lưu trữ số của Bộ Công an nói chung và của các học viện, trường CAND nói riêng nhằm hướng đến xây dựng một hệ thống đồng nhất giúp dễ dàng tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và hạn chế các vấn đề sai lệch quy chuẩn khi hợp nhất dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau ở các cấp từ trung ương đến địa phương.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/day-manh-chuyen-doi-so-trong-cong-tac-luu-tru-tai-cac-hoc-vien-truong-cand-i765213/
Zalo