Sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu: Công nghệ phải đi đầu, đảm bảo các hoạt động thông suốt

Khi sáp nhập TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo sự thông suốt, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của cấp chính quyền mới.

Chiều 15-4, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 39, khóa XI (hội nghị chuyên đề).

Một trong nội dung quan trọng hội nghị tập trung thảo luận là những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phối hợp khi sáp nhập TP.HCM với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để tiến hành các bước sắp xếp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

 Hội nghị tập trung thảo luận là những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phối hợp khi sáp nhập ba tỉnh và bỏ cấp huyện. Ảnh: THANH THÙY

Hội nghị tập trung thảo luận là những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phối hợp khi sáp nhập ba tỉnh và bỏ cấp huyện. Ảnh: THANH THÙY

Trong phần phát biểu trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu phải đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, có sự đồng bộ, thông suốt khi tiến hành sắp xếp với hai tỉnh còn lại.

Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đình Thắng đã thông tin cụ thể hơn việc TP phải đảm bảo thông suốt toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc; nền tảng số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, dữ liệu của mô hình chính quyền mới gắn với Nghị quyết 18; nhất là khi sáp nhập ba tỉnh TP.HCM với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

 Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đình Thắng cho biết, sẽ xây dựng bản đồ số chuyên đề ứng dụng GIS phục vụ công tác sắp xếp các cơ quan hành chính. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đình Thắng cho biết, sẽ xây dựng bản đồ số chuyên đề ứng dụng GIS phục vụ công tác sắp xếp các cơ quan hành chính. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cũng cho biết, sẽ xây dựng bản đồ số chuyên đề ứng dụng GIS phục vụ công tác sắp xếp các cơ quan hành chính: hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của cấp chính quyền mới; hỗ trợ các địa phương, người dân sớm thích nghi các địa điểm, địa giới hành chính mới.

“Ngày mai, Sở KH&CN của ba tỉnh, thành sẽ ngồi bàn với nhau, thống nhất có giải pháp kỹ thuật để kết nối các hệ thống này. Trong đó, ưu tiên trước mắt là ba hệ thống: hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống văn phòng điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến” – ông Thắng nói và cho biết đây là khối lượng công việc phức tạp, lớn nhưng sẽ được tập trung trong thời gian tới.

Trao đổi lại, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, khi sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính thì KH&CN phải đi trước, đi đầu, đảm bảo cho các hoạt động thông suốt.

Theo ông, khi sáp nhập ba tỉnh, địa bàn sẽ rộng lớn hơn, dân số tăng, yêu cầu công việc cao, mục tiêu lớn nên yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo các hoạt động hành chính thông suốt.

Với không gian lớn hơn, bộ máy như thế thì hành trang cho cán bộ công chức vận hành rất cần các ứng dụng khoa học công nghệ; làm sao cho người dân có thể tương tác được trên các phần mềm.

Vì vậy, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải làm ngay, cập nhật, số hóa các thông tin; trước mắt là phải tổ chức các nhóm nhỏ để hỗ trợ người dân, đảm bảo thông suốt mọi thủ tục, phải phối hợp với Trung tâm hành chính công để làm cho được chuyện này.

“Khi không còn cấp huyện, việc yêu cầu cấp xã gần dân, sát dân phục vụ nhu cầu người dân, giảm bớt thủ tục phiền hà cho người dân là thử thách rất lớn phải vượt qua” – Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

THANH TUYỀN

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/sap-nhap-tphcm-binh-duong-ba-ria-vung-tau-cong-nghe-phai-di-dau-dam-bao-cac-hoat-dong-thong-suot-post844559.html
Zalo