Nguồn lực nào cho tăng trưởng hai con số?

Phát triển nguồn nhân lực, vật lực, tài lực gắn với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường giúp Việt Nam tăng trưởng hai con số.

Tăng trưởng hai con số là giai đoạn phát triển khác về "chất", đòi hỏi Việt Nam phải có những nỗ lực “phi thường”, cần phải “vượt qua chính mình”. Ảnh: Hoàng Anh.

Tăng trưởng hai con số là giai đoạn phát triển khác về "chất", đòi hỏi Việt Nam phải có những nỗ lực “phi thường”, cần phải “vượt qua chính mình”. Ảnh: Hoàng Anh.

Nguy cơ tụt hậu do nhân lực, tài lực chưa được sử dụng hiệu quả

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới, trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; nước có thu nhập cao vào năm 2045.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là giai đoạn phát triển khác về "chất". Việc đạt được các mục tiêu này sẽ khó hơn rất nhiều so với các giai đoạn phát triển trước đó.

Ông Sơn dẫn chứng, thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới cho thấy, chỉ có một số ít quốc gia (chiếm khoảng 1⁄4 dân số thế giới) vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao.

Trong khi đó, tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức khá thấp so với mục tiêu đặt ra, và thời gian cần có để đạt được mục tiêu này không còn nhiều.

Năm 2024, thu nhập bình quân/người của Việt Nam đạt mức 4.700USD, trong khi theo phân loại của Ngân hàng Thế giới năm 2024, để trở thành nước thu nhập trung bình cao, chỉ số này phải đạt là 4.466 - 13.845USD và để trở thành nước thu nhập caonphải đạt trên 14.000USD, chưa nói đến việc mức chuẩn này liên tục được nâng cao thêm hằng năm.

Trước thực trạng này, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cần tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời tạo dựng các nền tảng cho giai đoạn phát triển chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, mặc dù đã được nâng lên một bước nhưng hiệu quả quả lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Theo ông Sơn, mặc dù nguồn nhân lực của Việt Nam đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng, nhưng chất lượng lao động của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là cho những ngành kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...).

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đến năm 2023, mới đạt 27%. Tỷ lệ lao động đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động.

Cơ cấu lao động bất hợp lý không chỉ theo trình độ mà cả theo các vùng, miền. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” khá phổ biến. Năm 2023 tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên - cao đẳng - trung cấp - sơ cấp tương ứng là 1 - 0,32 - 0,33 - 0,49.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương

Tỷ lệ lao động phi chính thức cao (khoảng 65% tổng lực lượng lao động). Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, năng suất lao động thấp và tốc độ tăng năng suất lao động đang có xu hướng giảm dần, không đạt được các mục tiêu đặt ra.

Đối với nguồn vật lực, tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững và tiết kiệm; vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng và tiêu cực.

Nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới; thiếu kết nối nội vùng, giữa các vùng, giữa các cực phát triển và cơ sở hạ tầng chiến lược; khả năng chống chịu với thiên tai, thời tiết khắc nghiệt và thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp.

Các doanh nghiệp chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực thấp cả về vốn, công nghệ, lao động và kỹ năng quản lý. Chưa có doanh nghiệp lớn có thương hiệu và năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới. Khoa học - công nghệ chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhân lực khoa học - công nghệ thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học công nghiệ hiện đang thấp hơn so với mục tiêu chiến lược 1% GDP vào năm 2025, mà Chính phủ đã đề ra.

Nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu và triển khai của các doanh nghiệp cũng ở mức hạn chế, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi cho khoa học công nghệ cả nước.

Về tài lực, nguồn lực tài chính công đã được phân bổ, quản lý, đầu tư hợp lý và tập trung hơn. Các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều ở trong ngưỡng an toàn, dưới mức trần theo quy định của Quốc hội. Nguồn lực trong lĩnh vực tiền tệ (tín dụng, ngoại hối), hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, được huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng hợp lý hơn.

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công chưa cao. Hiệu quả đầu tư còn được thể hiện qua chỉ số lan tỏa kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2023, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5 - 6% tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế, nhưng khu vực này tạo ra 12 - 16% GDP của cả nước.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tuy tạo ra 33 - 38% GDP, nhưng vốn đầu tư của khu vực này chiếm tới 38 - 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước; khu vực dịch vụ tạo ra 39 - 43% GDP, nhưng vốn đầu tư chiếm tới 47 - 58%.

Chi phí đầu vào cho sản xuất biểu hiện qua tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm, tăng từ mức 62,2%, năm 2010 lên mức 63,82% năm 2015 và mức 65,54% năm 2023.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của Việt Nam luôn ở mức trên 75% kể từ năm 2010, tăng lên mức 78,21% năm 2023.

Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua đã cải thiện đáng kể, giai đoạn 2011-2015 đạt 27%, giai đoạn 2015 - 2021 đạt mức 36%, nhưng tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa trên đóng góp của vốn và lao động.

Nguồn lực trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm còn chứa đựng nhiều rủi ro, chưa bền vững, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế và yêu cầu phát triển mới.

Những phân tích ở trên cho thấy, để tạo ra 1 đồng GDP đang phải tiêu tốn nhiều vốn, năng lượng và lao động hơn, trong khi tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, cạnh tranh về vốn ngày càng khốc liệt hơn; những tác động tiêu cực của các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng mạnh hơn...

"Nếu tình trạng này tiếp tục, nguy cơ phụ thuộc vào bên ngoài, tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất lớn", ông Sơn nhận định.

Động lực nào giúp Việt Nam tăng trưởng hai con số?

Để đất nước vươn mình, đạt được các mục tiêu tăng trưởng hai con số và vững tin bước vào kỷ nguyên mới, ông Sơn cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp mang tính đột phá, giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực, nhất là tạo sự đột phá trong quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.

Trong đó, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là động lực chính của tăng trưởng. Đây là động lực mang tính đột phá, là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới, bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh và mạnh.

Phát huy tốt động lực này sẽ giúp cho nền kinh tế bắt nhịp được với xu thế phát triển chung của thế giới, tận dụng được những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cần gắn với chuyển đổi xanh cũng là động lực mới và mang tính cách mạng, là cuộc cách mạng về phát triển lực lượng sản xuất, qua đó thúc đẩy sự phát triển của quan hệ sản xuất mới, tiên tiến, phù hợp.

Nếu như chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với hội nhập quốc tế được bắt đầu vào năm 1986, đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp và tạo nền tảng để hướng tới nước có thu nhập trung bình cao, thì chuyển đổi số, gắn với chuyển đổi xanh là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thực hiện thành công giai đoạn này, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước có nên kinh tế phát triển.

Mặt khác, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng các nguồn lực phù hợp với thể chế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là các thể chế tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai và mở đường cho các mô hình sản xuất và kinh doanh mới.

Chính phủ cần có các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội đối với quản lý và sử dụng các nguồn lực như nguồn lực số, nguồn lực khoa học - công nghệ, nguồn lực thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam.

Các cơ quan quản lý cần thực hiện tốt các quy hoạch đã được ban hành; đổi mới công tác quy hoạch, lấy quy hoạch làm căn cứ pháp lý để quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời, Việt Nam cần phát triển đầy đủ, đồng bộ, thông suốt các loại thị trường, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường vốn, thị trường khoa học và công nghệ.

Theo ông Sơn, bối cảnh phát triển mới đặt ra nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó khó khăn có phần nổi trội hơn. Do vậy, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần có những nỗ lực “phi thường”, cần phải “vượt qua chính mình”.

"Với việc huy động được ở mức cao nhất các động lực cho phát triển và sử dụng, quản lý có hiệu quả, tiết kiệm và bền vững các nguồn lực, nhất định chúng ta cũng sẽ thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong kỷ nguyên mới", ông Sơn nhấn mạnh.

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nguon-luc-nao-cho-tang-truong-hai-con-so-d39103.html
Zalo